Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế

Từ 8 giờ 30 sáng nay, 29-7, Báo SGGP phối hợp với Bảo hiểm xã hội TPHCM tổ chức giao lưu trực tuyến với bạn đọc về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ thai sản, hưu trí, tử tuất…
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế

Từ 8 giờ 30 sáng nay, 29-7, Báo SGGP phối hợp với Bảo hiểm xã hội TPHCM tổ chức giao lưu trực tuyến với bạn đọc về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ thai sản, hưu trí, tử tuất…

Tham gia buổi giao lưu có:

- Ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM

- Bà Nguyễn Thu Hằng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Giám định 1

- Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Trưởng phòng Thu

- Bà Phan Nguyên Vị Thủy, Trưởng phòng Cấp số thẻ

- Ông Nguyễn Minh Châu, Phó Trưởng phòng Hành chính

- Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Trưởng Phòng Chế độ Bảo hiểm xã hội

Buổi giao lưu đã nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi về. Các vị khách mời đã trả lời liên tục và kết thúc buổi giao lưu vào lúc 11g 30.  Sau đây là nội dung buổi giao lưu.

- Phạm Tiến Bảy và Trần Thế Bỉnh, P. Hiệp Thành, Q.12: Tôi vừa là nạn nhân chất độc da cam, vừa là thương binh mức <60%, vợ con không được cấp thẻ BHYT. Trong khi đó, có nhiều thương binh mức 61%, vợ lại được cấp thẻ BHYT. Đó là một điều không hợp lý, hợp tình. Trong khi đó, chúng tôi tham gia đóng góp trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chúng tôi có đầy đủ giấy chứng nhận phơi nhiễm chất độc da cam và Thẻ thương binh. Tôi như vậy vợ tôi phải nghỉ làm ở nhà chăm sóc nhưng lại không được hưởng hỗ trợ, chúng tôi cảm thấy rất buồn, tủi thân.

Nếu Nghị định 153 CP giúp giảm đến cả những chi phí trong việc hợp thức hóa nhà đất cho thương binh - một điều đáng hoan nghênh - thì không có lý do gì chúng tôi vừa là thương binh vừa là nạn nhân chất độc da cam, vợ nghỉ làm để chăm sóc sức khỏe cho chúng tôi lại không được hưởng bảo hiểm y tế!

Nhờ quý báo giải đáp thắc mắc này của chúng tôi. Phạm Thế Bảy (65 tuổi) và Trần Thế Bỉnh (84 tuổi) cùng ngụ phường Hiệp Thành, quận 12.

>> Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM:

Ban vui lòng liên hệ Phòng LĐ-TBXH quận 12 để được hướng dẫn thủ tục cấp thẻ BHYT theo diện chính sách có công theo qui định.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc - Trưởng phòng Thu BHXH

- Ngô Thị Tuyết Mai, 115 đường Đồng Đen, P.12, Q.Tân Bình, TPHCM: Chồng tôi 88 tuổi, 65 tuổi Đảng, mất ngày 19-4-2015 tại TPHCM. Tôi được lãnh 11 tháng tiền trợ cấp mai táng. Tôi không lãnh được tiền tuất của chồng tôi với lý do tôi đã có tiền hưu trí (2,2 triệu đồng/tháng). Số tiền tuất này lại chuyển về cho mẹ tôi lãnh, nhưng mẹ chưa kịp lãnh thì đã mất vào ngày 27-6-2015. Sau đó BHXH Tiền Giang có giải quyết cho tôi lãnh 2 tháng tiền tuất của chồng tôi (lãnh thay mẹ tôi).

Xin hỏi mẹ tôi chết rồi sẽ cắt tiền tuất của cha tôi và chồng tôi có đúng không? Tại sao tôi không được lãnh tiền tuất của chồng một lần?.

>> Ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó Giám đốc BHXH TPHCM:

Theo quy định, các trường hợp hưởng trợ cấp tuất là thân nhân chủ yếu của người mất gồm vợ chồng, con đẽ, Bố mẹ ruột, bố mẹ chồng vợ,...trong trường hợp của chị do chị có thu nhập trên mức lương cơ sở nên thân nhân chủ yếu còn lại sẽ được hưởng trợ cấp tuất hang tháng. Tuy nhiên, mẹ chị chưa được lãnh thì đã mất, chị có thể liên hệ BHXH Tiền Giang để được xem xét giải quyết.

- Nguyễn Anh, Q.12, TPHCM: Tôi công tác trong ngành giáo dục từ năm 1982 đến 1988 tại tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước), sau đó tự ý nghỉ việc và chưa lãnh bất cứ tiền gì liên quan đến 6 năm công tác này. Năm 1994, tôi vào cơ quan nhà nước làm việc có đóng BHXH từ đó đến nay. Hỏi tôi có được cộng 6 năm đi dạy vào số năm tham gia bảo hiểm xã hội để tính năm về hưu? Tôi cần làm thủ tục hồ sơ gì để bổ sung số năm trên?

>> Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Trưởng Phòng Chế độ BHXH:

Theo thông tư 13/NV ban hành ngày 4-9-1972 thì thời gian người lao động tự ý nghỉ việc từ trước ngày 1-1-1995 sẽ không được tính thời gian đóng BHXH. Do đó thời gian đóng BHXH để tính hưởng các chế độ BHXH của bạn chỉ được tính từ năm 1994 đến nay.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Trưởng Phòng Chế độ BHXH

- conghuy13…@gmail.com: Tôi là bộ đội. Vợ tôi là nhân viên kế toán doanh nghiệp. Bảo hiểm y tế của vợ con tôi theo chế độ quân đội. Tôi muốn hỏi: Vợ tôi có phải mua bảo hiểm y tế ở công ty nữa không?. Nếu không, sau này chế độ thai sản sẽ được hưởng thế nào?

>> Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM:

Căn cứ điều 12 Luật BHYT sửa đổi bổ sung qui định thì vợ của anh thuộc đối tượng tham gia BHYT nhóm 1: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng. Như vậy vợ anh thuộc đối tượng bắt buộc phải mua BHYT tại đơn vị đang công tác. Các chế độ về thai sản, ốm đau được chi trả theo quy định hiện hành.

- lil…@vnn.vn: Xin BHXH TPHCM cho biết, giáo viên công lập (chỉ dạy bán công vài năm) về hưu, có được xét lại để hưởng trợ cấp thâm niên theo quyết định 52/2013 QD-TTg?

>> Ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó Giám đốc BHXH TPHCM:

Thông tin chị đưa chưa rõ, theo quy định những người trước khi nghỉ hưu là giáo viên trực tiếp giảng dạy trước 2011 sẽ được xem xét giải quyết trợ cấp thâm niên giáo viên theo QĐ 52

Ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó Giám đốc BHXH TPHCM

- Lê Huyền Linh, quận Thủ Đức: Tôi đóng BHXH tự nguyện có thời gian là từ tháng 10-2012 cho đến tháng 6-2015. Vì hoàn cảnh gia đình nên tôi không tiếp tục đóng được. Nay tôi xin chấm dứt để rút tiền BHXH ra được không? Và được rút bao nhiêu tiền? Xin hướng dẫn tôi.

>> Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Trưởng Phòng Chế độ BHXH:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 73 Luật BHXH năm 2006 thì người lao động có thời gian đóng BHXH dưới 20 năm nếu có yêu cầu nhận trợ cấp BHXH một lần thì liên hệ BHXH quận, huyện nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) để nộp hồ sơ. Mức hưởng trợ cấp BHXH một lần được tính theo số năm đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng lương bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

- Thúy Diễm, quận 2: Tôi đã mua bảo hiểm y tế tự nguyện năm 2015 nhưng muốn thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu có được không? Thủ tục như thế nào?

>> Bà Phan Nguyên Vị Thủy, Trưởng phòng Cấp sổ thẻ:

Theo quy định người tham gia BHYT được thay đổi nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu vào 10 ngày đầu của tháng đầu quý. Bạn cần lập hồ sơ theo phiếu GNHS 402 nộp tại cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT.

Bà Phan Nguyên Vị Thủy, Trưởng phòng Cấp sổ thẻ

- Thanh Mai, Q.3: Công ty nợ tiền đóng BHXH, tôi nghỉ việc thì gặp khó trong thực hiện thủ tục lãnh BHXH, xin nhờ tư vấn cách nào để tôi có thể hưởng quyền lợi của mình? Công ty nợ tiền đóng BHXH có bị xử lý gì không?

>> Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM:

Đối với những đơn vị sử dụng lao động thật sự khó khăn trong sản xuất kinh doanh dẫn đến nợ BHXH; để đảm bảo quyền lợi cho người lao động nghỉ việc, đơn vị phải đóng đủ số tiền BHXH, BHYT, BHTN và tiền lãi chậm đóng phát sinh của những người lao động đó đến thời điểm thôi việc, đồng thời đóng bổ sung ít nhất bằng số nợ quỹ BHYT và nợ quỹ BHXH ngắn hạn để đảm bảo quyền lợi BHXH cho những người lao động khác còn làm việc (công văn 2055/BHXH-THU).

Trường hợp công ty không hợp tác, thì người lao động có thể khởi kiện công ty ra Toà theo quy định.

- Phạm Tiến Bảy, phường Hiệp Thành, Q.12: Vợ tôi tham gia công tác tại một xí nghiệp ở Qui Nhơn được 18 năm rưỡi, nghỉ làm năm 1997, nhận trợ cấp nghỉ việc 2 triệu đồng. Theo tôi biết, tham gia bảo hiểm trên 15 năm thì có chế độ, vợ tôi công tác 18 năm rưỡi, nay tôi muốn hỏi vợ tôi có được quyền lợi gì không?

>> Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Trưởng Phòng Chế độ BHXH:

Thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ do đó không có căn cứ để trả lời cụ thể. Đề nghị bạn vui lòng mang toàn bộ hồ sơ có liên quan đến cơ quan BHXH để được hướng dẫn.

Làm hồ sơ đăng ký BHXH tại cơ quan BHXH TPHCM sáng 29-7. Ảnh: Cao Thăng

- Nguyễn Thị Thúy Vân, quận Bình Tân: Tôi làm việc ở Cty PouYuen Việt Nam, được Cty tham gia BHXH, BHYT, BHTN tại TPHCM nhưng con tôi mới sinh, được tham gia BHYT ở Long An (do tôi không đăng ký được tạm trú dài hạn ở TPHCM). Tại sao không cho con được hưởng BHYT theo mẹ?

>> Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM:

Theo công văn số 1331/BHXH-PThu ngày 25/4/2015, về việc hướng dẫn cấp thẻ BHYT cho đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi quy định đối tượng cấp thẻ BHYT là:

a) Trẻ em dưới 6 tuổi, là công dân Việt Nam cư trú tại thành phố HCM chưa được cấp thẻ BHYT;

b) Trẻ em dưới 6 tuổi, là công dân Việt Nam từ địa phương khác chuyển đến cư trú tại TP.HCM.

Do vậy, trường hợp con bạn dưới 6 tuổi nếu chuyển đến cư trú tại TP.HCM đề nghị liên hệ với với UBND phường, xã nơi cư trú lập hồ sơ cấp thẻ BHYT theo quy định.

- nhansu@law…com.tw: Ngày 26-8-2015 vừa qua, công ty chúng tôi có lao động nam đủ 60 tuổi và đã có hơn 20 năm tham gia BHXH. Do trước giờ tôi chưa làm chế độ hưu trí nên tôi không rõ quy trình như thế nào. Xin hỏi :- Có phải làm thủ tục báo giảm hưu trí cho người lao động? Thời điểm làm chế độ hưu trí để không làm chậm trễ quyền lợi của người lao động?

>> Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM:

Bạn vui lòng liên hệ cơ quan BHXH nơi đang tham gia BHXH của đơn vị để:

1. Lập thủ tục báo giảm lao động tại thời điểm đủ 60 tuổi.

2. Thực hiện chốt sổ BHXH cho người lao động.

3. Sau khi hoàn tất sẽ làm hồ sơ hưu trí cho đối tượng trên.

- Vu Phong, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh: Công ty đang chuẩn bị làm thủ tục bảo hiểm xã hội điện tử (dùng chứng thư số để giao dịch), xin hỏi thủ tục nào phải khai báo điện tử, thủ tục nào thì không? Xin cảm ơn!

>> Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM:

Hiện nay, BHXH TP.HCM đang triển khai giao dịch điện tử các thủ tục về công tác thu:

1. Đăng ký tham gia BHXH cho các đơn vị tham gia lần đầu.

2. Đăng ký tham gia hồ sơ tăng, giảm lao đồng hàng tháng.

3. Điều Chỉnh nhân thân, mức lương tham gia BHXH-BHYT-BHTN,truy thu BHXH-BHYT-BHTN theo qui định, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu trên thẻ BHYT do có sai sót trong qúa trình khai báo trước đây.

Các nghiệp vụ khác, hiện nay BHXH TP.HCM đang tiếp tục hoàn chỉnh phần mềm sử dụng và kết nối cơ sở dữ liệu để tiến tới thực hiện toàn diện các yêu cầu nghiệp vụ toàn ngành.

Cám ơn và rất mong được sự hợp tác của đơn vị.

- taquangly67…@gmail.com: Tôi về hưu đúng 60 tuổi nhưng chỉ có 17 năm công tác, muốn đóng ngay 3 năm BHXH để hưởng lương hưu có được không?

>> Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Trưởng Phòng Chế độ BHXH:

Trường hợp của bạn đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian hưởng lương hưu thì phải tiếp tục đóng BHXH tự nguyện. Nguyên tắc đóng BHXH tự nguyện được thực hiện hằng tháng, hằng quý hoặc 6 tháng. Trường hợp bạn muốn đóng BHXH tự nguyện ngay 3 năm để hưởng lương hưu nằm ngoài quy định.

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Cao Thăng

- Thanhhuong…@yahoo.com: Tôi không có thẻ BHYT do DN nợ BHXH. Tôi không được hưởng chế độ BHYT khi khám chữa bệnh. Tôi cũng không xin được giấy nghỉ ốm của bệnh viện cấp để nộp cho công ty, giải quyết chế độ. Mỗi lần đau bệnh, tôi phải xin nghỉ không lương, nghỉ phép để khám chữa bệnh. Tôi cần làm gì để được giữ quyền lợi cho mình?

>> Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM:

Theo Luật BHYT người lao động làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên thì thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Như vậy, trường hợp người lao động thuộc đối tượng tham gia BHYT nhưng không được cấp thẻ BHYT, để đảm bảo quyền lợi BHYT, đề nghị ông (bà) liên hệ trực tiếp với Liên đoàn Lao động, Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để nhờ can thiệp giải quyết hoặc khởi kiện ra Toà.

- fuonghoa....@gmail.com: Tôi đóng BHXH ở công ty cũ. Công ty phá sản, nợ đọng BHXH, không có khả năng thanh toán. Mấy năm nay, tôi không chốt được sổ. Tôi đang làm ở ty hiện tại nhưng muốn nghỉ việc, muốn lấy BHTN. Trường hợp của tôi phải giải quyết sổ thế nào để hưởng các thủ tục?

>> Bà Phan Nguyên Vị Thủy, Trưởng phòng Cấp sổ thẻ:

Trường hợp công ty cũ  phá sản, nợ BHXH nên sổ BHXH của bạn chưa được chốt. Nếu bạn muốn chốt sổ tại công ty hiện tại để hưởng BHTN thì bạn có đơn (mẫu D01-TS) đề nghị tạm khóa quá trình đã tham gia BHXH, BHTN ở công ty cũ do nợ kèm theo sổ BHXH nộp cho công ty hiện tại để lập hồ sơ bảo lưu chốt sổ cho bạn.

- Trần Hùng, huyện Bình Chánh: Năm 2000, tôi lên TPHCM làm việc nhưng tôi mượn hồ sơ của một người khác. Cty đóng BHXH, BHYT, BHTN theo tên người mà tôi mượn luôn. Giờ tôi muốn nghỉ việc quê, tôi muốn thay đổi, sang tên mình có được không? Chuyện của tôi giải quyết sao?

>> Ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó Giám đốc BHXH TPHCM:

Trường hợp của bạn sẽ được giải quyết như sau: Nếu bạn đang làm việc thì đơn vị của bạn lập hồ sơ nộp cho cơ quan BHXH nơi quản lý đơn vị. Nếu bạn đã nghỉ việc, sổ BHXH đã được chốt, bạn lập hồ sơ cho cơ quan BHXH nơi chốt sổ sau cùng để được điều chỉnh.

Thủ tục hồ sơ gồm:

+ Đơn đề nghị của người mượn hồ sơ, nêu rõ lý do mượn hồ sơ (mẫu D01-TS)

+ Giấy cam đoan của người cho mượn hồ sơ, có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú (mẫu 02-GCĐ/SBH)

+ Tờ khai tham gia BHXH cũ để thu hồi (02 bản)

+ Tờ khai tham gia BHXH, BHYT mới (mẫu TK1-TS, 01 bản)

+ Sổ BHXH hoặc tờ bìa Sổ BHXH, các trang tờ rời BHXH

+ Thẻ BHYT còn thời hạn sử dụng

- Quangthang…@gmail.com: Bây giờ mua thẻ BHYT phải mua cả gia đình. Song công ty tôi đang nợ BHXH, tôi không có thẻ BHYT. Vậy tôi phải mua BHYT cùng với cả gia đình hay đợi thẻ BHYT ở công ty?

>> Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM:

Bạn đang tham gia BHXH - BHYT - BHTN tại 1 Công ty cụ thể, do Công ty nợ BHXH nên bạn chưa được cấp thẻ BHYT. Như vậy bạn thuộc đối tượng tham gia BHYT nhóm 1: do người lao động và người sử dụng lao động đóng, như vậy bạn không thuộc đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Tại địa phương nơi cư trú khi gia đình bạn lập mẫu D01-HGD, cột số 4 "Đối tượng đang tham gia BHYT" bạn ghi rõ "Do đơn vị nợ BHXH chưa được cấp thẻ".

Nhiều người đến khám bệnh theo diện BHYT. Ảnh: Mai Hải

- Tambach…@yahoo.com.vn: Công ty ký hợp đồng với cộng tác viên (không cố định, ngày vài tiếng, tháng vài ngày, trả khoảng 10 triệu đồng/tháng), hoặc thực tập sinh – sinh viên ra trường (trả lương 1-2 triệu đồng/tháng), thời gian thực tập trên 3 tháng. Với 2 đối tượng trên, công ty tôi có phải đóng BHXH cho họ không?

>> Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM:

Theo quy định Luật BHXH:

+ Người lao động tham gia BHXH bắt buộc là công dân Việt Nam làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên;

+ Tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động làm việc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định là mức tiền lương, tiền công ghi trong HĐLĐ không bao gồm các khoản phụ cấp và không được thấp hơn mức lương tồi thiểu vùng do Nhà nước quy định.

Công ty căn cứ quy định trên để thực hiện cho đúng.

- Funan19…@gmail.com: Trụ sở chính công ty tôi ở Bình Dương, tôi được cử vào làm việc ở TPHCM khoảng 1 năm. Thẻ BHYT của tôi ở Bình Dương, vậy tôi có thể dùng thẻ BHYT này ở TPHCM được không? Mức chi trả thế nào?

>> Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Nghiệp vụ giám định 1:

1. Để được hưởng BHYT tại các bệnh viện của Tp. Hồ Chí Minh, đề nghị bạn liên hệ BHXH Bình Dương để đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu về các cơ sở khám, chữa bệnh tại TP Hồ Chí Minh để được khám, chữa bệnh.

2. Hoặc bạn có thể thực hiện theo Khoản 8 Điều 8 của Thông Tư số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 khi đi khám, chữa bệnh trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh như sau: đến khám tại cơ sở y tế cùng tuyến chuyên môn kỹ thuật hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT, cần xuất trình (bản chính hoặc bản sao): giấy công tác hoặc quyết định cử đi học, thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh. Nếu vượt quá khả năng chuyên môn thì của bạn sẽ được chuyển viện đến cơ sở khám, chữa bệnh khác để điều trị;

Trường hợp 1 và 2 bạn được hưởng 80% chi phí khám, chữa bệnh. Nếu chi phí KCB một lần dưới 15% mức lương cơ sở (172.500 đồng) thì được hưởng 100%.

3. Trường hợp bạn đi khám, chữa bệnh trái tuyến (không đúng nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, không phải trong tình trạng cấp cứu, khám, chữa bệnh không được giới thiệu chuyển tuyến) thì sẽ được hưởng quyền lợi như sau: Được hưởng 70% chi phí điều trị nội trú, ngoại trú tại bệnh viện tuyến huyện (bệnh viện hạng III); Được hưởng 40% chi phí điều trị nội trú tại các bệnh viện tuyến trung uơng (Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I). Được hưởng 60% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh (bệnh viện hạng I, hạng II). Các trường hợp khám ngoại trú trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương không được hưởng BHYT.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Nghiệp vụ giám định 1

- Tinh.nguyen…gmail.com: Hình thức xử lý cuối cùng đối với doanh nghiệp cứ nợ BHXH là gì? Công nhân chúng tôi đã kiện doanh nghiệp ra tòa, hiện đang trong quá trình hòa giải. Nếu hòa giải không thành công thì sao?

>> Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM:

Trường hợp người lao động đã kiện doanh nghiệp ra tòa án thì khi có bản án giải quyết của tòa án, cơ quan thi hành án thực hiện theo phán quyết cùa tòa.

- Phuonghoang@t...com: Công ty tôi có sử dụng lao động là người nước ngoài. Người nước ngoài thì công ty có phải đóng BHXH, BHTN, BHYT không? Nếu có, thủ tục ra sao?

>> Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM:

Người lao động là người nước ngoài làm việc theo Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, Hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên hoặc là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương thì vẫn thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc.

- Diha…@yahoo.com.vn: Công ty tôi có người lao động đang làm việc nhưng họ chưa chịu ký hợp đồng ngay để hưởng nốt Bảo hiểm thất nghiệp. Họ có bị xử phạt gì không?

>> Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM:

Theo quy định Luật BHXH:

+ Người lao động tham gia BHXH bắt buộc là công dân Việt Nam làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên;

+ Tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động làm việc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định là mức tiền lương, tiền công ghi trong HĐLĐ không bao gồm các khoản phụ cấp và không được thấp hơn mức lương tồi thiểu vùng do Nhà nước quy định.

Công ty căn cứ quy định trên để ký kết hợp đồng lao động trên cơ sở đó thực hiện trích nộp BHXH-BHYT-BHTN đúng qui định. Nếu vi phạm sẽ bị các cơ quan pháp luật xử phạt doanh nghiệp theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP.

- phandangmien…@gmail.com: Năm nay tôi 65 tuổi, đã đóng BHXH bắt buộc 18 năm. Đầu năm 2016 tôi nghỉ việc và đóng BHXH tự nguyện 1 lần cho đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu được không?

>> Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Trưởng Phòng Chế độ BHXH:

Bạn 65 tuổi, đóng BHXH 18 năm thì được tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm để được hưởng lương hưu. Bạn liên hệ BHXH quận, huyện nơi cư trú để được hướng dẫn tham gia BHXH tự nguyện.

- Khuenguyen…@gmail.com: Tôi làm kế toán cho một công ty in lụa. Thu nhập của tôi khoảng 10 triệu đồng/tháng. Tôi đang nghỉ thai sản, hưởng chế độ hơn 3 triệu đồng. Đến tháng thứ ba thai sản (trong 6 tháng), tôi đi làm sớm. Lấy lý do tôi đã được BHXH trả hơn 3 triệu, công ty chỉ trả tổng lương và trợ cấp 7 triệu nữa (cho bằng mức 10 triệu trước đây). Như vậy đúng hay sai? Tôi có được hưởng trọn 2 khoản không (10 triệu ở công ty + 3 triệu BHXH)?

>> Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Trưởng Phòng Chế độ BHXH:

Khoản 4 Điều 157 Bộ luật Lao động quy định: Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 4 tháng. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Vậy đến tháng thứ 3 trong thời gian nghỉ thai sản, người lao động trở lại làm việc là chưa đúng quy định.

- minhk…@gmail.com: Tôi làm việc và bắt đầu tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 3-2002. Quá trình đóng của tôi có 4 giai đoạn như sau:

+ Quá trình thứ 1: từ 3-2002 đến 3-2003: tham gia BHXH TPHCM.

+ Quá trình thứ 2: từ 4-2003 đến 5-2004: tham gia BHXH Bà Rịa Vũng Tàu.

+ Quá trình thứ 3: từ 10-2004 đến 12-2006: tham gia BHXH TPHCM.

+ Quá trình thứ 4: từ 3-2007 đến nay: tham gia BHXH TPHCM.

Trong phần tra cứu THÔNG BÁO KẾT QUẢ ĐÓNG BHXH, BHYT, BHTN (theo mẩu C13-TS): BHXH TPHCM chỉ tổng hợp được 3 quá trình đóng đóng của tôi (cụ thể là quá trình 1, quá trình 3, và quá trình 4). Còn quá trình thứ 2 BHXH TPHCM không tổng hợp với lý do Quá trình này thuộc BHXH Bà Rịa Vũng Tàu. Vậy khi thông báo quá trình đóng BHXH của tôi như vậy có ảnh hưởng đến quyền lợi hay chế độ sau này của tôi không?. Tôi cũng đề nghị, khi thông báo quá trình đóng BHXH cho một cá nhân thì bên BHXH sau cùng mà người lao động tham gia (trong trường hợp của tôi là BHXH TPHCM) nên công bố thật đầy đủ quá trình đóng BHXH của cá nhân đó. Rất cám ơn và trân trọng.

>> Bà Phan Nguyên Vị Thủy, Trưởng phòng Cấp sổ thẻ:

Hằng năm, cơ quan BHXH thông báo cho người lao động kết quả đóng BHXH,BHYT, BHTN (mẫu C13-TS)của năm trước tại đơn vị trên địa bàn TPHCM.

Trường hợp người lao động có quá trình đóng BHXH trên địa bạn tỉnh, thành phố khác thì không tra cứu được trên trang thông tin điện tử của TPHCM mà đã được xác nhận ghi trên sổ BHXH.

Việc giải quyết các chế độ BHXH căn cứ vào quá trình đóng BHXH, BHTN được ghi trên sổ BHXH, vì vậy kết quả thông tin quá trình đóng BHXH, BHTN trên trang thông tin điện tử chỉ cung cấp thông tin cho người lao động biết việc đóng BHXH, BHTN của năm trước của mình mà thôi chứ không phải là cơ sở để giải quyết các chế độ.

Vấn đề bạn đang quan tâm cần biết hết toàn bộ quá trình đóng BHXH, BHTN thì hiện nay BHXH Việt Nam đang triển khai đồng bộ hóa dữ liệu toàn nghành BHXH.

- thanhhang…@gmail.com: Công ty tôi có 2 chi nhánh, trụ sở chính ở Hà Nội, chi nhánh ở TPHCM. Hiện trụ sở chính làm ăn không được, phải đóng cửa. Người lao động chuyển và ký hợp đồng, làm việc ở TPHCM. Vậy chế độ chính sách của người lao động chuyển vào TPHCM như thế nào cho thuận tiện?

>> Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM:

Theo quy định của BHXH Việt Nam: Cơ quan, đơn vị đóng trụ sở chính ở địa bàn tỉnh nào thì đăng ký tham gia đóng BHXH tại địa bàn tỉnh đó theo phân cấp của cơ quan BHXH tỉnh. Chí nhánh của doanh nghiệp đóng BHXH tại địa phương nơi cấp giấy phép kinh doanh cho cho chi nhánh.

Theo như trình bày, nơi đặt trụ sở chính của công ty làm ăn không được, phải đóng cửa thì chi nhánh TP.HCM làm sao hoạt động.
 
- Bạn đọc: Tôi năm nay 33 tuổi, đã đóng BHXH 10 năm. Tôi xin hỏi, đến lúc tôi về hưu quỹ bảo hiểm đã vỡ chưa?

>> Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Trưởng Phòng Chế độ BHXH:

Theo Luật BHXH, Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ. Vì vậy, tất cả các trường hợp tham gia BHXH theo Luật định đều được đảm bảo đầy đủ các quyền lợi.

- Nguyenminhthu…@gmail.com: Công ty tôi có 5 người. Chúng tôi có ý định không tham gia BHXH do nhà nước tổ chức mà thay thế bằng việc tham gia bảo hiểm thương mại của các hãng bảo hiểm. Như vậy có được không? Tham gia bảo hiểm nào thì có lợi hơn?

>> Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM:

Theo Luật BHXH quy định, các trường hợp người lao động có hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên thì thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Các hình thức tham gia Bảo hiểm thương mại khác không thể thay thế BHXH bắt buộc.

- heracle…@gmail.com: Khi người lao động chuyển qua tỉnh khác làm việc thì có phải đóng dấu chốt chuyển tỉnh vào sổ BHXH không (in tờ rời)?

>> Bà Phan Nguyên Vị Thủy, Trưởng phòng Cấp sổ thẻ:

Theo quy định khi người lao động nghỉ việc, chuyển công tác... thì được chốt sổ in tờ rời, thẩm quyến ký trên tờ rời xác nhận là do Giám đốc hoặc phó giám đốc của BHXH Tỉnh hoặc BHXH quận, huyện ký. Đối với sổ BHXH (tờ bìa, tờ rời) thì khi người lao động chuyển qua tỉnh khác làm việc thì không phải đóng dấu chuyển tỉnh vào sổ BHXH.

- Hiennguyen….@gmail.com: Tôi ký hợp đồng lao động lần 1 là tháng 8 năm 2008 (1 năm), có đóng BHXH, có thẻ BHYT. Đến tháng 8-2009 ký lần 2 (cũng 1 năm) và từ tháng 8-2010 là hợp đồng không xác định thời hạn. Vậy tại sao trong thẻ BHYT của tôi lại ghi “Thời điểm đủ 5 năm liên tục: từ ngày 1-1-2015”? (tức chỉ tính từ 1-1-2010 và 1-1-2015)? Tại sao thời điểm bắt đầu tính 5 năm liên tục của thẻ BHYT không phải từ cuối năm 2008? Có phải như thế cũng có nghĩa là tính thời gian tham gia BHXH của tôi từ 1-1-2010?

>> Bà Phan Nguyên Vị Thủy, Trưởng phòng Cấp sổ thẻ:

Theo quy định thời gian đóng BHYT liên tục 05 năm được tính từ ngày 01/01/2015 trở về trước nếu đủ 60 tháng. Như vậy, trường hợp của bạn nếu trên thẻ có dòng BHYT 05 năm liên tục từ 01/01/2015 thì bạn phải đóng BHYT từ 01/01/2010 đến 31/12/2014.

- Việt Trần Quốc, vietks@gmail.com: BHYT của vợ tôi đăng ký tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, quận 5. Nhưng vợ tôi lại sinh em bé ở bệnh viện Mê Kông, tại đây không xài BHYT nên tôi phải thanh toán 100% chi phí. Vậy cho tôi hỏi trường hợp của vợ tôi có được BHYT thanh toán lại hay không? Nếu có thì thủ tục như thế nào. Xin cảm ơn!

>> Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Nghiệp vụ giám định 1:

Trường hợp của bạn sinh con tại bệnh viện không có ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT bạn được thanh toán theo phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC, mức thanh toán như sau:

Vì bệnh viện Mê kông là bệnh viện tư nhân chưa được xếp hạng, theo quy định của Bộ y tế được xếp vào tuyến huyện và tương đương mức thanh toán là 500.000 đồng cho một đợt khám, chữa bệnh nội trú.

Mời bạn đem giấy ra viện, thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân có ảnh, hóa đơn thanh toán viện phí đến Bảo hiểm xã hội nơi gần nhất để nộp hồ sơ đề nghị thanh toán.

- Thanhhoa1975@gin...com: Mẹ tôi vào ở với con cháu trong ở TPHCM (đã nhập khẩu TPHCM). Bà có hộ khẩu ở quê. Vậy tôi mua BHYT cho mẹ như thế nào, thủ tục ra sao? Mẹ tôi có thẻ BHYT ở quê, đã mua 2 năm liên tục. Nếu mua thẻ BHYT cho mẹ ở TPHCM, thì thời gian tham gia BHYT của mẹ tôi có được cộng dồn để sau này tính 5 năm liên tục không?

>> Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM:

Căn cứ khoản 5 điều 1 của thông tư 41//2014/TTLT-BYT-BTC qui định đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình gồm:

1. Toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu, trừ đối tượng qui định tại các khoản 1,2,3 và 4 điều này và người đã khai báo tạm vắng.

2. Toàn bộ những người có tên trong sổ tạm trú, trừ đối tượng qui định tại các khoản 1,2,3 và 4 điều này.

Vậy bạn đăng ký tạm trú cho mẹ của bạn theo qui định để được đăng ký BHYT.

3. Thời gian tham gia BHYT liên tục của me bạn trước đây ở quê vẫn được cộng dồn với thời gian tham gia mới nếu không bị gián đoạn từ 3 tháng trở lên.

- Huyhiep…@gmail.com: Tôi 58 tuổi, tham gia BHXH 19 năm. Bây giờ tôi xin nghỉ việc, tôi có được hưởng BHXH 1 lần không? Ngoài ra, tôi còn được hưởng chế độ gì nữa của BHXH và của công ty?

>> Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Trưởng Phòng Chế độ BHXH:

Trường hợp của bạn nếu sau 1 năm không có việc làm thì bạn được hưởng BHXH một lần. Ngoài ra bạn còn được hưởng chế độ Bảo hiểm thất nghiệp, BHYT khi nộp hồ sơ đúng thời gian quy định và Bạn được Công ty chi trả tiền trợ cấp thôi việc từ thời gian làm việc trước ngày 31-12-2008.

Trường hợp của bạn thì nên tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm tham gia để được hưởng lương hưu và BHYT khi bạn đủ 60 tuổi.

- Pham Van Duy, q.10: Từ 2009 đến 2011, tôi làm 1 công ty tư nhân; công ty nợ đọng BHXH. Sau đó tôi nghỉ việc, tôi chưa chốt sổ BHXH và cũng chưa nhận bất kỳ chế độ gì. Từ tháng 9 -2011 đến nay, tôi làm 1 công ty khác, đóng BHXH lại từ đầu. Vậy, tôi có thể lấy sổ BHXH ở công ty cũ không? Nếu lấy được thì tôi có 2 sổ BHXH, tôi có thể ghép 2 sổ lại được với nhau không? Thủ tục như thế nào? Xin hỏi thêm là trường hợp nào được hưởng Bảo hiểm thất nghiệp; trường hợp của tôi, giờ đây có thể hưởng Bảo hiểm thất nghiệp do nghỉ làm ở công ty cũ không?

>> Bà Phan Nguyên Vị Thủy, Trưởng phòng Cấp sổ thẻ:

Trường hợp của bạn: Liên hệ đơn vị cũ để yêu cấu chốt sổ bảo lưu và trả lai sổ BHXH.  Sau đó bạn nộp sổ BHXH đã chốt tại đơn vị cũ cho đơn vị đang làm việc để thực hiện gộp sổ theo PGNHS 304. Theo quy định quá trình từ 2009 đến 2011 tại đơn vị cũ đã hết thời hạn lập thủ tục hưởng trợ cấp BHTN, tuy nhiên quá trình này được cộng dồn vào quá trình đang tham gia tại đơn vị sau.

Tổng quá trình tham gia BHTN sẽ được tính hưởng trợ cấp BHTN trong trường hợp bạn nghỉ việc không có việc làm ở đơn vị đang tham gia.

- dangvan…@gmail.com: Gia đình tôi làm nghề tự do. Thẻ BHYT của ba tôi hết hạn vào cuối năm 2015, của má tôi thì đã hết hạn từ tháng 6-2015, tôi chưa có BHYT. Theo yêu cầu phải mua BHYT hộ gia đình. Gia đình tôi định đợi đến đầu năm 2016 (khi thẻ của ba tôi hết hạn), thì mua một thể. Vậy 6 tháng (từ tháng 6-2015 đến tháng 1-2016), mẹ tôi không tham gia BHYT thì thời gian 2 năm trước đó có được cộng dồn để sau này tính là 5 năm liên tục tham gia BHYT không? Hay thời gian tham gia BHYT của mẹ tôi lại… tính lại từ đầu?

>> Bà Phan Nguyên Vị Thủy, Trưởng phòng Cấp sổ thẻ:

Theo qui định thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước, trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng .

Như vậy mẹ bạn bị gián đoạn trên 3 tháng do đó không được tính 5 năm liên tục.

- Pham Van Thuan, cuckoo171205@gmail.com: Tôi sinh ngày 20-6-1960. Tháng 10-1978, tôi đi nghĩa vụ quân sự (có thời gian trưc tiếp chiến đấu ở Campuchia 4 năm 6 tháng). Sau đó, chuyển ngành về công tác tại Bưu điện TPHCM. Ngày 1-6-2012, xin nghỉ việc đã được trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp và nhận sổ BHXH số: 0296145080 (thời gian đóng BHXH là 33 năm 3 tháng). Khi nào thì tôi bắt đầu làm thủ tục hưởng lương hưu? Đến đâu để lập hồ sơ? Tôi được hưởng tỷ lể lương hưu là bao nhiêu % (có bị trừ % do nghỉ trước tuổi?) Mức lương hưu sẽ là bao nhiêu?

>> Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Trưởng Phòng Chế độ BHXH:

Theo quy định điều kiện để được hưởng lương hưu là người lao động có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm, đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ. Đối chiếu quy định bạn sinh năm 1960 mới 55 tuổi nên chưa đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí. Khi bạn đủ 60 tuổi thì liên hệ BHXH quận, huyện nơi cư trú để nộp hồ sơ hưởng chế độ hưu trí.

Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam, 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%. Trường hợp nếu bạn nghỉ hưu trước tuổi quy định thì có thể giám định y khoa, nếu có mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động thì cứ mỗi năm nghỉ trước tuổi bị giảm 1% mức lương hưu.

- ngocanh19…@gmail.com: Con tôi sinh ở TPHCM nhưng khai sinh theo hộ khẩu của mẹ ở quê. Hiện tôi đang sinh sống và làm việc ở TPHCM, vậy tôi có thể chuyển thẻ BHYT của con từ quê vào TPHCM không? Thủ tục thế nào? (tôi có thẻ BHYT bắt buộc ở cơ quan làm việc).

>> Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Nghiệp vụ giám định 1:

Theo Luật BHYT trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT tại nơi cư trú. Trường hợp con của bạn đã được cấp thẻ theo hộ khẩu của mẹ ở quê muốn chuyển thẻ về Thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể thực hiện như sau: Bạn phải liên hệ nơi cơ quan có thẩm quyền để đăng ký tạm trú dài hạn cho con bạn; đồng thời bạn liên hệ UBND phường xa nơi đã cấp thẻ BHYT của con bạn để trả lại thẻ BHYT, bạn đem theo giấy xác nhận đã trả thẻ BHYT đến UBND phường nơi đăng ký tạm trú tại TP.HCM để làm thủ tục cấp lại thẻ mới.

- Tố Nga, Q.4: Tôi đang làm cho một công ty Liên doanh với nước ngoài (6 năm), nay tôi muốn xin nghỉ việc thì tôi được hưởng các chế độ như thế nào theo Luật BHXH mới?

>> Ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó Giám đốc BHXH TPHCM:

Bạn có hai lựa chọn:

- Bạn có thể bảo lưu quá trình tham gia BHXH, quá trình này sẽ được cộng dồn với quá trình tham gia mới để làm cơ sở giải quyết chế độ hưu trí khi bạn hết tuổi lao động.

- Trong thời gian 12 tháng sau khi nghỉ việc nếu bạn không có việc làm nếu có nguyện vọng bạn sẽ được hưởng trợ cấp 1 lần cho quá trình tham gia BHXH tại công ty liên doanh mức hưởng bằng 1,5 tháng lương bình quân cho mỗi năm đóng BHXH.

Ngoài ra khi nghỉ việc bạn sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

- Phan Thị Thu Vân, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn: Xin hỏi về vấn đề BHYT tự nguyện. Ngày 22-6-2015 lúc 1 giờ 30' tại bệnh viện Hóc Môn. Tôi bị đau cổ họng amiđan nên xin khám phòng số 4 tai mũi họng. Cô phòng số 2 hỏi có sốt không . Tôi trả lời bữa trước Chủ nhật sốt nên mua thuốc ở tiệm thuốc tây uống bớt sốt. Nhưng vẫn còn bệnh mới đi khám. Cô phòng số 2 cho số tôi khám phòng số 13 với số hơn 100. Khi đến chờ phòng số 13 mọi bệnh nhân phòng số 13 đều bệnh về huyết áp. Rất đông bệnh nhân, bệnh nhân số 90 phải bỏ vế vì sợ khám không kịp. Khi tôi vào hỏi BS phòng số 13 số hơn 100 của tui khám kịp không? BS trả lời máy vi tính hư chắc khám không kịp. Dù 3 giờ nghỉ giải lao đến 3 giờ 15' làm việc nhưng 3 giờ 20 phòng số 2 mới làm. Tôi trình bày sự việc và xin khám phòng số 4 tai mũi họng vì phòng này đang vắng bệnh nhân. Và kỳ trước tôi cũng bị đau cổ viêm họng amiđan và khám phòng số 4 mà hết bệnh. Nhưng cô phòng số 2 nhất định không chịu. Phòng số 13 là phòng huyết áp luôn cả bảo vệ bệnh viện cũng phải nói sao không cho cô khám phòng số 4 tai mũi họng để chữa đúng bệnh. Tất cả mọi bệnh nhân cũng đều bất bình và tôi phải bỏ về vì biết có chờ cũng không khám kịp.

>> Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Nghiệp vụ giám định 1:

Tất cả các vướng mắc về KCB BHYT tại bệnh viện Hóc Môn, mời bạn liên hệ Bác sĩ Dũng, Trưởng khoa khám bệnh, Phòng số 12 bệnh viện Hóc Môn để được giải quyết, hoặc bạn có thể lựa chọn nơi khám, chữa bệnh ban đầu khác để được khám, chữa bệnh, thời gian đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu từ ngày 01 đến ngày 10 của tháng đầu mỗi quý. Bảo hiểm xã hội tiếp thu ý kiến của bạn để làm việc với Lãnh đạo bệnh viện Hóc Môn để chấn chỉnh thái độ phục vụ của nhân viên y tế.

- Nguyễn Thị Hồng, Bình chánh, xd.ntsc@ntsc.vn: Thủ tục cấp lại sổ BHXH do mất. Đơn vị đóng bảo hiểm xã hội cần làm những thủ tục gì, (sổ đã chốt)

>> Bà Phan Nguyên Vị Thủy, Trưởng phòng Cấp sổ thẻ:

Thủ tục cấp lại sổ BHYXH do đơn vị làm mất thì nộp hồ sơ theo PGNHS 305, gồm:

+ Danh sách đề nghị cấp lại sổ (mẫu 03a-DS/CLS): 1 bản

+ Biên bản xác định nguyên nhân mất sổ: 1 bản

- lanhien.ha…@yahoo.com: BHYT có giới hạn các đợt điều trị trong 1 năm hay không. Một số bệnh mãn tính, hay mổ xẻ (tức không thuộc diện cấp cứu) cần khám, chữa nhiều lần, tôi có thể dùng BHYT cho tất cả các lần đó không?

>> Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Nghiệp vụ giám định 1:

BHYT không giới hạn các đợt điều trị trong 1 năm, tùy theo bệnh lý mắc phải mà các bác sĩ chỉ định thời gian điều trị. Một số bệnh lý mãn tính, mổ xẻ cần KCB nhiều lần, nếu bạn đi khám, chữa bệnh tại cơ sở nơi đăng ký KCB ban đầu, các bệnh viện được giới thiệu chuyển tuyến thì bạn đều được hưởng BHYT.

- Bùi Xuân Thịnh, Công ty CP Thiết kế và xây dựng Sài Gòn Tourist: Tháng 3-2015, tôi bị ốm, đã gửi hồ sơ về thanh toán chế độ ốm đau hưởng BHXH và được BHXH TPHCM xét duyệt và chuyển tiền vào tài khoản của Công ty khoảng 4 triệu đồng. Nhưng ngày 9-4, tôi hỏi thì kế toán trưởng Công ty nói do cơ quan BHXH chuyển sai tài khoản ngân hàng nên đang làm văn bản đề nghị chuyển lại. Sau đó, tôi đã liên hệ Phòng Chế độ BHXH và Phòng Kế hoạch tài chính của BHXH TP.HCM thì đều được trả lời tiền đã được chuyển đúng tài khoản ngân hàng của Công ty. Công ty đã đơn phương cho tôi nghỉ việc. Vậy, bây giờ muốn lấy được khoản tiền đó, tôi phải làm gì?

>> Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Trưởng Phòng Chế độ BHXH:

Trường hợp ông Bùi Xuân Thịnh, số sổ BHXH 0296329252 làm việc tại Công ty CP Thiết kế và Xây dựng Sài Gòn. Qua kiểm tra dữ liệu giải quyết chế độ ốm đau năm 2015, cơ quan BHXH chưa tiếp nhận giải quyết chế độ ốm cho ông Thịnh. Đề nghị ông liên hệ Công ty CP Thiết kế và Xây dựng Sài Gòn để được giải quyết chế độ ốm đau theo quy định.

- Nguyenthithanhhoang…@yahoo.com: Tại sao sinh con ở nước ngoài được hưởng chế độ thai sản mà đi khám chữa bệnh ở nước ngoài thì lại không được thanh toán chi phí?

>> Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Nghiệp vụ giám định 1:

Theo quy định hiện hành, việc khám, chữa bệnh phải đúng nơi đăng ký ban đầu hoặc được giới thiệu chuyển tuyến trừ các trường hợp cấp cứu.

Các trường hợp khám, chữa bệnh tại các cơ sở không ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT được thanh toán theo Phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC, tại phụ lục 04 các mức thanh toán không quy định thanh toán các chi phi khi điều trị tại nước ngoài.

Bảo hiểm xã hội sẽ tiếp thu ý kiến của bạn để phản ánh đến các cấp có thẩm quyền.

- Hải, Củ Chi, TPHCM: Tôi hưởng lương hưu theo BHXH, vợ tôi chỉ làm nội trợ ở nhà không có hưởng lương hưu theo BHXH, khi tôi mất thì vợ tôi có được hưởng chế độ trợ cấp gì không?

>> Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Trưởng Phòng Chế độ BHXH:

Trường hợp người đang hưởng lương hưu chết, nếu thân nhân gồm có con dưới 15 tuổi, hoặc con từ 15 đến dưới 18 tuổi còn đi học; vợ hoặc chồng, cha mẹ ruột hoặc cha mẹ vợ/chồng hết tuổi lao động (đủ 60 đối với nam và đủ 55 tuổi đối với nữ), có thu nhập dưới mức lương cơ sở (1.150.000 đồng) thì sẽ được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. Tối đa được hưởng 4 định suất (4 người). Trường hợp không đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng như trên thì sẽ được hưởng trợ cấp tuất 1 lần.

- Phan Thị Châu, 182 Lê Lai, Q.1, tran_xhuong@yahoo.com: Tôi là nhà giáo nghỉ hưu có thâm niên 35 năm 9 tháng (từ tháng 9-1962 đến 1-6-1998). Có 9 tháng cuối trường chuyển sang hệ bán công (nay chuyển lại hệ công lập). Vì sao đến nay (7-2015) tôi vẫn không được hưởng trợ cấp thâm niên của nhà giáo về hưu?

>> Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Trưởng Phòng Chế độ BHXH:

Trường hợp của bạn - có thời gian 9 tháng cuối chuyển sang hệ bán công - hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Khi nào có thì cơ quan BHXH TPHCM sẽ giải quyết và thông báo tới bà.

- Hồng Thành, Q.5: Nếu nghỉ hưu trước tuổi vì bị suy giảm sức khỏe (có giám định y khoa) thì sẽ được hưởng chế độ nghỉ hưu như thế nào?

>> Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Trưởng Phòng Chế độ BHXH:

Luật BHXH số 71/2006/QH11 có hiệu lực từ ngày 01/01/2007 quy định điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động như sau: Người lao động nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên, đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%. Người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động thì cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định bị giảm 1% mức lương hưu.

- halverdf96…@gmail.com: Xin bộ y tế cho biết, với chính sách BHYT trước đây và bây giờ, người dân đóng tiền mua BHYT tự nguyện đàng hoàng nhưng tại sao khi đi khám bệnh thì bị coi thường như đi xin, dù là mua cho cả gia đình (mới). Vậy ngành y tế nghĩ sao? Cơ quan BHXH có động thái gì trước tình trạng này?

>> Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Nghiệp vụ giám định 1:

Câu hỏi của bạn không rõ bệnh viện có thái độ coi thường người bệnh có thẻ BHYT, vì vậy không có cơ sở để làm việc với Ban Giám đốc bệnh viện và Sở y tế để chấn chỉnh nếu có.

Hiện nay, số lượng người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện chiếm từ 60% đến 90% lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tùy theo hạng bệnh viện. Sở y tế Thành phố và Bảo hiểm xã hội thành phố đã có những phối hợp trong việc cải cách hành chính, thái độ phục vụ với mục tiêu giảm quá tải, rút ngắn thời gian chờ đợi, tạo điều kiện tốt nhất cho người khám, chữa bệnh nói chung và người có thẻ BHYT nói riêng.

Tại Hội nghị giao ban Giám đốc các bệnh viện của Sờ y tế TP.HCM ngày 27/7/2015 tổ chức tại bệnh viện Hùng Vương, Giám đốc các bệnh viện đã ký cam kết với Giám đốc Sở y tế: "Đồi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh".

- giathuy…@gmail.com: Hiện tại tôi đang mang thai và sẽ sinh vào tháng 9-2015. Tôi tham gia BHXH từ tháng 5-2008 đến nay. Do công ty đang gặp khó khăn và nợ tiền đóng BHXH từ tháng 2-2015 đến tháng 7-2015, tôi sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với công ty từ tháng 8-2015. Vậy cho tôi hỏi tôi có được hưởng chế độ thai sản khi đã nghỉ việc không? Nếu được thì hồ sơ sẽ tiến hành như thế nào để được hưởng trợ cấp thai sản?

>> Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Trưởng Phòng Chế độ BHXH:

Thứ nhất, khi muốn chốt sổ, đơn vị phải đóng đủ tiền BHXH. Thứ hai, nếu đơn vị còn nợ BHXH thì bạn có thể kiện ra tòa để tòa án có phán quyết cuối cùng nhằm bảo vệ quyền lợi, bắt buộc công ty phải trích nộp riêng biệt cho trường hợp của bạn. Cơ quan BHXH TPHCM sẽ căn cứ vào phán quyết của tòa để giải quyết các chế độ cho bạn. Khi sổ BHXH của bạn được chốt, bạn có thể liên hệ với cơ quan BHXH quận, huyện nơi bạn cư trú để nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thai sản.

- lil…@vnn.vn: Vừa rồi ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó Giám đốc BHXH TPHCM có nói thông tin tôi gửi chưa rõ. Tôi xin gửi lại như sau: Tôi là giáo viên trường công lập từ năm 1975 đến năm 2000 chuyển sang dạy bán công đến năm 2006 thì về hưu. Xin hỏi, tôi có được xét trợ cấp thâm niên theo quyết định 52 không?

>> Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Trưởng Phòng Chế độ BHXH:

Tôi xin trả lời thêm cho bà như sau, trường hợp của bà có thời gian công tác cuối cùng ở trường bán công, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể trường hợp này. Khi nào có hướng dẫn cụ thể, cơ quan BHXH TPHCM sẽ giải quyết và thông báo cho bà biết.

- Thúy Hằng, quận Bình Thạnh: Tôi sắp sinh con đầu lòng, vậy cho hỏi chồng tôi sẽ được nghỉ phép bao nhiêu ngày để chăm sóc cho vợ (sẽ sinh mổ), những ngày nghỉ đó chồng tôi có được hưởng lương không?

>> Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Trưởng Phòng Chế độ BHXH:

Luật BHXH số 71/2006/QH11 có hiệu lực từ ngày 01-01-2007 không có quy định khi vợ sinh con, lao động nam được nghỉ hưởng chế độ thai sản.

Tuy nhiên, theo Luật BHXH số 58/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 01-01-2016 quy định lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

a) 05 ngày làm việc;

b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Như vậy, với quy định mới từ ngày 01-01-2016 trở đi lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản do quỹ BHXH chi trả. Trong thời gian lao động nam nghỉ hưởng chế độ thai sản sẽ không hưởng lương tại đơn vị.

- Anh Chương, quận 8: Tôi muốn hưởng BHXH 1 lần sau khi đã nghỉ việc, thủ tục như thế nào?

>> Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Trưởng Phòng Chế độ BHXH:

Điều 55 Luật BHXH số 71/2006/QH11 ngày 29-6-2006 quy định điều kiện để hưởng trợ cấp BHXH 1 lần: sau 1 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần mà chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội. Hồ sơ hưởng trợ cấp BHXH một lần gồm: Sổ BHXH, Đơn đề nghị hưởng BHXH một lần (mẫu số 14-HSB), nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH nơi bạn cư trú (thường trú hoặc tạm trú).

- luonghongthai@gmail.com: Tôi làm việc tại một công ty gần 1 năm nhưng tôi nghỉ ngang nên công ty không chịu ký quyết định nghỉ việc. Cho hỏi nếu trong trường hợp công ty không chịu trả sổ BHXH và không chịu chốt sổ BHXH thì tôi có thể tự mình đi chốt sổ bảo hiểm xã hội không? Thủ tục bao gồm giấy tờ gì? Công ty có quyền giữ sổ BHXH của tôi không? Xin cám ơn!

>> Bà Phan Nguyên Vị Thủy, Trưởng phòng Cấp sổ thẻ:

Theo quy định, khi người lao động nghỉ việc đúng pháp luật, chậm nhất là 30 ngày kể từ khi có quyết định nghỉ việc, đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm lập thủ tục chốt sổ để trả cho người lao động. Nếu công ty vẫn không chốt sổ, trả sổ bảo hiểm xã hội cho bạn, bạn có thể khiếu nại với Phòng LĐTB&XH quận, huyện (nơi đơn vị sử dụng lao động đặt trụ sở) hoặc Thanh tra Sở LĐTB&XH để được can thiệp, giúp đỡ.

Thủ tục, hồ sơ chốt sổ BHXH nộp theo PGNHS301 hoặc 321 gồm: Sổ BHXH

- Lưu Ngọc Diệp, diep…@apavietnam.com: 1/ Từ khi có luật phải tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, khi người lao động xin thôi việc thì Bảo hiểm thất nghiệp có chi trả cho người lao động không?. 2/ Trước khi có luật tham gia BHTN: Khi người lao động xin thôi việc thì doanh Nghiệp có chi trả bất kỳ khoản trợ cấp nào cho người lao động hay không?

>> Ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó Giám đốc BHXH TPHCM:

Từ tháng 01-2009, chính sách BHTN có hiệu lực thì người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu có tham gia BHTN từ tháng 01-2009 trở đi.

Quá trình làm việc từ 31-12-2008 trở về trước, bạn sẽ được công ty trả trợ cấp thôi việc cho khoản thời gian làm việc trước đó.

- Phamminhviet…@gmail.com: Thực tế, người đi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT vẫn bị làm khó dễ. Khi bắt dân phải tham gia BHYT, tất cả phải mua BHYT theo hộ gia đình, thì các bệnh viện có duy trì khám dịch vụ nữa không?

>> Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Nghiệp vụ giám định 1:

Câu hỏi của bạn không cụ thể bệnh viện nào làm khó, dễ cho người bệnh BHYT. Vì vậy, không có cơ sở để làm việc với Giám đốc Bệnh viện đó để chấn chỉnh. Hiện nay, khi tham gia BHYT theo hộ gia đình thì các Bệnh viện vẫn duy trì việc khám dịch vụ.

Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Thành Lợi (thứ ba từ phải sang) tặng hoa các khách mời tham gia buổi giao lưu

Quốc Anh - Nhứt Minh (tổng hợp)
Ảnh: Cao Thăng - Mai Hải

Tin cùng chuyên mục