An toàn thực phẩm trong dịp tết cho mọi nhà

An toàn thực phẩm trong dịp tết cho mọi nhà

Giao lưu trực tuyến

9g sáng nay 18-12, Báo SGGP đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến An toàn thực phẩm trong dịp tết cho mọi nhà. Các chuyên gia y tế tham gia buổi giao lưu gồm Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TPHCM; BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh Dưỡng TPHCM; BS Nguyễn Thanh Phong - Phó Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc Người lớn - Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM.

Tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm

- Đàm Thế Anh (Long An): Xin ông cho biết một số nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm và cách phòng chống? Ông có khuyến cáo gì với người tiêu dùng đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán?

>> Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP:

Về an toàn vệ sinh thực phẩm, có các nguy cơ sau:

+ Nguy cơ về vi sinh: tức là thực phẩm nhiễm vi sinh. Nguyên nhân chính là do quá trình chế biến không đủ điều kiện theo qui định, điều kiện kinh doanh không đúng qui định nên bị nhiễm từ môi trường bên ngoài vào.

+ Nguy cơ về vật lý: tức là có những chất rắn trong quá trình ăn uống đi vào cơ thể ví dụ như xương động vật, mảnh vỡ...

+ Nguy cơ về hóa học: là thực phẩm nhiễm hóa chất, ví dụ: sử dụng các hóa chất không nằm trong danh mục Bộ Y tế cho phép, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...

Ngoài ra, sử dụng phụ gia trong danh mục cho phép nhưng vượt quá hàm lượng qui định.

Khuyến cáo người tiêu dùng:

+ Chọn những sản phẩm có nhãn mác đầy đủ được sản xuất ở những cơ sở có thương hiệu lâu năm.

+ Các sản phẩm thực phẩm được bày bán ở những nơi có đủ điều kiện như siêu thị, các cửa hàng tiện ích...

+ Các sản phẩm có màu sắc tự nhiên, tức là chọn những sản phẩm màu tự nhiên của nguyên liệu cấu thành sản phẩm đó.

+ Phải tuân thủ nghiêm các điều kiện bảo quản của sản phẩm và lưu ý hạn sử dụng, nhất là trong dịp Tết lượng thực phẩm được bảo quản tại nhà tăng cao.

Quang cảnh buổi giao lưu

- Nguyễn Thị Hồng (quận Bình Thạnh): Thời gian qua, báo chí có thông tin TPHCM xuất hiện tôm khô nghi ngờ làm bằng cao su. Đây lại là món nhấm nháp trong mấy ngày tết, vậy Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm đã làm gì để đảm bảo cho người dân an tâm mua tôm khô chưa?

>> Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP:

Theo thông tin từ các báo đài, Chi cục đã tiến hành đến các hộ dân đã mua sản phẩm này để lấy mẫu để xét nghiệm.

Qua nhận xét tổng quan thì sản phẩm này tương đối cứng có thể là do quá khô và có mùi đặc trưng của sản phẩm tôm khô. Khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục sẽ công khai thông tin này cho người tiêu dùng biết.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa

- Đào Minh (Hà Nội): Vào dịp Tết năm 2014, đã xảy ra một vụ ngộ độc rượu làm nhiều người phải cấp cứu. Vậy sắp tới Tết Nguyên đán năm 2015, xin hỏi ông, có biện pháp nào để người tiêu dùng có thể nhận biết được rượu có chứa hàm lượng Methanol vượt quá quy định? Có cách nào xử trí để không bị ngộ độc rượu.

>> BS Nguyễn Thanh Phong - Phó Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc Người lớn - Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM:

Trong dịp tết mọi người thường họp mặt có uống rượu. Trước khi uống, người sử dụng phải biết rõ nguồn gốc rượu. Thường đa số trường hợp trước khi sử dụng rượu không biết được hàm lượng Methanol trong rượu nên khi sử dụng dễ bị ngộ độc rượu.

Lời khuyên:

Thứ nhất, phải xác định rõ nguồn gốc của rượu trước khi dùng

Thứ hai, nên dùng rượu ở một mức độ vừa phải, không nên dùng quá nhiều, dễ bị ngộ độc rượu.

Cách xử trí khi bị ngộ độc rượu: Sau khi uống rượu bệnh nhân bị buồn nôn và nôn, đau bụng. Nếu nặng hơn bệnh nhân sẽ bị hôn mê. Khi đó, cần phải được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cấp cứu ban đầu. Tùy mức độ ngộ độc nặng hay nhẹ mà đưa đến cơ sở y tế có định lượng được nồng độ Methanol trong máu và được điều trị tích cực.

Chú ý:

Khi bị ngộ độc thì gia đình hoặc người thân bệnh nhân nên cung cấp cho nhân viên y tế biết về những người cùng sử dụng rượu chung, xem họ có những biểu hiện, hay triệu chứng giống bệnh nhân không. Thời gian uống rượu, từ khi uống cho tới khi có triệu chứng ngộ độc xuất hiện.

BS Nguyễn Thanh Phong

Để ăn tết vui vẻ và giữ gìn tốt sức khỏe

- Ngọc Hương (Q7, TPHCM): Dịp tết người dân thường sử dụng nhiều thực phẩm các loại, nhất là thịt, cá, bánh kẹo, nước ngọt… Bác sĩ có khuyến cáo gì để vừa ăn tết ngon lành vừ đảm bảo sức khỏe?

>> BS Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Các món ăn ngày tết của chúng ta vốn phong phú về chủng loại và các chế biến. Nhờ vậy chúng ta mới có thể duy trì truyền thống ẩm thực của dân tộc và văn hóa của dân tộc.

Tuy nhiên nhiều món ăn ngày tết của chúng ta có đậm độ năng lượng khá cao như bánh chưng, bánh tét, thịt kho hột vịt, lạp xưởng, xúc xích.... Một số món có nhiều muối như thịt ngâm nước mắm, các loại thực phẩm làm khô như cá khô, tôm khô, dưa muối các loại, giò chả... Một số món ăn có nhiều đường như bánh, kẹo, mứt, sỉ rô, nước ngọt... Một số món có nhiều chất béo như thịt quay, giò chả có da, tai heo...

Để có thể thưởng thức tết vui vẻ và vẫn giữ gìn được sức khỏe. Chúng ta cần chú ý  ăn vừa đủ các món ăn ngày tết, ăn đúng giờ. Những người bị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, béo phì cần hạn chế ăn các món ăn có nhiều chất béo, đường, có năng lượng cao. Nên tăng cường thêm rau xanh, trái cây trong các bữa ăn để cân bằng các chất dinh dưỡng, hạn chế tăng nhanh đường huyết sau ăn và tích lũy mỡ trong cơ thể

Trẻ em không nên cho uống nhiều nước ngọt, ăn mứt, kẹo rả rích trong ngày để tránh làm các cháu bỏ bữa ăn chính gây ảnh hưởng đến tình trạng tăng trưởng dinh dưỡng của các cháu sau tết.

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp

- Hòa (quận 4): Mỗi lần tết đến là bánh kẹo, mứt, hạt dưa các kiểu từ Trung Quốc đầy ở các chợ đầu mối. Sở Y tế TP có hạn chế được các thực phẩm có nguồn gốc, chất lượng không rõ ràng này không? Mấy thứ hạt dưa, hạt bí nhuộm mấy hóa chất công nghiệp dễ gây ung thư lắm.

>> Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP:

Các chợ đầu mối đã được Sở NN-PTNT kiểm soát chặt chẽ, các sản phẩm nhập khẩu về các chợ đầu mối đều có nhãn phụ để người tiêu dùng nhận biết nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và để cho thương nhân chịu trách nhiệm.

Tại một số chợ truyền thống, hiện nay, vẫn tồn tại một số sản phẩm thực phẩm không nhãn mác, không rõ nguồn gốc. Việc này, Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP đã chỉ đạo Sở Công thương TP có các giải pháp quản lý.

Để đảm bảo Tết Nguyên đán 2015 đến với mọi nhà, mọi người nhất là ATVSTP, Ban Chỉ đạo liên ngành đã ban hành kế hoạch đảm bảo ATVSTP trước, trong và sau Tết. Trong kế hoạch này sẽ có ít nhất 30 đoàn thanh tra liên ngành và chuyên ngành ở cấp TP và quận, huyện tiến hành thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung kiểm tra vào các sản phẩm phục vụ Tết.

Qua đó, sẽ lấy mẫu để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn, nhất là các sản phẩm có sử dụng các chất phụ gia. Các thông tin liên quan đến hoạt động này đều được cung cấp cho các cơ quan báo, đài và đăng trên website của chi cục.

- Long Khánh (Đồng Nai): Có người cho rằng đạo đức của người kinh doanh rất quan trọng, để vấn đề ATVSTP được tốt hơn, cần phải nâng cao công tác tuyên truyền đạo đức kinh doanh. Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để công tác tuyên truyền thật sự hiệu quả?

>> Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP:

Các giải pháp quản lý bao giờ TP cũng đặt công tác truyền thông lên hàng đầu. Đối tượng truyền thông bao gồm: Nhà sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với người tiêu dùng. Qua công tác thanh tra, nếu phát hiện các nhà sản xuất kinh doanh thiếu đạo đức thông qua việc không chấp hành đầy đủ các qui định về ATVSTP thì cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm theo qui định và công khai thông tin vi phạm trên báo, đài.

Ngoài ra, đối tượng truyền thông là người tiêu dùng nhằm nâng cao nhận thức trong việc lựa chọn sản phẩm thực phẩm an toàn.

Công tác truyền thông chú trọng vào các nội dung đầy đủ, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng truyền thông để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông. Phương pháp truyền thông đa dạng để người tiêu dùng dễ tiếp cận như: báo đài, băng rôn, tờ rơi, các đĩa CD để phát trên hệ thông ở xã, phường cho dân.

- thuhuong@gmail.com: Sợ nhất mấy ngày tết là bệnh tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, nhất là trẻ em vì ăn uống bừa bãi, không như ngày thường. Bác sĩ có cách nào để hạn chế các loại bệnh này không? Khi mắc phải bệnh tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa thì điều trị làm sao, ở đâu?

>> BS Nguyễn Thanh Phong - Phó Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc Người lớn - Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM:

Vào dịp tết, các gia đình thường sum họp hay đi ăn uống bên ngoài. Do đó, nếu thức ăn, nước uống không đảm bảo an toàn vệ sinh thì dễ gây rối loạn tiêu hóa như ói, tiêu chảy. Đặc biệt ở trẻ em, do các em chưa có nhận thức rõ về an toàn vệ sinh thực phẩm. Để hạn chế các bệnh này thì mọi người cần phải ăn chín uống sôi tại gia đình. Nếu sử dụng thức ăn bên ngoài, nên tìm chỗ sạch sẽ, đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm.

Khi mắc bệnh tiêu chảy, nôn ói nên cho bệnh nhân uống nhiều nước như Oresol, nước khoáng để bù lượng nước mất. Nếu bệnh nhân không giảm ói, hay tiêu chảy, hoặc có dấu hiệu nặng hơn như sốt cao, vã mồ hôi, mệt, tay chân lạnh,... đó là những dấu hiệu của ngộ độc thức ăn nặng, mất nước. Nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị sớm.

Nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm tập thể do bếp ăn không đảm bảo chất lượng

- Trần Văn Tư (quận Gò Vấp): Hiện nay, sợ nhất là thực phẩm bị tẩm hóa chất. Trong khi tình hình buôn bán hóa chất ở TPHCM hiện nay rất tràn lan, mua dễ như mua rau và trong chế biến thực phẩm thì dùng hóa chất vô tội vạ. Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm TP.HCM đã có cách để hạn chế vấn đề này không?

>> Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP:

Các cơ quan chức năng thường xuyên lấy mẫu test nhanh tại các chợ đầu mối, nếu dương tính sẽ tiến hành lấy mẫu định lượng. Nếu không đạt sẽ tiến hành xử lý theo qui định và thông báo về cơ quan quản lý nơi có xuất xứ sản phẩm này để các cơ quan liên quan tiến hành xử lý tận gốc.

Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh phụ gia thực phẩm cũng đã được ngành y tế, công thương tiến hành thanh tra thường xuyên. Vấn đề ở đây, là người sử dụng, nhà sản xuất mua có đúng loại phụ gia được phép qui định hay không.

Hiện vẫn còn tồn tại một số nhà sản xuất vì lợi nhuận mà sử dụng phụ gia ngoài danh mục Bộ Y tế cho phép gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, việc này sẽ được xử lý thông qua công tác thanh tra.

Khó đảm bảo chất lượng ATVSTP với những thực phẩm bán rong trên đường phố

- Thu Nga (hathunga@gmail.com): Thông thường thực phẩm mấy ngày tết là cất trữ mấy ngày liền trong tủ lạnh. Năm nay tết lại dài ngày chắc cất trữ nhiều. Có cách nào cất trữ thực phẩm an toàn, không bị ôi thiu, thưa bác sĩ?

>> BS Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Thực phẩm lưu trữ càng lâu giá trị dinh dưỡng càng giảm, dù chúng ta có bảo quản đúng cách. Hiện nay các siêu thị, chợ bán lẻ đều đã mở cửa phục vụ người dân rất sớm vì vậy chúng ta chỉ cần mua đủ thực phẩm dùng trong khoảng 3 ngày khi chợ, siêu thị đóng cửa, không cần thiết phải mua quá nhiều thực phẩm.

Để dự trữ thực phẩm an toàn và giữ được giá trị dinh dưỡng, chúng ta cần bảo quản trong tủ lạnh theo một số nguyên tắc chính như sau:

+ Thực phẩm sống sau khi sơ chế, làm sạch, nên chia thành từng phần đủ dùng trong các lần ăn để vào các hộp, bao bảo quản thực phẩm và cất vào ngăn lạnh tủ lạnh (phần làm đông đá).

+ Rau củ sau khi làm sạch phần lá già úa, bao kín trong bao nylon dành bảo quản thực phẩm và cất vào ngăn mát tủ lạnh.

+ Thực phẩm chế biến sẵn bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn đá tùy theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Trong trường hợp không có tủ lạnh, thực phẩm sau khi nấu chín, ăn không hết phải đun nấu lại. Trước khi ăn cần phải đun kỹ lại nếu để trên 5 giờ ở nhiệt độ phòng. Các loại thực phẩm không cần bảo quản lạnh cũng phải tránh để gần bếp lửa, gần cửa sổ, nơi ánh nắng chiếu vào vì sẽ làm mất nhiều chất dinh dương, đặc biệt là các vitamin.

- Bạn đọc (quận 2, TPHCM): Liên tiếp các vụ thực phẩm không an toàn được phát hiện trong thời gian qua khiến người tiêu dùng cảm thấy bất an. Ông nhận định thế nào về thị trường thực phẩm Tết năm nay?

>> Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP:

Các vi phạm về VSATTP mà các cơ quan báo đài thông tin và sự quyết liệt của cơ quan quản lý, người tiêu dùng không nên hoang mang quá mức vì tổng lượng thực phẩm không an toàn được phát hiện chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên tổng lượng thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn thành phố.

Tình hình ATTP trên địa bàn ngày càng được cải thiện thông qua các giải pháp quản lý của thành phố nên Tết Nguyên đán năm nay phải an toàn hơn Tết năm trước.

- Ngô Thị Luyến (Căn hộ 99 Bình Đông): Hàng ngày, tôi đưa con đi học, tôi thấy tại các cổng trường có rất nhiều loại quà bánh rất bắt mắt, thu hút học sinh nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhiều cháu đã mua quà bánh này để ăn và bị đau bụng, ngộ độc. Vậy công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cổng trường có được triển khai không và làm thế nào? Vì tôi thấy các hàng quà bánh chỉ dọn ra một lúc khi các cháu vào học và tan trường, rất khó kiểm soát. Chúng tôi rất lo lắng cho tình trạng sức khỏe của con em mình?

>> Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP:

Theo chỉ thị của UBND TPHCM, vấn đề này được chỉ đạo như sau:

Ngành giáo dục phải chỉ đạo các trường đưa nội dung không sử dụng thức ăn đường phố trước cổng trường vào các cuộc họp của Hội Phụ huynh học sinh. Ban Giám hiệu các trường phải phối hợp với UBND phường, xã, thị trấn cương quyết dẹp hàng quán bán thức ăn đường phố trước cổng trường vì ngành y tế xác định thức ăn đường phố bán ở trước các cổng trường không an toàn rất cao.

Về nội dung này, ngành y tế thành phố đã có các văn bản nhắc UBND quận, huyện nhiều lần. Cần hạn chế việc sử dụng thực phẩm không đảm bảo chất lượng trước cổng trường.

Cần hạn chế việc sử dụng thực phẩm không đảm bảo chất lượng ở đường phố

 toanhkhoa@yahoo.com: Bác sĩ có lời khuyên nào về chế độ ăn uống mấy ngày tết cho người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường… trong mấy ngày tết không chứ thấy gì cũng thèm ăn, bạn bè, gia đình tụ họp sợ không tránh khỏi làm bệnh tình nặng thêm.

>> BS Nguyễn Thanh Phong - Phó Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc Người lớn - Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM:

Bệnh tiểu đường thường liên quan nhiều đến chế độ ăn uống. Vào dịp tết, người bệnh tiểu đường thường sử dụng các thức ăn, nước uống có hàm lượng đường cao dễ làm tăng lượng đường trong máu, có thể dẫn đến tình trạng bệnh tiểu đường nặng hơn như hôn mê do tăng đường huyết.

Lời khuyên của bác sĩ:

Thứ nhất, đối với bệnh nhân tiểu đường phải chú ý thật kỹ thức ăn, nước uống trước khi sử dụng (xem thức ăn, nước uống có quá ngọt không). Nếu mà phải dùng thì nên dùng lượng thức ăn, nước uống rất ít để tránh làm tăng đường huyết.

Thứ hai, phải kiểm soát lượng đường trong máu thường xuyên như kiểm tra đường trong máu, uống thuốc đều đặn, bởi vào dịp tết người mắc bệnh thường bỏ quên việc kiểm soát bệnh.

Thứ ba, nếu người bệnh tiểu đường thấy có những triệu chứng bất thường như rơi vào trạng thái lơ mơ hoặc hôn mê thì nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở gần nhất để kiểm tra và xử lý kịp thời.

- tuanhaiminh@gmail.com: Đối những cơ sở sản xuất thực phẩm không đảm bảo VSATTP sau khi được công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta có tiến hành công tác hậu kiểm để xem xét việc khắc phục sai phạm không, thưa ông?

>> Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP:

Ngoài công tác xử lý vi phạm theo qui định thì các đoàn thanh tra sẽ tiến hành phúc tra việc khắc phục các qui định. Nếu cơ sở không khắc phục sẽ bị xử lý tiếp và đình chỉ hoạt động.

Quản lý thực phẩm theo chuỗi từ khâu trồng, sơ chế, lưu thông

- Phạm Thị Hồng (chung cư Trung Hòa, Hà Nội): Tôi thấy các loại thịt tại các chợ thì đã được đóng dấu kiểm định. Tuy nhiên nhiều mặt hàng khác như rau tươi, hoa quả thì chúng tôi không thể phân biệt sản phẩm nào đã được kiểm định an toàn. Xin ông giải thích về vấn đề này và có sự tư vấn cho người tiêu dùng?

>> Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP:

Các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm soát từ các chợ đầu mối để các sản phẩm này về các chợ truyền thống trên địa bàn được an toàn. TPHCM đã, đang và tiếp tục quản lý thực phẩm theo chuỗi để các cơ quan chức năng (kể cả các tỉnh) tiến hành kiểm soát rau, củ, quả từ khâu trồng, sơ chế, lưu thông.

Hiện tại các siêu thị đã có các sản phẩm rau, củ, quả được đóng gói và có nhãn mác, chị nên chọn các sản phẩm này, nhất là ưu tiên các sản phẩm thuộc chuỗi thực phẩm an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGap, hoặc áp dụng VietGap được thể hiện qua nhãn sản phẩm in trên bao bì.

- nguyenxuan.35@yahoo.com: Xin ông cho biết, qua kiểm tra nếu phát hiện những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì ngành y tế sẽ xử lý như thế nào?

>> Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP:

Các cơ quan chức năng sẽ xử lý theo NĐ 178 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP. Tùy vào hành vi phạm sẽ có các hình thức xử lý như sau: Phạt tiền, đình chỉ hoạt động, thu hồi tiêu hủy sản phẩm, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện, giấy chứng nhận hợp qui hoặc phù hợp qui định.

- Chu Tuấn Quốc (TP Buôn Ma Thuột): Người tiêu dùng khi ăn phải thực phẩm bẩn, nhiễm kí sinh trùng có thể phải đối mặt với căn bệnh ung thư, điều này có đúng không thưa ông?

>> BS Nguyễn Thanh Phong -Phó Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc Người lớn - Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM:

Khi bạn ăn phải thực phẩm bẩn, nhiễm ký sinh trùng thì bạn không phải đối mặt với bệnh ung thư mà quan trọng nhất là dễ bị ngộ độc thức ăn và viêm màng não do ký sinh trùng. Đây là hai bệnh dễ mắc phải nhất khi sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lời khuyên:

Không nên ăn thức ăn thủy hải sản tái và tươi sống (như ốc, hào,...), dễ có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não do ký sinh trùng. Triệu chứng của bệnh này là sau một thời gian ăn thức ăn thủy hải sản tươi sống bệnh nhân thường bị sốt, nhức đầu, nôn ói, nặng hơn là rối loạn tri giác - hôn mê.

Khi đó, cần phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế, mà ở đó có thể khảo sát được dịch não tủy để xác định chẩn đoán bệnh viêm màng não do ký sinh trùng và được điều trị kịp thời sớm, hạn chế những di chứng về sau.

- Trần Chí Trung (quận Lê Chân, Hải Phòng): Bác sĩ có thể tư vấn người tiêu dùng cách chọn thực phẩm tươi sống đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo về mặt sức khỏe?

>> BS Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào anh,

Để chọn được thực phẩm tươi sống đảm bảo vệ sinh an toàn chúng ta nên mua thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nơi bán có điều kiện bảo quản mát hoặc bảo quản lạnh các loaị thực phẩm, tránh xa các nguồn gây ô nhiễm từ môi trường (ví dụ như bụi bẩn, gần cống rãnh nước thải, bãi rác...)

Khi mua hàng cũng cần quan sát các chi tiết như màu sắc, mùi, độ chắc của thực phẩm... Chọn thịt heo, bò có màu hồng hoặc đỏ tự nhiên, không có mùi lạ, sờ tay không thấy nhớt, ấn nhẹ thấy thịt có tính đàn hồi vừa phải (mặt miếng thịt lõm xuống sau đó trở lại như cũ nhanh trong vòng 3-5 giây). Chọn cá có mắt trong, vẩy dính chắc vào da, ấn vào có tính đàn hồi nhẹ, mang cá hồng, không có mùi lạ. Chọn rau củ tươi, không úa, không to bất thường, khoai không nẩy mầm.

Chúc anh và gia đình ăn tết vui và an toàn!

- Minh Tuấn (25 Nguyễn Khuyến, Hà Nội): Ăn tiết canh là một thói quen có lâu đời. Tuy nhiên thời gian qua đã có nhiều người nhập viện vì do ăn tiết canh. Vậy nên khuyến cáo gì để ăn tiết canh không bị nguy hiểm sức khỏe?

>> BS Nguyễn Thanh Phong -Phó Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc Người lớn - Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM:

Vào dịp tết, một số người dân tại các địa phương có thói quen ăn tiết canh (máu tươi). Lời khuyên của bác sĩ là không nên dùng tiết canh bởi vì trong máu động vật không đảm bảo vệ sinh. Máu tươi có chứa nhiều vi sinh vật mà mình không biết được (virút, vi trùng, ký sinh trùng, ...). Do đó, khi ăn phải những thực phẩm này, rất dễ bị ngộ độc, nhiễm trùng... Đặc biệt là cúm gia cầm. Đây là vấn đề thời sự mà rất nhiều người quan tâm trong thời gian gần đây.

- tuankhanh@gmail.com: Bác sĩ có cách nào chỉ cho người dân biết sử dụng các thực phẩm ngày tết hợp lý mà an toàn, dinh dưỡng không? Các loại thực phẩm muối như hành, kiệu, dưa… trong mấy ngày tết ăn nhiều có sao không?

>> BS Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào anh,

Các loại thực phẩm muối như hành, kiệu dưa... có rất nhiều muối, lượng muối trong 100g các thực phẩm này gấp 2 lần lượng muối do Tổ chức Y tế thế giói khuyến nghị. Nếu tính lượng muối trong các món ăn chúng ta ăn trong ngày nữa thì tổng lượng muối tiêu thụ sẽ rất nhiều.

Ăn nhiều muối lâu dài sẽ gây tăng huyết áp, loãng xương, suy giảm chức năng thận, là nguy cơ của một số bệnh lý ung thư đường tiêu hóa. Những người đang bị tăng huyết áp, suy tim, bệnh lý tim mạch khác, suy thận, loãng xương, đái tháo đường nên hạn chế ăn các loại thực phẩm muối trên.

Lưu ý là muối còn có rất nhiều trong các loại thực phẩm khô, giò chả, xúc xích, các món kho...

Để ăn tết vui và duy trì được sức khỏe tốt nên chọn thực phẩm an toàn, vệ sinh. Chế biến các món ăn vừa đủ lượng dùng trong gia đình. Khi ăn các món giàu năng lượng và chất bột đường  như bánh chưng, bánh tét, giàu chất béo, chất đạm như thịt kho hột vịt, chả giò nên ăn kèm rau xanh, dưa giá. Các món ăn chơi nhiều đường như mứt kẹo, bánh... nên ăn sau bữa chính.

Chúc anh và gia đình có những ngày tết sum họp và hạnh phúc!

- Cao Phương Anh (Hàm Nghi, TPHCM): Điều quan tâm nhất của người dân hiện nay là vấn đề ATVSTP, tôi thật sự lo lắng vì không biết nên ăn gì, uống gì, mua hàng ở đâu để được an toàn, vì ngay tại một số siêu thị cũng xảy ra việc thực phẩm kém chất lượng. Vậy xin hỏi nên đến những địa chỉ nào để tìm được những thực phẩm thật sự an toàn cho sức khỏe?

>> BS Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:

Chào Anh,

Các cơ quan chức năng hiện nay đã triển khai rất nhiều giải pháp quyết liệt để kiểm soát chất lượng thực phẩm cung cấp cho người dân.

Siêu thị và hệ thống bán lẻ hiện đại vẫn là một kênh mua sắm thực phẩm đáng tin cậy. Các chuỗi thực phẩm là nơi đáng tin cậy để cung cấp hàng cho các siêu thị

Chúng ta có thể theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông có uy tín, các trang web chính thức của cơ quan Quản lý an toàn thực phẩm để biết các nhà sản xuất, các sản phẩm không an toàn đã được công khai để tránh mua phải thực phẩm không an toàn, kém chất lượng.

Anh và gia đình cũng không nên lo lắng quá mức đến nỗi không dám ăn uống mà ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Chúc anh luôn khỏe!

Tổng Biên tập Nguyễn Tấn Phong (giữa) tặng hoa các khách mời trong buổi giao lưu

 SGGPO- Ảnh: Mai Hải


Kéo giảm ngộ độc thực phẩm dịp Tết Ất Mùi và lễ hội Xuân

Quyết tâm giảm 10 % số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết nguyên đán Ất Mùi 2015 và trong thời gian diễn ra lễ hội Xuân. Đồng tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tốt nhất phục vụ nhân dân… Đây là những thông tin được ông Nguyễn Thanh Phong – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết vào sáng 18-12 trong cuộc gặp gỡ báo chí thông báo về việc triển công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết nguyên đán Ất Mùi và Lễ hội Xuân 2015.

Ông Nguyễn Thanh Phong nêu rõ: Thời gian nghỉ Tết nguyên đán thường kéo dài và sau Tết là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước với hàng triệu lượt người tham dự. Đây cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các loại: thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu…nên để đáp ứng nhu cầu của người dân các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, phân phối, kinh doanh thực phẩm cũng tăng cường việc sản xuất, kinh doanh.

 Điều này làm gia tăng các nguy cơ về mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) như: thực phẩm không rõ nguồn gốc, quy trình chế biến không đảm bảo, thực phẩm giả, thực phẩm có hóa chất, phụ gia nguy hại… Bên cạnh đó, trong thời điểm Tết, thời tiết miền Nam thường nắng nóng gay gắt làm gia tăng nguy cơ thực phẩm bị ôi thiu, nhiễm vi sinh vật gây hại nếu bảo quản không tốt. Trong khi đó, tại miền Bắc thời tiết lại ẩm ướt, lạnh làm gia tăng nguy cơ thực phẩm dễ bị nấm mốc.

Ông Nguyễn Thanh Phong – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế 

- PV: Trước các nguy cơ trên, Cục ATTP sẽ triển khai các biện pháp gì để bảo đảm VSATTP, phòng chống ngộ độc trong dịp Tết nguyên đán Ất Mùi và Lễ hội Xuân 2015?

>> Ông Nguyễn Thanh Phong: Để nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn bảo đảm sức khỏe, đồng thồng đảm bảo VSATTP, ổn định sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, chúng tôi sẽ triển khai nhiều biện pháp, trong đó tập trung vào công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông về các biện pháp bảo đảm VSATTP tới người tiêu dùng, người sản xuất và kinh doanh. Mục tiêu mà chúng tôi đạt ra trong dịp này là giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi và trong thời gian diễn ra Lễ hội Xuân so với cùng kỳ năm 2014. Thành lập các đoàn thanh tra liên ngành từ trung ương đến cấp xã phường, bảo đảm số cơ sở được thanh tra, kiểm tra trên cả nước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó tập trung vào nhóm thành phố có nguy cơ cao, tiêu thụ nhiều trong năm, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn. Bên cạnh đó, huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về VSATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng đến người dân.

- Ông thể cho biết cụ thể hơn về việc thực hiện kế hoạch thanh kiểm tra và xử lý vi phạm về VSATTP trong dịp Tết nguyên đán năm nay và mùa lễ hội Xuân 2015?

Việc thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ bắt đầu từ đầu tháng 1-2015 và kéo dài tới cuối tháng 3-2015. Bộ Y tế phối hợp với các Bộ liên quan sẽ thành lập 6 Đoàn liên ngành, tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 16 tỉnh, thành phố, trọng điểm. Cụ thể đoàn số 1 tiến hành thanh tra, kiểm tra tại Kiên Giang, Cà Mau; Đoàn số 2 tiến hành thanh tra, kiểm tra tại Gia Lai, Kon Tum;  Đoàn số 3 tiến hành thanh tra, kiểm tra tại Quảng Ninh, Hải Phòng. Đoàn số 4 thanh tra, kiểm tra tại Hà Nội, Lào Cai; Đoàn số 5 thanh tra, kiểm tra tại  Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng; Đoàn số 6 kiểm tra tại TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh.

Thành phần các đoàn kiểm tra liên ngành này không chỉ có các các bộ, chuyên gia y tế mà còn có sự tham gia của Công an, Cảnh sát môi trường, Cục quản lý thị trường, Cục Thú ý, Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản và một số cơ quan chức năng khác. Ngoài ra, các địa phương cũng tiến hành lập các đoàn thanh tra liên ngành của địa phương. Nội dung kiểm tra tập trung vào các cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như: Thịt gia súc, gia cầm, bánh mứt kẹo, rượu bia… kiểm tra các chợ đầu mối và siêu thị.

Đáng lưu ý chúng tôi cũng yêu cầu các đoàn thanh tra liên ngành phải lấy mẫu những thực phẩm có nguy cơ và thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo chất lượng để làm xét nghiệm làm rõ thành phần. Đối với các đơn vị kiểm nghiệm, chúng tôi cũng yêu cầu khi nhận được mẫu thực phẩm của các đoàn kiểm tra liên ngành gửi tới phải khẩn trương kiểm nghiểm để công bố rộng rãi trong thời gian sớm nhất, nhằm cảnh báo cho người tiêu dùng.

- Ông có thể đưa ra một số những khuyến cáo, hay thông điệp cho cộng đồng để bảo đảm VSATTP trong dịp tết sắp tới?

Đối với người tiêu dùng khi chọn mua thực phẩm cần phải đọc kỹ nhãn mác sản phẩm, nên mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Nên lựa chọn sản phẩm ở các cửa hàng có tín nhiệm quen thuộc, siêu thị… những nơi chấp hành đầy đủ các điều kiện an toàn thực phẩm để kinh doanh. Không nên mua ở những cửa hàng, quán hàng, bụi, bẩn, ẩm ướt, nóng, nắng… Các nguyên liệu rau, củ, quả, khi mua về phải được sơ chế, rửa bằng nước sạch, để ráo nước, bọc kín bằng màng bọc thực phẩm và bảo quản ở ngăn mát của tủ lạnh hoặc nơi mát, thoáng gió. Đối với nguyên liệu thịt, cá tươi phải được sơ chế, rửa bằng nước sạch, để ráo nước, bọc kín bằng màng bọc thực phẩm và bảo quản ở ngăn đá của tủ lạnh hoặc tủ cấp đông. Đối với thực phẩm bao gói sẵn, phải làm sạch bao gới, bảo quản sản phẩm theo yêu cầu của nhà sản xuất ghi trên nhãn mác của sản phẩm bao gói sẵn. Cần chú ý, đối với rượu bia không nên uống rượu bia không rõ nguồn gốc, rượu không được công bố tiêu chuẩn, rượu ngâm các loại dễ cây...cũng như tuyệt đối không được lạm dụng rượu bia.

Đối với các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm phải đảm bảo các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sản xuất, chế biến kinh doanh; nguồn gốc nguyên liệu phải rõ ràng; tuyệt đối không sử dụng các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép. Bên cạnh đó, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải được khám sức khỏe định kỳ và tập huấn kiến thức về VSATTP.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục