Trường học phải là nơi minh bạch nhất

Câu chuyện về vụ việc Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) với sự cố làm một học sinh bị gãy chân vừa qua đã được đưa làm minh chứng, là bài học kinh nghiệm về dân chủ, về trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường tại hội nghị quy chế dân chủ trong các cơ sở GD-ĐT được tổ chức ngày 24-3 tại Hà Nội. Bởi nếu quy chế dân chủ được thực hiện tốt tại đó, thì chắc chắn không thể có việc hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường bưng bít thông tin, bao biện, báo cáo sai sự thật cũng như ép buộc được một số giáo viên trong trường có đơn “nói tốt” cho lãnh đạo.

Vụ việc về tai nạn xảy ra với em Kiên (trường Tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội) và hành vi của hiệu trưởng, hiệu phó tại ngôi trường nơi em học đã tạo dư luận xấu trong xã hội về đạo đức nghề nghiệp và hình ảnh người giáo viên

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã thừa nhận, có thực tế văn bản quy chế dân chủ rất nhiều nhưng việc thực hiện tại nhiều cơ sở GD-ĐT còn hình thức, sơ sài, chưa hiệu quả, chất lượng chưa cao. Một số cơ sở giáo dục vẫn còn xảy ra tình trạng mất dân chủ, cá biệt có cá nhân vi phạm đạo đức nhà giáo, có tình trạng khiếu nại vượt cấp. Tuy quy định trường ĐH-CĐ phải thành lập hội đồng trường, nhưng hiện chỉ có 16/38 trường đại học thuộc Bộ GD-ĐT thành lập; 30% trường cao đẳng nghề có hội đồng trường. Đây là ví dụ cho thấy việc thực hiện quy chế dân chủ trong các trường ĐH-CĐ đang được thực hiện chưa đầy đủ.

Hơn 20 triệu học sinh cả nước, cùng với đó là hàng triệu gia đình, 1,4 triệu giáo viên, việc thực hiện dân chủ trong nhà trường sẽ là tấm gương, tạo sự lan tỏa ra toàn xã hội để mọi người thấy có trách nhiệm tham gia vào “biết, bàn, làm, kiểm tra”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” ngoài thi cử, sách giáo khoa thì một trong những mũi phải đổi mới rất mạnh đó là công tác quản lý, thực hiện dân chủ, mục tiêu là có môi trường giáo dục thực sự cởi mở, để cho tất cả những giá trị tốt đẹp trong nghiên cứu, trong giảng dạy được bừng nở.

Trường học là môi trường đặc biệt, không thể chấp nhận tình trạng kiện cáo, mất đoàn kết, tiêu cực... vì sẽ tác động rất lớn đến học sinh, gây phản cảm dư luận. Dĩ nhiên, thực hiện dân chủ trong cơ sở giáo dục, đào tạo có những đặc thù không giống ở phường, xã và trường ĐH-CĐ cũng khác với trường phổ thông, tiểu học, mầm non. Vai trò của người đứng đầu rất quan trọng trong thực hiện dân chủ trong cơ sở giáo dục. Nếu người đứng đầu thực hiện đúng trách nhiệm thì sẽ không để xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp ở một số trường đại học hay vụ việc Trường Tiểu học Nam Trung Yên vừa qua.

Để phát huy dân chủ ở trường, cần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đảng, đoàn thể, cơ quan quản lý nhà nước nhưng trước hết của các cơ cấu lãnh đạo, của cán bộ, giáo viên nhà trường, trong đó không thể không kể đến vai trò của phụ huynh, học sinh và toàn xã hội. Cần phải tăng cường tự chủ trong các trường học, nhất là khối ĐH-CĐ để phát huy được hết dân chủ cơ sở. Dân chủ trong trường học chỉ có khi đội ngũ giáo viên, giảng viên được tự quyết định, thấy được trách nhiệm, quyền lợi của mình gắn chặt với sự phát triển của nhà trường thay vì làm theo chỉ đạo từ cấp trên, cơ quan chủ quản. Muốn thế, phải thực sự công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng, thực hiện các quy chế, càng chi tiết càng tốt.

Các trường ĐH-CĐ cũng không thể có dân chủ khi cơ quan quản lý vẫn “cầm tay chỉ việc”, áp đặt từ trên xuống về chuyên môn, đặc biệt là về nhân sự. Cùng với đó, phải có cơ chế để giáo viên đánh giá cơ cấu lãnh đạo, các chức danh lãnh đạo, học sinh và phụ huynh đánh giá giáo viên. Tức là phải có cơ chế cụ thể, không giám sát chung chung.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục