Trải nghiệm một ngày làm giáo viên

Tự tin đứng trên bục giảng trong chương trình “Một ngày làm giáo viên” trong ngày 1-3, gần 200 học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) đã có những trải nghiệm thú vị, đầy hào hứng.

Tự tin đứng trên bục giảng trong chương trình “Một ngày làm giáo viên” trong ngày 1-3, gần 200 học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) đã có những trải nghiệm thú vị, đầy hào hứng.

Dù đã chuẩn bị kỹ giáo án, tập dượt tiết dạy, nhưng trước giờ sắm vai làm “thầy cô”, nhiều học sinh của Trường THPT Nguyễn Du không tránh khỏi hồi hộp, lo lắng. Tuy nhiên, khi đứng trên bục giảng, các “thầy cô giáo” trẻ đều làm tròn nhiệm vụ của mình, trong đó có nhiều tiết dạy mang tính sáng tạo được chính thầy cô bộ môn khen ngợi, đánh giá cao. Trong giờ học môn Sinh học, học sinh lớp 12A8 chăm chú và thích thú nghe “cô giáo” Châu Huệ Mẫn giảng bài “Sự phát sinh loài người”. Không chỉ minh họa bằng hình ảnh quá trình tiến hóa của loài người, cô giáo còn mở rộng kiến thức, đặt nhiều câu hỏi để học sinh trả lời, tương tác với bài giảng.

Học sinh Lưu Ngọc Nga dạy môn Anh văn cho các bạn lớp 11B13 Trường THPT Nguyễn Du

Tương tự, giờ Anh văn của lớp 11B13 do “cô giáo” Lưu Ngọc Nga dạy cũng sinh động nhờ cách giảng dạy sáng tạo và thông qua các trò chơi đã tạo thêm môi trường giao tiếp, thực hành tiếng Anh. Thế nhưng, ấn tượng hơn phải kể đến tiết học Văn ở lớp 11B5 do “cô giáo” Hồng Trường Nhung và Nguyễn Ngọc Ngân trong đội tuyển giỏi Văn của trường thực hiện. Chọn bài giảng khó với bài thơ nổi tiếng Từ ấy của Tố Hữu, hai cô giáo trẻ đã đầu tư công phu cho bài giảng với bố cục chặt chẽ, dựng kịch văn học và tạo nền nhạc, tự trình diễn bài hát khiến tiết học “lung linh”, hấp dẫn… đến không ngờ.

Nhận xét về tiết dạy Văn do mình hướng dẫn, hỗ trợ soạn giáo án, cô Nguyễn Thị Thu Thảo, dạy Văn Trường THPT Nguyễn Du, khen ngợi: “Mới đứng bục giảng lần đầu nhưng Trường Nhung nhập vai không thua gì giáo viên và hơn hẳn giáo sinh thực tập. Cái hay mà nhóm hai em làm được là có phương pháp dạy học sáng tạo, tự nhiên, đặc biệt là sử dụng bản đồ tư duy, cho học trò thảo luận nhóm”.

Để chuẩn bị cho 45 phút giảng bài, các nhóm học sinh của từng khối lớp phải tốn công sức, thời gian soạn giáo án, thu thập tư liệu, tập dượt với sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn. Mặc dù mỗi nhóm chỉ cử một học sinh đứng lớp nhưng bài dạy là sản phẩm chung do nhóm xây dựng và kết quả thực học này được tính vào điểm 15 phút. Không chỉ nhập vai như một giáo viên thực thụ với phong thái tự tin, giọng nói lưu loát, các “thầy cô giáo” trẻ này còn thể hiện trang phục, tác phong, kỹ năng sư phạm.

Theo ban giám hiệu, thầy cô giáo bộ môn dự giờ, nếu nhìn ở góc độ học sinh thì các em đã thành công trong sắm vai “Một ngày làm  giáo viên”. Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, nói rằng: “Qua chương trình này, các em sẽ trưởng thành, thấu hiểu công việc gieo chữ, mở mang kiến thức của thầy cô và trân quý nghề giáo nhiều hơn. Từ đó, nhà trường mong muốn hướng nghiệp, truyền lửa cho những học sinh giỏi có đam mê theo nghề sư phạm”.


KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục