Cần thiết và cấp bách!

HOÀNG ANH

Dạy thêm - học thêm (DTHT) như thế nào là phù hợp và vì sao nó luôn gây tranh cãi trái chiều, nặng trăn trở và bức xúc cho cả phụ huynh, học sinh lẫn giáo viên nhiều năm nay? Và mặc cho các quy định chấn chỉnh về DTHT được ban hành, nhà trường không ngừng nhắc nhở giáo viên, hoạt động này vẫn công khai bành trướng khắp mọi nơi. Điều đáng nói là dù Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM khẳng định chưa hề cấp giấy phép dạy thêm cho bất cứ giáo viên nào thì nhiều thầy cô vẫn “dạy cứ dạy, không cần xin phép”.

Nhận thấy hoạt động DTHT vẫn tràn lan, khó quản lý nên mới đây Sở GD-ĐT yêu cầu các phòng GD-ĐT, các trường học, các tổ chức, cá nhân gấp rút báo cáo về hoạt động DTHT.

Theo đó, phải trực tiếp thông tin chi tiết với sở các nội dung như tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ sinh sống, nơi công tác (đối với người dạy thêm đang là công chức, viên chức), địa điểm nơi tổ chức dạy thêm. Ngoài ra, phải báo cáo đang giảng dạy cho học sinh thuộc bậc học nào, lớp mấy, bộ môn giảng dạy...

Riêng đối với các trung tâm, tổ chức dạy thêm, ngành giáo dục yêu cầu báo cáo về số lượng giáo viên, lập danh sách giáo viên tham gia giảng dạy. Trong đó, đề cập số giáo viên trường công lập đang tham gia giảng dạy (cả những giáo viên có giấy đồng ý và không có giấy đồng ý của hiệu trưởng). Đồng thời, các tổ chức cũng phải thông tin rõ về mức thù lao dạy thêm thấp nhất và cao nhất của giáo viên/tháng.

Thực tế này phản ánh việc quản lý, chấn chỉnh hoạt động DTHT không dễ và nó đang làm đau đầu các nhà quản lý giáo dục lẫn chính quyền địa phương. Dù UBND TPHCM đã giao cho ngành GD-ĐT và chính quyền địa phương quản lý hoạt động này nhưng rất ít nơi ra tay kiểm tra, xử phạt những điểm dạy thêm sai quy định. Gần đây, mới có phường Bình Trị Đông (quận Bình Tân) mạnh tay tiến hành tổng kiểm tra các cơ sở DTHT trên địa bàn để chấn chỉnh, xử lý các sai phạm về dạy thêm.

Trước đó, phường gửi văn bản đến hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS trên địa bàn yêu cầu các trường phải chịu trách nhiệm quản lý giáo viên về chương trình dạy học, nghiêm cấm cắt xén nội dung, chương trình học để đưa vào dạy thêm hoặc ép buộc học thêm dưới bất kỳ hình thức nào. Ngoài ra, các giáo viên đang tổ chức DTHT trên địa bàn phải ngưng hoạt động cho đến khi được cấp phép theo đúng quy định; trường hợp nào sai phạm sẽ bị xử lý kỷ luật…

Còn lại, nhiều địa phương khác đều than khó và ngại đụng chạm đến mảng tối khá nhạy cảm này, khi cho rằng việc kiểm tra là “rình mò, truy bắt” giáo viên dạy thêm không phép (!?).

Vấn đề đặt ra ở đây là TPHCM và ngành GD-ĐT không cấm hoạt động DTHT. Vì thế mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu dạy thêm phải chấp hành đầy đủ các quy định chung và phải được cấp giấy phép đàng hoàng. Chính việc tự tổ chức dạy thêm tràn lan không phép, thậm chí biến tướng vì bị ép học hoặc cắt xén chương trình… đang gây bức xúc trong dư luận xã hội, phát sinh nhiều hệ lụy cho người học. Vì thế, tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động này để DTHT phát triển lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thực học của xã hội là cần thiết, cấp bách.


HOÀNG ANH

Tin cùng chuyên mục