Kiên quyết dừng tuyển sinh nếu trường đại học vi phạm

Trường Đại học (ĐH) Duy Tân (Đà Nẵng) vừa được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH - cao đẳng Việt Nam) trao quyết định và giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục (CLGD), có giá trị trong 5 năm. Đây là trường ĐH ngoài công lập đầu tiên của Việt Nam được kiểm định và đạt tiêu chuẩn. Hơn bao giờ hết, kiểm định CLGD đã trở thành yêu cầu cấp bách.
Kiên quyết dừng tuyển sinh nếu trường đại học vi phạm

Trường Đại học (ĐH) Duy Tân (Đà Nẵng) vừa được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH - cao đẳng Việt Nam) trao quyết định và giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục (CLGD), có giá trị trong 5 năm. Đây là trường ĐH ngoài công lập đầu tiên của Việt Nam được kiểm định và đạt tiêu chuẩn. Hơn bao giờ hết, kiểm định CLGD đã trở thành yêu cầu cấp bách.

Tăng cường kiểm định theo chuẩn khu vực và quốc tế

Thông tin từ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, từ ngày 27-2 đến ngày 3-3, Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục ĐH Pháp (gọi tắt là HCERES) sẽ thực hiện đánh giá và kiểm định 4 trường ĐH: Bách khoa Hà Nội, Xây dựng, Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM. Đây là các trường ĐH đầu tiên ở Việt Nam được kiểm định bởi một tổ chức kiểm định CLGD châu Âu.

Đại học Duy Tân (Đà Nẵng)-Cơ sở 182 Nguyễn Văn Linh

Việc kiểm định này nằm trong chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam (PFIEV) do Chính phủ Pháp tài trợ theo Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp ký từ năm 1997, bắt đầu được triển khai từ năm 1999 tại 4 trường ĐH kỹ thuật trên. Đến nay, đã có 18 khóa tuyển sinh, 13 khóa tốt nghiệp. Toàn bộ 16 chương trình đào tạo của PFIEV đã được đánh giá và kiểm định bởi Ủy ban Văn bằng kỹ sư của Pháp (CTI). Tháng 3-2016, CTI đã cử đoàn chuyên gia sang Việt Nam đánh giá, kiểm định lần thứ 3 và tiếp tục công nhận bằng kỹ sư của chương trình PFIEV giai đoạn 2016-2022. Năm 2016, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Việt Nam đã gửi công văn cho HCERES đề nghị đánh giá, kiểm định 4 cơ sở đào tạo này.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp trường

Sau gần 10 tháng chuẩn bị, các trường đã hoàn thành và gửi bản báo cáo tự đánh giá theo đúng kế hoạch HCERES yêu cầu vào ngày 20-1-2017. HCERES đã thành lập hai đoàn chuyên gia, mỗi đoàn gồm 7 thành viên là những chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đào tạo và quản lý giáo dục ĐH để tới đây sang đánh giá báo cáo của các trường.

Như vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh kiểm định bởi các trung tâm theo tiêu chuẩn Việt Nam, Bộ GD-ĐT đang khuyến khích các cơ sở GDĐH thực hiện kiểm định theo chuẩn khu vực và quốc tế. Đến nay, cả nước có hơn 90 trường đã được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế và khu vực có uy tín.

Phải biết mình đang ở đâu

Kiểm định CLGD ĐH không chỉ là một việc làm thông thường, mà đó còn là yêu cầu bắt buộc, là tất yếu để các trường ĐH biết mình đang ở đâu. Một kiểm định CLGD được coi là có hiệu quả khi không chỉ đánh giá một trường hay một chương trình đào tạo có đạt chất lượng hay không, mà còn phải có vai trò của các chuyên gia tư vấn sẵn sàng giúp đỡ nhà trường giải quyết các vấn đề tồn tại và nâng cao chất lượng các hoạt động. Kết quả kiểm định CLGDĐH cũng là thước đo để các trường ĐH quảng bá với xã hội về giá trị thương hiệu của mình.

Chính vì lẽ đó, yêu cầu đặt ra hiện nay là có các trung tâm kiểm định đủ mạnh với đội ngũ kiểm định viên chất lượng. Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh cho biết, hiện đã có 4 trung tâm kiểm định được Bộ GD-ĐT công nhận thành lập. Đội ngũ đảm bảo cho hoạt động kiểm định chất lượng từ bên ngoài đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ với hơn 700 người đã hoàn thành các khóa đào tạo kiểm định viên, trong đó có 240 người đã được cấp thẻ kiểm định viên.

Cho đến nay, hầu hết các trường ĐH của Việt Nam đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá. Nhiều chương trình đào tạo cũng được đánh giá theo chuẩn trong nước và quốc tế. Cụ thể đã có 5 chương trình được đánh giá theo chuẩn của các nước, hơn 80 chương trình được đánh giá và đạt chuẩn quốc tế. Điều đó cho thấy, nền tảng để giáo dục ĐH Việt Nam thực sự bước vào “sân” kiểm định đã khá đầy đủ.

Kiểm định sẽ là điều tất yếu để các trường ĐH Việt Nam chuyển mình. Vấn đề hiện nay chính là hoàn thiện hệ thống văn bản, bộ tiêu chí kiểm định để giáo dục ĐH Việt Nam tiếp cận được chuẩn thế giới, cũng như có đủ các chế tài để khuyến khích được các trường làm tốt và xử lý nghiêm những trường làm chưa tốt. Cơ quan kiểm định phải giống như y tế dự phòng, làm sao phòng ngừa để không xảy ra bệnh tật.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ năm 2017, các trường phải công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo trong đề án tuyển sinh. Từ năm 2018 phải công bố đầy đủ, trong đó tập trung vào tỷ lệ sinh viên có việc làm khi ra trường. Nếu các trường không công khai sẽ không được tuyển sinh. Việc công khai này do các trung tâm kiểm định thẩm định và xác thực.

Việc công khai thông tin của các trường phải trung thực, có trách nhiệm và đáng tin cậy cho học sinh, xã hội. Nếu các trường làm không đúng thì Bộ GD-ĐT phải xử lý nghiêm, nhất là áp dụng việc dừng tuyển sinh. Chỉ khi có chế tài nghiêm thì việc thực thi kiểm định mới hiệu quả.

PGS-TS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định thuộc Hiệp hội Các trường ĐH - cao đẳng Việt Nam, cho rằng để được kiểm định một cách khách quan, công bằng và chính xác thì không chỉ có đánh giá ngoài mà phải có sự vào cuộc đồng bộ. Bộ GD-ĐT phải có hệ thống văn bản chỉ đạo nhất quán để các trung tâm kiểm định và các kiểm định viên thực thi. Kết quả kiểm định phải được công khai, chỉ khi công khai rõ thì các trường ĐH mới làm tốt trách nhiệm xã hội và trách nhiệm giải trình của mình. Việc công khai này để cho học sinh, phụ huynh và xã hội giám sát, đặc biệt là các em học sinh chuẩn bị vào học biết được trường mạnh chỗ nào, yếu chỗ nào và có phù hợp với nguyện vọng của mình hay không.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục