Chương trình giáo dục phổ thông mới - Cần đảm bảo tính liên thông

Hội thảo “Tính liên thông giữa chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới với chương trình giáo dục mầm non và giáo dục đại học (ĐH)” đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức mới đây tại Hà Nội, với sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục.
Chương trình giáo dục phổ thông mới - Cần đảm bảo tính liên thông

Hội thảo “Tính liên thông giữa chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới với chương trình giáo dục mầm non và giáo dục đại học (ĐH)” đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức mới đây tại Hà Nội, với sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, một trong bất cập lớn của chương trình GDPT hiện hành chính là yếu về tính liên thông giữa các bậc học. Do đó, khi nghiên cứu chương trình GDPT mới, cần coi trọng khâu kết nối giữa các bậc học từ mầm non lên tiểu học, THCS, THPT, giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp.

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1 TPHCM trong giờ học ngoại ngữ. Ảnh: MAI HẢI

Nhận xét về tính liên thông của chương trình GDPT mới, Giáo sư Trần Công Phong, Viện trưởng Viện Giáo dục Việt Nam, cho rằng đổi mới chương trình GDPT phải theo hướng nghề nghiệp, thiết kế theo hướng tự chọn và theo chuyên đề để các em học sinh có bước chuẩn bị cho việc chọn ngành, chọn nghề. “Khi nghiên cứu, điều quan trọng là chúng ta khớp nối như thế nào giữa chương trình GDPT mới với chương trình giáo dục mầm mon và chương trình giáo dục ĐH. Chẳng hạn như yêu cầu đầu ra giữa các bậc học như thế nào để các em tiếp tục học tiếp lên cao. Đơn cử, hết bậc mầm non, các em cần hình thành được những thói quen, năng lực gì để có thể tiếp tục phát triển ở lớp 1 và bậc tiểu học. Hay như “khớp nối” giữa chương trình phổ thông với chương trình giáo dục ĐH, học hết lớp 12 các em phải định hướng được mình thi vào trường gì và học ngành gì”, ông Phong nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Đức Hữu, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT), dự thảo chương trình GDPT tổng thể đã đảm bảo tính liên thông giữa bậc mầm non với tiểu học. Điều đó được thể hiện không chỉ ở mục tiêu của chương trình mà còn ở nội dung, phương pháp dạy học và tính kế thừa tiếp nối. “Tuy nhiên, chúng ta có nên để tên môn học “Kỹ thuật và Tin học” ngay ở từ lớp 1 hay không, nên chăng thay bằng một tên gọi khác để phụ huynh và học sinh không cảm thấy nặng nề?”, ông Hữu nêu dẫn chứng.

Tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới, cho biết: Bước đầu, dự thảo chương trình đã đảm bảo tính liên thông giữa mầm non với tiểu học. Điều này được thể hiện qua phương pháp dạy học hoặc các hoạt động trải nghiệm, các trò chơi. Như vậy, cả nội dung và phương pháp đều có sự khớp nối, có kế thừa và phát huy. Còn đối với bậc ĐH, dự thảo đã thể hiện có sự liên thông rõ nét như ở lớp dự hướng (lớp 11, 12) các em đã được các thầy cô giáo định hướng nghề nghiệp để lựa chọn ngành học, trường học phù hợp với năng lực của mình. Ví dụ, học sinh muốn học về các ngành kỹ thuật thì các em sẽ phải chuyên tâm hơn vào môn Toán, Vật lý để có nền tảng kiến thức vững chắc khi bước vào học ĐH mang tính chuyên sâu hơn.

Tuy nhiên, GS Nguyễn Minh Thuyết thừa nhận, rất khó để chúng ta thực hiện phân luồng ngay từ bậc THCS. Việc phân luồng cần được tính toán theo hướng linh hoạt và không nên quy định cứng vào chương trình. Mục đích là để các em dễ dàng thích nghi hơn với sự thay đổi, phát triển của ngành học và các trường ĐH, cũng như nhu cầu của xã hội.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, thay mặt Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng  Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng chương trình GDPT mới đã đảm bảo tính liên thông giữa mầm non với tiểu học, với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH. Trên cơ sở dự thảo chương trình GDPT, thứ trưởng đề nghị giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH cũng phải nghiên cứu để thiết kế chương trình, nội dung sao cho phù hợp.

Riêng đối với giáo dục mầm non, từ trước đến giờ là chương trình có tính mở và trên cơ sở chương trình khung của quốc gia, ở các địa phương, các nhà trường có thể phát triển chương trình phù hợp với thực tiễn.

 Trước ý kiến đưa một số nội dung của tiểu học xuống mầm non, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng không nên, vì chương trình mầm non đã xây dựng rồi. Tuy nhiên, phải có sự kết nối liên thông giữa mầm non với tiểu học, đặc biệt giữa mẫu giáo 5 tuổi với lớp 1. Cùng với đó, ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ để đảm bảo tính kết nối liên thông và đảm bảo sự phát triển đồng tâm tùy theo mức độ của trẻ. Ngoài ra, cần quan tâm thêm các quy định về thời lượng hoạt động Đoàn, Đội, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong chương trình GDPT mới.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục