Nỗi lo ép trẻ ăn sau tết

Sau hơn nửa tháng nghỉ Tết Nguyên đán 2017, cùng với nỗi lo học sinh đến trường trong tâm lý uể oải, chưa hòa nhập trở lại nề nếp sinh hoạt ở lớp, giáo viên các trường mầm non còn đối mặt với một nhiệm vụ khác, đó là… giúp học sinh đạt lại mức cân nặng trước tết.
Nỗi lo ép trẻ ăn sau tết

Sau hơn nửa tháng nghỉ Tết Nguyên đán 2017, cùng với nỗi lo học sinh đến trường trong tâm lý uể oải, chưa hòa nhập trở lại nề nếp sinh hoạt ở lớp, giáo viên các trường mầm non còn đối mặt với một nhiệm vụ khác, đó là… giúp học sinh đạt lại mức cân nặng trước tết.

Nếu như ở các bậc học khác, kiến thức và kỹ năng là 2 chuẩn thước đo sự tiến bộ của học sinh thì đối với bậc mầm non, bậc học vốn đặt nặng các yếu tố phát triển thể chất và dinh dưỡng, sau tết thường là thời điểm phát triển “thụt lùi” cả về thể chất lẫn kỹ năng của học sinh. Nguyên nhân là do trong kỳ nghỉ dài ngày cùng gia đình, nhiều em theo ba mẹ về quê hoặc tham gia các chuyến du lịch dài ngày với thực đơn ăn uống thất thường. Kết hợp với việc buông lỏng quản lý giờ giấc ăn, ngủ của phụ huynh, nhiều học sinh quay trở lại trường với cân nặng sụt giảm, thói quen ăn, ngủ bị xáo trộn hoàn toàn.

Sau tết, các cô giáo mầm non phải vào nhiệm vụ mới: rèn lại thói quen ăn, uống, nề nếp sinh hoạt và duy trì cân nặng cho học sinh. (Ảnh minh họa)

Giáo viên một trường mầm non ở quận Tân Bình (TPHCM) cho biết, sau tết dù trường nấu ăn với khẩu vị không thay đổi nhưng nhiều em than “cô ơi, đồ ăn nhạt quá”. Bên cạnh đó, do đã quen với việc được ba mẹ cho thức khuya, dậy trễ trong kỳ nghỉ tết nên dù đã bước qua tuần học thứ hai sau tết nhưng nhiều học sinh vẫn đến lớp rất trễ. Những thực tế đó đã đặt các cô giáo mầm non vào nhiệm vụ mới: rèn lại thói quen ăn, uống, nề nếp sinh hoạt và duy trì cân nặng cho học sinh.

Tuy nhiên, từ đây cũng nảy sinh bất cập là do tâm lý vội vàng, cộng với sức ép thành tích thi đua từ ban giám hiệu, ở nhiều nơi đã xảy ra tình trạng giáo viên la mắng, cố ép học sinh ăn. Chị Thanh Tâm, phụ huynh có con đang học lớp lá một trường mầm non tư thục ở Gò Vấp, bày tỏ: “Qua tết, ngày nào đi học về con cũng mếu máo vì bị cô ép ăn. Đến bữa ăn chiều ở nhà, con than no vì vẫn còn ợ lên mùi thức ăn bữa xế. Tôi đã nhiều lần nói với cô giáo gia đình không chủ trương ép con ăn vì các chuẩn cân nặng, mong cô cứ để bé ăn theo nhu cầu nhưng tình hình vẫn không cải thiện”.

Trao đổi với chúng tôi, phó phòng giáo dục - đào tạo phụ trách mầm non một quận ở trung tâm TPHCM cho biết, mặc dù chủ trương của ngành giáo dục là không chạy theo thành tích, luôn tôn trọng thói quen, sở thích cá nhân của trẻ, tuy nhiên trong các yêu cầu về giáo dục thể chất có đề cập yếu tố tạo mọi điều kiện để trẻ phát triển đầy đủ chiều cao, cân nặng theo chuẩn lứa tuổi. Do đó ở nhiều nơi, giáo viên chịu sức ép phải duy trì cân nặng của trẻ theo đúng chuẩn phát triển, hạn chế tối đa tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi hoặc thừa cân, béo phì dẫn đến tâm lý nôn nóng, sợ ảnh hưởng thành tích thi đua của lớp nên cố ép trẻ ăn bằng nhiều phương pháp phản sư phạm. Thời gian tới, ngành giáo dục mong có thêm sự phối hợp của phụ huynh trong việc chăm lo sức khỏe học sinh, trong đó có việc thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp giáo dục các em kỹ năng sống ở cả trường học lẫn gia đình…

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục