Chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia 2017: Tăng tốc ôn tập, rèn kỹ năng làm bài

Cùng với việc tăng tốc hoàn tất chương trình lớp 12, các trường THPT ở TPHCM đều có kế hoạch ôn tập cho học sinh sát với năng lực, nguyện vọng chọn bài thi theo tổ hợp. Khảo sát ban đầu cho thấy học sinh chọn tổ hợp môn khoa học tự nhiên (KHTN) vẫn chiếm số đông và bài thi khoa học xã hội (KHXH) vẫn… “lép vế”.
Chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia 2017: Tăng tốc ôn tập, rèn kỹ năng làm bài

Cùng với việc tăng tốc hoàn tất chương trình lớp 12, các trường THPT ở TPHCM đều có kế hoạch ôn tập cho học sinh sát với năng lực, nguyện vọng chọn bài thi theo tổ hợp. Khảo sát ban đầu cho thấy học sinh chọn tổ hợp môn khoa học tự nhiên (KHTN) vẫn chiếm số đông và bài thi khoa học xã hội (KHXH) vẫn… “lép vế”.

Ít chọn bài thi KHXH vì khó chọn ngành nghề

Đến giờ này, đa phần các trường THPT tại TPHCM đã tổng hợp số liệu dự kiến về nguyện vọng học sinh đăng ký bài thi tổ hợp KHTN và KHXH. Cụ thể, năm nay Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) có 420 học sinh (HS) lớp 12 thì có đến 90% chọn bài thi tổ hợp KHTN. Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) cũng áp đảo với con số: có 310 trong tổng số 335 HS khối 12 chọn bài thi KHTN (chỉ có 25 em, tỷ lệ 7,5%, chọn bài thi KHXH). Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) có 260/320 HS chọn bài thi KHTN. Trường THPT Trung Phú (huyện Củ Chi) có 90 trong tổng số 538 em chọn bài thi KHXH, còn lại chọn bài thi KHTN. Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) cũng chỉ có 56 HS đăng ký bài thi KHXH (chiếm 9,1%)… Tuy nhiên, ở các trường THPT có đầu vào thấp hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX),  tỷ lệ HS chọn bài thi KHXH lại cao hơn. Tại Trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2) có khoảng 150 HS trong tổng số gần 500 HS khối 12 đăng ký bài thi tổ hợp KHXH. Theo Trường THPT Giồng Ông Tố, thời gian đầu khi khảo sát về nguyện vọng chỉ có khoảng 50 em đăng ký chọn bài thi tổ hợp KHXH nhưng đến thời điểm này, đã điều chỉnh tăng lên khoảng 150 em. Tương tự, TTGDTX quận 7 có 70/95 HS và TTGDTX quận Gò Vấp có 111/180 HS chọn bài thi KHXH… 

Thực tế khảo sát này cũng giống các năm trước và xu hướng chọn bài thi KHTN vẫn luôn thắng thế do tổ hợp môn này có nhiều cơ hội đăng ký xét tuyển vào nhiều trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) và ngành nghề lựa chọn phong phú, dễ kiếm việc làm hơn. Theo nhiều hiệu trưởng, con số khảo sát ban đầu này là cơ sở để các trường lên kế hoạch ôn tập sát với nguyện vọng, năng lực của HS lớp 12. “Trong quá trình học và ôn tập, các em vẫn có thể thay đổi nguyện vọng của mình theo thế mạnh, học lực và nhà trường sẽ tư vấn, định hướng chọn trường, ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường riêng của từng em”, cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, cho biết thêm.

Thầy Nguyễn Minh Châu, Trưởng khoa Toán Trường THPT Lương Thế Vinh, ôn tập cho học sinh lớp 12. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ôn tập sát với năng lực của thí sinh

Quy chế thi THPT quốc gia năm 2017 có điểm mới là thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT và cơ hội xét tuyển sinh ĐH, CĐ mở rộng hơn. Thế nhưng, hiện có rất  ít HS dám thử sức, chọn cả 2 bài thi tổ hợp. Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, ngay từ khi vào bậc học THPT, học sinh đã chọn lựa khối thi của mình dựa trên năng lực học tập, sở trường và chọn ngành học nên ít có sự thay đổi và mạo hiểm chọn cả 2 bài thi tổ hợp. Thực tế cho thấy, đến giờ này, những HS còn dao động chưa xác định rõ nguyện vọng cũng như chưa biết đăng ký bài thi tổ hợp nào chỉ thuộc những đối tượng có học lực trung bình, yếu, kém.

Theo Ban giám hiệu Trường THPT Giồng Ông Tố, Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú), ngoài tư vấn về quy chế thi, định hướng đăng ký chọn trường, chọn ngành phù hợp với năng lực, sở trường, nhà trường chú trọng củng cố kiến thức từng môn học thật vững cho học sinh, rèn kỹ năng để làm bài trắc nghiệm đạt hiệu quả cao. Cô Bùi Minh Tâm cũng khẳng định nhà trường vẫn dạy đúng theo chuẩn chương trình, học thực - lấy điểm thực và học sinh yếu cái gì sẽ phụ đạo, bổ sung kiến thức, kỹ năng làm bài ngay. Ngoài chú trọng 3 môn thi bắt buộc (Toán, Văn, Anh văn), định hướng thế mạnh của học sinh để định hướng chọn trường, ngành nghề phù hợp, nhà trường còn chăm chút hơn cho thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp Sử, Địa, Giáo dục công dân.

Một số hiệu trưởng thừa nhận rằng trên thực tế giáo viên dạy môn Sử, Địa, Giáo dục công dân và học sinh chọn bài thi tổ hợp này cũng có không ít lo lắng, nhất là môn thi mới - Giáo dục công dân - chuyển từ tự luận sang trắc nghiệm. Để giúp học sinh tự tin, giáo viên bộ môn Giáo dục công dân không chỉ đổi mới cách dạy, dạy theo chuyên đề mà còn ra nhiều câu hỏi làm trắc nghiệm để tập dượt, rèn luyện kỹ năng phản xạ, làm bài cho HS. Ở các TTGDTX, ngoài tăng tiết, phân chia HS theo nhóm, trình độ học lực để dạy, ôn tập môn thi bắt buộc, tập trung thời gian nhiều hơn cho 2 môn Sử, Địa, các trung tâm còn trao đổi kinh nghiệm truyền đạt kiến thức, chia sẻ ngân hàng đề thi lẫn câu hỏi trắc nghiệm để HS làm quen, thực tập kỹ...

Riêng các trường ngoài công lập, không chỉ tăng tốc dạy nhanh chương trình, ôn luyện kiến thức với thời lượng nhiều hơn, nhiều trường còn cho HS thi thử liên tục với mục đích đạt điểm số cao nhất. Ngoài học, ôn luyện trong trường từ sáng đến chiều, nhiều HS lớp 12 còn chạy sô, học thêm luyện thi trắc nghiệm ở các trung tâm. Theo các hiệu trưởng, chuyên gia giáo dục, việc học thêm quá nhiều và không còn thời gian tự học, nghỉ ngơi hợp lý sẽ khiến HS căng thẳng, mất sức.

Mới đây, Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM chỉ đạo các trường THPT phải tổ chức dạy - học nghiêm túc, không được cắt xén nội dung, chương trình và giúp HS nắm vững kiến thức, ôn tập phù hợp với năng lực, trình độ của từng em. Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ vượt vũ môn quan trọng sắp diễn ra, HS phải biết lượng sức mình, biết phân bổ thời gian học và ôn tập một cách khoa học, tránh tràn lan, thiếu trọng tâm.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục