Trường học nô nức hội xuân

Từ cuối tuần qua, một số trường mầm non và tiểu học trên địa bàn TPHCM đã tổ chức ngày hội xuân với nhiều hoạt động phong phú, vừa mang lại cho học sinh không khí xuân rộn ràng vừa qua đó giáo dục các em về văn hóa truyền thống, tinh thần tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc.
Trường học nô nức hội xuân

Từ cuối tuần qua, một số trường mầm non và tiểu học trên địa bàn TPHCM đã tổ chức ngày hội xuân với nhiều hoạt động phong phú, vừa mang lại cho học sinh không khí xuân rộn ràng vừa qua đó giáo dục các em về văn hóa truyền thống, tinh thần tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc.

Sân trường thay áo mới

Trong hai ngày 12 và 13-1 vừa qua, Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3) tổ chức ngày hội xuân với nhiều hoạt động phong phú như biểu diễn văn nghệ, trang trí các gian hàng, tô điểm sân khấu chính bằng hình ảnh những chiếc bánh chưng, bánh tét, nhành mai và pháo đỏ (giả) rất to. Chia sẻ với chúng tôi, một giáo viên của trường cho biết, do diện tích sân trường hạn hẹp, trong khi sĩ số học sinh quá đông nên ban giám hiệu đã quyết định chia thành 2 ngày hội. Ngày đầu tiên dành cho học sinh các khối 1, 2, 3. Ngày thứ hai của học sinh khối 4, 5 tham dự. Nhìn chung, tất cả gian hàng đều do tự tay học sinh và giáo viên tạo dựng. Trải khắp hành lang các lớp, cô và trò còn trang trí thêm nhiều câu đối giúp sân trường ngập tràn sắc xuân.

Tương tự, tại Trường Mầm non Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp), ngay giữa sân trường “mọc” lên một cây mai thật to, phía trước tô điểm thêm dãy 4 chữ số gồm 2 - 0 - 1 - 7 được sắp xếp theo hình dáng chú gà trống cách điệu. Dưới gốc mai có cặp bánh chưng, bánh tét, nửa trái dưa hấu được cắt sẵn để lộ ra màu ruột đỏ. Chị Phương Mai, một phụ huynh có con đang học tại đây, cho biết năm nào sân trường cũng được trang trí để đón tết và mỗi năm lại có một diện mạo mới, đem đến cho phụ huynh và học sinh cảm xúc nôn nao khó tả. Màu xanh của lá chuối gói bánh tét, hòa cùng sắc đỏ của dưa hấu, đặt cạnh dáng rạo rực vàng ươm của hoa mai khiến bất kỳ ai dừng bước cũng thấy xuân đã đến rất gần.

Học sinh tham gia ngày hội bán tranh gây quỹ từ thiện do Trường Mầm non Thế giới Trẻ thơ (quận Gò Vấp) tổ chức

Năm nay, hội xuân của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) cũng bao gồm nhiều hoạt động phong phú như gian hàng ẩm thực do giáo viên và học sinh tự chuẩn bị; trao quà cho một số học sinh, con giáo viên có hoàn cảnh khó khăn cũng như biểu diễn văn nghệ, tổ chức bán đấu giá một số vật phẩm do giáo viên tự làm nhằm gây quỹ học bổng của trường. Với hình thức tổ chức khác, hơn nửa tháng qua, cô và trò Trường Mầm non Thế giới Trẻ thơ (quận Gò Vấp) đã miệt mài chuẩn bị những bức tranh do chính học sinh vẽ theo chủ đề tự chọn. Có tranh vẽ gia đình, tranh vẽ nhà cửa, loài vật hay xe cộ. Ở nhiều bức tranh, nét vẽ còn nguệch ngoạc, màu tô chưa đều nhưng đó là công sức của chính các em. Sau khi học sinh vẽ tranh, trường tổ chức mua thanh gỗ cho giáo viên tự đóng khung. Chiều 12-1 vừa qua, quanh gốc cây bàng được treo rất nhiều phong bao lì xì đỏ ở giữa sân trường, phụ huynh và học sinh cùng hòa mình vào ngày hội bán tranh gây quỹ từ thiện. Toàn bộ số tiền thu được sẽ dành giúp đỡ trẻ mồ côi tại 2 mái ấm Tình mẹ và Hướng Dương (quận Gò Vấp). Nhiều trường tiểu học ở quận 1 và 3 cũng tổ chức cho học sinh tặng lại đồ chơi, quần áo, tập sách cũ còn dùng được cho trẻ em nghèo với hy vọng qua đó, giáo dục các em về tinh thần tương thân tương ái, biết chia sẻ, giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn.    

Học sinh háo hức trong Hội Xuân 2017 tại Trường Mầm non Bình Trị Đông (quận Bình Tân, TPHCM). Ảnh: HIẾU NGHĨA

Niềm vui chưa trọn vẹn

Mặc dù các trường đều dành nhiều tâm huyết trong việc tổ chức ngày hội xuân cho học sinh, song chính cách tổ chức có phần hơi cứng nhắc đã khiến ở vài nơi, niềm vui chưa trọn vẹn. Đơn cử như hình thức bán tranh gây quỹ từ thiện của một trường mầm non ở quận Gò Vấp, tên gọi hoạt động là đóng góp từ thiện, tức phụ thuộc vào tấm lòng nhưng nhà trường lại quy định mức tiền đóng góp. Tại buổi bán tranh, sau khi đã bỏ tiền vào thùng quyên góp, ban giám hiệu còn yêu cầu mỗi phụ huynh ký tên, ghi rõ số tiền mình vừa đóng khiến phụ huynh phải “nhìn” nhau. Có trường hợp phụ huynh đã cho con bỏ tiền vào thùng phải mở ví lấy thêm vì sợ con không bằng bạn bằng bè. Từ ý nghĩa từ thiện tốt đẹp ban đầu, hoạt động đóng góp đã trở thành yêu cầu bắt buộc, không dựa trên sự tự nguyện và khả năng của mỗi phụ huynh. Tương tự, ở một số trường mầm non, sau khi bỏ công trang trí sân trường, các thầy cô lại dùng kẽm rào quanh khu vực trang trí với suy nghĩ học sinh đến gần sẽ làm hỏng các đạo cụ. Có nơi giáo viên dặn luôn phụ huynh: sân trường chỉ để chụp ảnh, học sinh đứng nhìn từ xa chứ không được phép chạm tay vào những đòn bánh, nhành mai, vốn là những thứ vẫn còn lạ lẫm, hấp dẫn và thu hút học sinh mầm non.

Trao đổi với chúng tôi, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1 cho biết, tổ chức hội xuân cho học sinh không khó. Vì ở lứa tuổi các em, chỉ cần một chiếc loa phát các bài hát nhạc xuân rộn ràng, vài đạo cụ hoa, bánh “năm nào cũng lấy ra dùng lại, chỉ là trang trí thêm một chút cho khác đi” nên không quá tốn kém về mặt chi phí đầu tư. Hơn nữa, tất cả giáo viên mầm non, tiểu học đều có kinh nghiệm làm dụng cụ học tập, trang trí lớp cho học sinh nên tận dụng “tay nghề” của đội ngũ này không khó. Tuy nhiên, điều quan trọng là các trường có chịu đầu tư về mặt ý tưởng, tổ chức lồng ghép các bài học về văn hóa, kỹ năng sống nhằm kết hợp giáo dục học sinh. Nếu làm được điều này, hội xuân ngoài ý nghĩa mừng vui năm mới còn là cơ hội tăng thêm tình cảm thầy - trò, phát huy sự sáng tạo của học sinh, giúp các em hiểu hơn về những bài học đạo đức, góp thêm chút nắng ấm khi xuân về…

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục