Bao giờ hết cảnh trường thuê, mướn?

Nhiều trường công lập lẫn các trường quốc tế và cả nhiều trường ngoài công lập (tư thục) cho đến thời điểm này vẫn phải thuê mướn cơ sở vật chất để tổ chức đào tạo. Điều lạ là những trường ấy vẫn được cơ quan quản lý cho phép tuyển sinh, đào tạo.
Bao giờ hết cảnh trường thuê, mướn?

Nhiều trường công lập lẫn các trường quốc tế và cả nhiều trường ngoài công lập (tư thục) cho đến thời điểm này vẫn phải thuê mướn cơ sở vật chất để tổ chức đào tạo. Điều lạ là những trường ấy vẫn được cơ quan quản lý cho phép tuyển sinh, đào tạo.

Trường quốc tế 100% thuê mướn 

Dạo quanh một vòng tại TPHCM, thật không khỏi bất ngờ khi đến thời điểm này vẫn còn quá nhiều cơ sở đào tạo của các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) chỉ là đi thuê.

Trường CĐ Quốc tế Cetana PSB Intellis thuộc Công ty TNHH Centena Việt Nam, đầu tư vào Việt Nam từ năm 2003 (theo giấy phép của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 18-9-2003) và đến ngày 30-6-2015 được Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) ký quyết định thành lập trường. Trường này đào tạo các ngành CĐ bằng tiếng Anh do Học viện PSB Singapore và Hội đồng thi quốc tế Đại học Cambridge cấp bằng (học phí hàng trăm triệu đồng/năm). Tuy nhiên cho đến hiện nay, cơ sở trên đường Lê Lai vẫn là cơ sở thuê mướn.

Trong khi đó, Trường CĐ Quốc tế Kent (thuộc Công ty TNHH Quốc tế Kent) cũng được Bộ GD-ĐT ký quyết định cùng ngày 30-6-2015 và cho thời gian hoạt động là 25 năm, tính từ năm 2003. Học phí của trường cả trăm triệu đồng/năm, nhưng từ khi thành lập đến nay, đơn vị này thuê mướn cơ sở vật chất ở các quận Phú Nhuận, Thủ Đức và hiện nay thuê lại tòa nhà trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. 

Như vậy, Bộ GD-ĐT cấp phép hoạt động cho 2 đơn vị mà suốt từ năm 2003 đến nay chỉ toàn đi thuê mướn cơ sở vật chất và liên tục thay đổi trụ sở để tuyển sinh đào tạo trình độ CĐ, rồi quyết định thành lập trường là quá dễ dãi. Trong khi đó, việc quy định thành lập trường CĐ hay nâng cấp từ trường trung cấp lên CĐ trong nước lại có những quy định rất chặt chẽ. Hai cơ sở từ 2003 đến nay không có nổi một khu đất để xây trường thì quả thật không thể xứng với tên gọi là trường CĐ quốc tế được.

Trong khi đó, nhiều trường CĐ khác như Trường CĐ Việt Mỹ (VATC), Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn... cơ sở cũng chỉ là nhà thuê. Riêng đối với những trường trung cấp thì những trường có đất đai và đầu tư xây dựng cơ sở chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Nhiều trường đại học vẫn phải thuê mướn

Nhiều trường ĐH (cả công lập lẫn tư thục) cho đến thời điểm này vẫn cứ thuê mướn cơ sở để đào tạo. Trong khi đó, vấn đề cơ sở vật chất, một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình đào tạo, vẫn chỉ nằm trên giấy. Nhiều trường sau 10, 20 năm thành lập, cơ sở chính vẫn chỉ là ghi trên giấy.

Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định cơ sở vật chất hiện nay toàn đi thuê

Trường ĐH Văn Hiến thành lập đã 20 năm nhưng cho đến nay, cơ sở vật chất vẫn phải thuê mướn. Trước đây khi chưa có nhà đầu tư mới, đơn vị này thuê 4 cơ sở ở các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, quận 12 và Tân Bình. Từ khi có nhà đầu tư mới đến nay, dù có đất (huyện Bình Chánh) nhưng cho đến giờ trường vẫn phải thuê mướn cơ sở tại quận 3. Cơ sở tại quận Tân Phú, quận 12 chỉ là cải tạo, nâng cấp từ nhà xưởng để tổ chức hoạt động đào tạo. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng sau khi có nhà đầu tư mới vẫn phải đi thuê mướn cơ sở rải rác tại nhiều quận trong TP. Đáng nói hơn, Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định thành lập từ năm 2007 đến nay, nhưng cơ sở toàn thuê mướn tại các quận 7, quận 10, quận Tân Phú. Trường ĐH Hoa Sen đến nay cũng không thoát khỏi tình trạng thuê mướn cơ sở để đào tạo...

Ngay cả những trường được Chính phủ quyết định cho thí điểm tự chủ từ năm 2015, đến nay vẫn không thoát khỏi tình trạng sinh viên phải học nhiều nơi do cơ sở mướn. Điển hình như Trường ĐH Mở TPHCM hiện nay thuê cơ sở đào tạo trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp; Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm thuê cơ sở để đào tạo tại quận Tân Phú, quận 10; Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM thuê cơ sở đào tạo trên đường Phổ Quang.

Hiệu trưởng một trường ĐH chuyên đi thuê mướn cơ sở vật chất thừa nhận: Đúng là việc đi thuê mướn cơ sở vật chất chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của các trường. Cơ sở đi thuê thì các trường không thể nào đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị cho đào tạo. Đã vậy, việc trả tiền thuê mướn cơ sở vật chất cũng chiếm rất nhiều trong chi phí đào tạo. Cũng theo vị hiệu trưởng này, một cái khó nữa là hiện nay TP không cho phép xây dựng trường ĐH, CĐ trong nội thành, nên nhiều trường có đất cũng không thể nào xây dựng được.

Do đó, để giải quyết bài toán “đất cho các trường ĐH, CĐ”, nhiều trường cho rằng nếu trường nào chịu đầu tư, có dự án khả thi và có đất thì Nhà nước nên hỗ trợ. Còn nếu có quy hoạch để di dời các trường ra ngoại thành tập trung thành các khu ĐH, ít nhất phải làm hạ tầng và phải giao đất sạch thì các trường mới an tâm đầu tư. Song song đó, đối với những trường không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định thì Bộ GD-ĐT phải mạnh tay cắt giảm chỉ tiêu để xóa cảnh báo cáo nhiều nhưng toàn đi thuê với mướn.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục