Thanh tra giáo dục - nên đột xuất hay công khai?

Thanh tra giáo dục - nên đột xuất hay công khai?

Liên quan đến vụ một trường mầm non tư thục ở quận 11 bị đoàn kiểm tra của Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM lập biên bản sai phạm, sau đó chuyển hồ sơ về UBND quận 11 xem xét, ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền về hàng loạt sai phạm như cắt xén khẩu phần ăn của trẻ, khai báo số lượng trẻ đang giữ không đúng thực tế, lén di chuyển trẻ qua cơ sở khác khi có phòng GD-ĐT xuống kiểm tra, rất nhiều người đã đặt câu hỏi vì sao những sai phạm trên đã diễn ra trong thời gian dài, Phòng GD-ĐT quận 11 nhiều lần xuống kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm. Chỉ khi phụ huynh gửi đơn phản ảnh khắp nơi, cơ quan báo chí vào cuộc, gian lận mới được phanh phui.

Giờ ăn trưa tại một trường mầm non. Ảnh: MAI HẢI

Lý giải điều này, một đại diện Phòng GD-ĐT quận 11 cho biết, trước đây phòng có tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất, không báo trước hoạt động tại các đơn vị. Tuy nhiên, theo phản ảnh của các trường, kiểm tra đột xuất khiến giáo viên cảm thấy không thoải mái, vừa gây xáo trộn một số hoạt động tại đơn vị vừa khiến việc kiểm tra luôn trong tình trạng giống như lén lút, thiếu tính minh bạch, công khai. Do đó, Phòng GD-ĐT đã chuyển kiểm tra đột xuất, không báo trước thành kiểm tra định kỳ, hoặc có báo trước. Song, đây cũng chính là khe hở khiến một số cơ sở hình thành ý thức đối phó, dẫn đến việc “trường dẫn trẻ đi trốn khi có đoàn đến kiểm tra” như báo chí phản ảnh thời gian qua.   
 
Cũng xoay quanh hoạt động này, mới đây, tại một buổi làm việc giữa Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi với đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM, bà Nguyễn Thị Loan, Trưởng phòng GD-ĐT huyện, cho biết địa phương thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra công tác tiếp phẩm (tiếp nhận và phân loại thực phẩm) tại các trường mầm non công lập và ngoài công lập. Theo đó, tất cả hoạt động kiểm tra này đều không được báo trước để bảo đảm tính khách quan, công bằng giữa các đơn vị. Kết quả sau nhiều năm thực hiện, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường học luôn đảm bảo ở mức cao, bữa ăn của trẻ vừa đạt tiêu chí sạch, an toàn, vừa đảm bảo yêu cầu dinh dưỡng. Tuy nhiên, cũng theo thừa nhận của địa phương, do đây là hoạt động kiểm tra đột xuất, phải xuất phát vào khoảng 5 giờ 30 đến 6 giờ mỗi ngày nên chủ yếu anh em làm bằng tinh thần trách nhiệm, tự động viên nhau chứ chưa có bất kỳ khoản hỗ trợ nào. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị có thêm tiền hỗ trợ để anh em yên tâm công tác nhưng bộ phận tài chính cho biết không thể chi tiền do không có trong quy định.

Qua đó cho thấy đối với hoạt động thanh tra giáo dục, việc nên tổ chức đột xuất hay công khai vẫn phụ thuộc nhiều vào công tác quản lý của mỗi địa phương. Trong đó ở nhiều nơi, trách nhiệm chưa đi cùng quyền lợi khiến việc kiểm tra chỉ mang ý nghĩa tổ chức cho có, thiếu tính thực tế và công bằng giữa các địa phương. Về lâu dài, nhiều quận, huyện kiến nghị TP cần nghiên cứu quy chế tổ chức cũng như quy định tiền hỗ trợ (ngoài các thu nhập từ lương, thưởng, tiền làm thêm ngoài giờ đối với cán bộ, công chức nhà nước căn cứ theo Bộ luật Lao động) đối với hoạt động mang tính đặc thù, đôi khi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm này.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục