Dạy… bạo lực!

Những ngày vừa qua, thông tin về việc cô giáo chủ nhiệm một lớp 4 ở Trường Tiểu học Ninh Sở (huyện Thường Tín, Hà Nội) cho hơn 40 bạn cùng lớp tát học sinh Đỗ Tuấn Linh đến sưng cả mặt khiến dư luận xôn xao, bức xúc. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký công văn gửi Chủ tịch UBND huyện Thường Tín yêu cầu kiểm tra, làm rõ về vấn đề này, đề nghị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức kỷ luật nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm.

Được biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Ninh Sở đã yêu cầu cô Đặng Thị Thúy viết bản tường trình và họp khiển trách, cảnh cáo trước chi bộ. Theo trình bày của cô Thúy, việc cho hơn 40 học sinh trong lớp tát vào mặt em Tuấn Linh để xử lý kỷ luật vì em này chửi bậy. Cô Thúy viết trong tờ trình: “Vào sáng ngày 26-12-2106, học sinh lớp tôi đã xảy ra tranh luận trong giờ ra chơi. Khi tôi bước vào lớp thấy các con trong lớp nhao lên mách bạn Tuấn Linh chửi bậy. Tôi đã gọi lớp trưởng báo cáo lại sự việc đã xảy ra trong giờ ra chơi rồi gọi em Tuấn Linh lên để hỏi cho rõ sự việc. Tôi rất buồn vì lớp 4A của tôi các em vốn ngoan, chăm học, đầu năm tôi đã đăng ký lớp tiên tiến, chi đội vững mạnh. Vậy mà giờ đây lại xảy ra sự việc này…”. Thế nhưng, em Tuấn Linh kể nguyên nhân dẫn đến sự việc lại khác: “Bọn cháu cãi nhau sau đó bạn lớp trưởng nói dối với cô là cháu chửi bạn ấy, cô giáo không hỏi rõ đầu đuôi và cho 43 bạn lên bảng vả vào mặt cháu. Bạn lớp trưởng còn cào vào mặt cháu. Cô giáo bảo là chửi bạn thì cô cho vả như thế nào cũng được”.

Hiện nay, phía nhà trường đã có quyết định tạm đình chỉ công tác giảng dạy, chủ nhiệm đối với cô Thúy, còn hình thức xử lý kỷ luật như thế nào thì đợi kết luận chính thức của huyện Thường Tín.

Nhìn lại toàn bộ câu chuyện, chúng ta không thể tin một giáo viên chủ nhiệm được trang bị kiến thức, kỹ năng sư phạm lại hành xử phản giáo dục như thế. Không chỉ thiếu công tâm, thiếu khách quan (khi chỉ nghe theo lời lớp trưởng để phân xử mâu thuẫn giữa các học sinh), cô còn góp phần gieo rắc hành vi bạo lực cho học trò của mình. Phải chăng, những đứa trẻ mới lớn, tâm hồn còn thơ ngây, trong trắng như tờ giấy sẽ bị dính chàm, dính vết bao lực từ chính môi trường học đường? Lẽ ra, điều các em phải lĩnh hội, phải được rèn giũa trong từng bài giảng, từng hành vi, lối sống chính là bài học yêu thương, nhân văn, giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau, chứ không phải là những cái tát, quả đấm, sự thù hằn chỉ vì những va chạm, mâu thuẫn rất nhỏ.

Các chuyên gia, các nhà giáo dục đang gióng những hồi chuông cảnh báo nạn bạo lực học đường gia tăng, một bộ phận học sinh sống thiếu nhân cách, thiếu chuẩn mực, hành xử, ứng xử rất tệ… Lỗi tại ai? Rõ ràng, một khi việc giáo dục nhân cách bị xem nhẹ và giáo viên thiếu chuẩn mực thì làm sao dạy các em nên người, sống tử tế? Bạo lực sinh ra bạo lực và những cái tát bạn như nêu trên sẽ gieo rắc những điều không tử tế, làm tổn thương tâm hồn học trò.

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục