Kể chuyện bằng tiếng Anh: Cách học vui, hiệu quả

Trong hai ngày 5 và 6-1, hơn 500 học sinh đến từ các trường tiểu học trên địa bàn TPHCM đã có dịp giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh thông qua hội thi “Kể chuyện bằng tiếng Anh có tiểu phẩm minh họa năm học 2016 - 2017” do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức. Đây là năm đầu tiên cuộc thi được tổ chức, bước đầu đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ phía phụ huynh lẫn học sinh.
Kể chuyện bằng tiếng Anh: Cách học vui, hiệu quả

Trong hai ngày 5 và 6-1, hơn 500 học sinh đến từ các trường tiểu học trên địa bàn TPHCM đã có dịp giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh thông qua hội thi “Kể chuyện bằng tiếng Anh có tiểu phẩm minh họa năm học 2016 - 2017” do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức. Đây là năm đầu tiên cuộc thi được tổ chức, bước đầu đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ phía phụ huynh lẫn học sinh.

Thông điệp nhân văn đằng sau mỗi câu chuyện

Mở đầu hội thi năm nay, Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (quận Tân Bình) đã đem đến cho người xem câu chuyện về sự chia sẻ giữa các loài vật sống chung trong một khu rừng. Khi trời quang mây tạnh, mỗi loài có một cuộc sống với những sinh hoạt riêng. Tuy nhiên khi mây đen kéo đến, mưa rơi mỗi lúc một nặng hạt, các con vật đã biết cùng nhau chia sẻ chỗ đứng dưới tán một cây nấm. Những lời động viên, những thăm hỏi ân cần đã giúp các con vật không cảm thấy hoảng sợ dưới mưa. Thế rồi mặt trời cũng ló dạng, những tia nắng ấm áp đầu tiên xuyên qua kẽ lá. Cả khu rừng lại bừng sáng nhờ ánh sáng rực rỡ của cầu vồng. Câu chuyện khép lại với thông điệp “Helping and sharing” - hãy cho đi sự giúp đỡ và chia sẻ, cuộc sống sẽ trở nên tươi đẹp hơn bằng tình cảm ấm áp của những người xung quanh dành cho mình.

Hội thi “Kể chuyện bằng tiếng Anh có tiểu phẩm minh họa năm học 2016 - 2017” do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức.

Tương tự, cũng chọn đề tài về sự sẻ chia, tiểu phẩm dự thi của Trường Tiểu học Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng (quận 3) với tên gọi “Khúc biến tấu của ve và kiến” đã truyền tải thông điệp khi làm việc chung trong một tập thể, không nên thể hiện cái tôi quá lớn mà phải biết lắng nghe, hợp sức, luôn chia sẻ và giúp đỡ mọi người. Thầy Nguyễn Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng, cho biết qua hai vòng thi tuyển cấp trường và cấp quận, trường đã chọn ra đội tuyển tham dự vòng thi cấp thành phố. Thời gian tập luyện chỉ gói gọn trong hai tuần ngắn ngủi nhưng tất cả học sinh đều phấn khởi. Câu chuyện mà đơn vị chọn tham gia hội thi năm nay ngoài hai phần dẫn và kể chuyện còn có một bài ca múa với phục trang là những chiếc áo kiến, đôi cánh ve rất đáng yêu. Chị Thảo, mẹ bé Vĩnh Trọng (bé đóng vai chú kiến út trong tiểu phẩm) cho biết, tham gia cuộc thi, ngoài việc tăng cường đáng kể vốn từ vựng hội thi còn giúp bé học được tinh thần làm việc nhóm, biết lắng nghe, phối hợp với tập thể.
Chọn một hướng đi khác, tiểu phẩm dự thi của Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1) lại lấy kịch bản là nguyên tác một tác phẩm dành cho thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Chuyện kể về một chú mèo và một cậu bé lười biếng, suốt ngày chỉ muốn ngủ, không thích làm gì cả. Chia sẻ với chúng tôi, thầy Bùi Duy Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, cho biết muốn đem đến hội thi chuyện kể của một tác giả người Việt. Tuy ngôn ngữ thể hiện là tiếng Anh nhưng từ nội dung câu chuyện, tên gọi các nhân vật, đạo cụ sử dụng đều gần gũi với đời sống, văn hóa người Việt. Dõi theo câu chuyện, nhiều người xem đã bật cười trước hình ảnh “ông Táo cận thị” bước ra từ gian bếp, thực hiện điều ước cho cậu bé tên Hùng, thay cho hình ảnh bà tiên, ông bụt, ông già Noel trong các chuyện kể phương Tây.

Con đi thi, bố mẹ hồi hộp

8 giờ hội thi mới bắt đầu nhưng ngay từ 7 giờ 30, nhiều phụ huynh đã có mặt để trang điểm, chuẩn bị đạo cụ cho các diễn viên nhí. Song, giây phút hồi hộp nhất không phải là lúc động viên các con trước giờ bước lên sân khấu dự thi mà chính là khi có mặt ở hàng ghế khán giả, dõi tai theo từng câu thoại của các con. Có thể nói một trong những tiết mục để lại nhiều cảm xúc nhất cho phụ huynh lẫn các thành viên ban giám khảo là tiểu phẩm “Cô bé bán diêm” của Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 7). Lựa chọn tác phẩm khá quen thuộc, nội dung tuy không mới nhưng nhờ cách diễn xuất thần, không cần thoại nhiều mà chỉ qua cử chỉ, điệu bộ đã giúp bạn nhỏ đóng vai cô bé bán diêm lấy được nước mắt của không ít người xem. Trên sân khấu, con nhập vai nhân vật nên khóc. Dưới hàng ghế khán giả, mẹ của em cũng khóc theo vì chưa bao giờ nhìn thấy con diễn hay đến thế.

Ở một phần dự thi khác, cả hội trường hoàn toàn im lặng khi bạn nhỏ đóng vai nữ anh hùng Võ Thị Sáu trong tiểu phẩm cùng tên của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (quận 12) cất giọng hào hùng hát to, vang bài Quốc ca. Hay ở tiểu phẩm dự thi “Công chúa Cinderella” của Trường Tiểu học Tân Tạo (quận Bình Tân), do phục trang chuẩn bị hơi cầu kỳ khiến các bạn nhỏ gặp khó khăn khi di chuyển. Nhưng bằng sự hồn nhiên, tự tin theo đúng lứa tuổi của các em, các tiết mục dù mang lại tiếng cười hay lấy nước mắt của người xem đều khiến các “khán giả phụ huynh” rưng rưng xúc động. Chị Mai, một phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (quận 12), cho biết: “Nhờ cuộc thi, tôi thấy con mình lớn hơn nhiều lắm. Tối hôm trước ngày thi, con bị nổi mề đay khiến cả gia đình lo lắng. Nhưng chính bé đã động viên ngược lại ba mẹ, nói con đã hứa với cô thì phải làm thật tốt, không phụ công sức đóng góp của các bạn”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết ngoài mục đích nâng cao kỹ năng nghe - nói tiếng Anh cho học sinh, hội thi còn là cơ hội giúp các em tự tin hơn khi sử dụng tiếng Anh, nâng cao hiệu quả dạy tiếng Anh trong nhà trường. Ngoài ra, hội thi còn tạo thêm chất xúc tác để phát triển văn hóa đọc, góp phần thực hiện cuộc vận động mỗi học sinh đọc ít nhất một quyển sách do ngành giáo dục TPHCM phát động.


THU TÂM

Tin cùng chuyên mục