Khổ vì tăng tiết, chạy đua thi cử

Kết thúc học kỳ 1 năm học 2016-2017, học sinh các cấp ở TPHCM bước vào học kỳ 2 với nhiều áp lực tăng tiết, học thêm và chạy đua cùng thi cử. Xem ra, mục tiêu giảm tải chương trình để tạo thêm cơ hội cho học sinh trải nghiệm thực tế, vui chơi giải trí, phát triển kỹ năng, nhân cách đạo đức… không dễ thực hiện. Đời học sinh sao khổ quá!

Kết thúc học kỳ 1 năm học 2016-2017, học sinh các cấp ở TPHCM bước vào học kỳ 2 với nhiều áp lực tăng tiết, học thêm và chạy đua cùng thi cử. Xem ra, mục tiêu giảm tải chương trình để tạo thêm cơ hội cho học sinh trải nghiệm thực tế, vui chơi giải trí, phát triển kỹ năng, nhân cách đạo đức… không dễ thực hiện.
 
Đời học sinh sao khổ quá!

Mới đây, trong ngày nghỉ Tết Dương lịch 2017, nhiều học sinh lên mạng xã hội bộc bạch nỗi niềm vui sướng tạm quên sách vở, trường lớp, học thêm.

Gương mặt học sinh xuất sắc Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Một nữ học sinh học lớp 11 ở một trường THPT quận 1 chia sẻ: “Được nghỉ học mấy ngày sướng thật! Đời học sinh sao khổ như trâu đi cày vậy! Nào dậy sớm đi học, chạy theo giờ tăng tiết ở trường, bò đến lớp học thêm, khuya về học bài, làm bài tập của giáo viên cho… Cứ phải bò ra học, học, học… từ sáng đến tối khuya, ăn uống qua loa, sức lực cạn kiệt. Mờ mắt vì học, kiểm tra, chẳng có chút thời gian nào rảnh để nghỉ ngơi, vui chơi”. Tương tự, một học sinh đang học lớp chọn một trường THCS cũng thổ lộ niềm vui có chút thời gian thư giãn: “Ôi trời, sung sướng quá! Lâu lắm mình mới có một ngày được ngủ trễ”.

Trong một khảo sát gần đây của học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn về áp lực học hành tại trường lẫn học thêm, nhiều học sinh đã chia sẻ nỗi niềm mệt mỏi, căng thẳng. Có em chỉ ao ước  được thư giãn, có thời gian ngủ một giấc dài và sâu.

Trong dự án “Tôi chọn bình yên” do học sinh lớp 10 và 11 Trường THPT Gia Định thực hiện, nhiều cảnh trong phim cũng tái diễn nỗi khổ triền miên, áp lực học hành mà các em đang phải gánh chịu hàng ngày. Vì thế, các em đã chọn sự bình yên, mong muốn chuyện học, thi cử trở nên nhẹ nhàng, có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái.

Không thể đo đếm được nỗi khổ, áp lực học hành đã và đang đè nặng học sinh các cấp, nhất là học sinh cuối cấp, lớp 12. Chị Mai Lê, nhà ở quận 1, có con đang học lớp 9, cho biết: “Ngay từ đầu năm học nhà trường đã thông báo tăng tiết học thêm ba môn Toán, Văn, Anh văn. Vì thế, thay vì chỉ học một buổi, phụ huynh phải đăng ký cho con học buổi thứ hai với lịch học kín mít từ sáng đến chiều, với 7 - 8 tiết/ngày”.

Mới đây, nhiều học sinh lớp 11 ở Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cũng than thở rằng lịch học của học kỳ 2 tăng tiết quá nhiều môn học. Theo một số em, so với học kỳ 1, nhà trường tăng thêm 13 tiết/tuần. Trong khi nhà trường tăng tiết của các môn khoa học tự nhiên thì môn thể dục lại giảm bớt một tiết nên học sinh thắc mắc.

Khảo sát một số học sinh ở khối 11 và 12 ở trường này và nhiều trường THPT khác trên địa bàn TPHCM cho thấy, các em phải chịu áp lực học hai buổi tại trường, cộng với học thêm ngoài nhà trường rất lớn. Phần lớn học sinh có học lực giỏi đều tham gia học thêm ngoài nhà trường để chuẩn bị bước vào đại học.

Giao quyền cho địa phương chủ động giảm tải

Dự lễ khai giảng đầu năm học 2016-2017 tại Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã lưu ý nhiều nội dung quan trọng mà ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) TP cần thực hiện ngay, trong đó có việc giảm tải nhanh cho học sinh phổ thông, tăng cường giáo dục văn - thể - mỹ trong trường học. Mặc dù trong điều kiện còn khó khăn, thiếu thốn, bó buộc đủ thứ, các trường học ở TPHCM đã quan tâm, chú trọng nhiều hơn đến các hoạt động giáo dục ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo, mở rộng các sân chơi trí tuệ, vui chơi, giải trí, phát triển các câu lạc bộ năng khiếu… Nhưng nhìn tổng thể, những hoạt động trên vẫn còn khiêm tốn và mang tính phong trào nhiều hơn thực chất. Mặc dù Sở GD-ĐT khuyến khích các trường tổ chức buổi học thứ hai để tăng cơ hội cho học sinh phát triển toàn diện, có điều kiện trải nghiệm thực tế, phát huy năng khiếu, sở trường… nhưng chủ trương này đang bị lợi dụng, “hợp thức hóa” bằng tăng tiết, dạy thêm, nhồi nhét kiến thức là chính. Thực tế cho thấy, mục tiêu giảm tải nội dung, chương trình giáo dục phổ thông chưa làm được bao nhiêu và việc tăng tiết, nở rộ dạy thêm dưới nhiều hình thức không kiểm soát được tiếp tục gây căng thẳng, áp lực cho người học.

Thời gian chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2018 đang đến gần. Theo các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT nên chủ động phân cấp, giao quyền cho các địa phương trong việc giảm tải chương trình, trong đó chú trọng giảm lý thuyết, tăng thực hành và tăng thời lượng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, trải nghiệm sáng tạo…

Việc giảm tải chương trình thực sự mang lại hiệu quả khi phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện đạo đức, phẩm chất của người học đổi mới theo hướng tích cực. Theo đó, phải chuyển trọng tâm đánh giá nội dung học tập, kiến thức sang đánh giá phẩm chất, năng lực thực thụ của người học.

Một số hiệu trưởng THPT cho biết: Bộ GD-ĐT hô hào giảm tải nhưng chương trình khung vẫn nặng nề, khối lượng kiến thức cho từng khối lớp vẫn quá lớn, nội dung dàn trải, kiến thức hàn lâm. Hơn nữa, bộ vẫn quy định thời lượng chương trình cứng nhắc đối với 13 môn học. Đó là chưa kể việc kiểm tra, đánh giá vẫn theo lối mòn, học gì thi nấy, nên giáo viên phải cố dạy hết nội dung chương trình, còn học sinh muốn hiểu bài, hiểu sâu, học nâng cao thì phải học tăng tiết, học thêm…

Nhiều giáo viên bậc THCS cũng tâm tư: Ngành GD-ĐT TP kêu gọi đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, nhưng khi ra đề kiểm tra học kỳ, đề thi vào lớp 10 vẫn đòi hỏi kiến thức nâng cao, độ khó nhiều. Như thế, giáo viên nào dám giảm tải nội dung, chương trình.


KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục