Niềm vui chưa trọn

Niềm vui chưa trọn

Tuần qua, các trường tiểu học trên địa bàn TPHCM đã tổ chức lễ sơ kết học kỳ 1. Nhìn chung, sau học kỳ đầu tiên thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 22 (bổ sung và thay thế Thông tư 30 quy định về đánh giá học sinh tiểu học ban hành trước đó), hầu hết giáo viên đều cho biết được trao quyền tự chủ nhiều hơn, trong khi phụ huynh cũng dễ dàng nắm bắt kết quả rèn luyện, phấn đấu của con em mình.

Thông tư 22 giúp phụ huynh dễ dàng nắm bắt kết quả học tập của con em mình


Ngoài một số điểm cải tiến như giảm bớt sổ sách cho giáo viên, quy định mới còn có thêm bài kiểm tra giữa học kỳ 1 và giữa học kỳ 2 đối với hai môn Toán và Tiếng Việt ở khối 4, 5 giúp học sinh có thêm cơ hội hệ thống lại kiến thức, kịp thời điều chỉnh sức học của mình, chuẩn bị cho các bậc học cao hơn. Tuy nhiên, do chỉ bắt đầu có hiệu lực thực hiện từ ngày 6-11-2016 nên các trường không thể thực hiện kịp việc đánh giá giữa học kỳ 1 như quy định. Thêm vào đó, vấn đề sổ sách dù được đánh giá là cải cách hơn rất nhiều nhưng vẫn gây vất vả cho giáo viên.

Một giáo viên tiểu học ở quận 3 cho biết, từ đầu năm học đến hết tháng 10-2016, cách đánh giá học sinh, hồ sơ sổ sách của giáo viên vẫn thực hiện theo Thông tư 30. Nhưng từ tháng 11-2016, sổ sách phải được sửa đổi theo Thông tư 22. Cụ thể, khi tiến hành ghi học bạ cho học sinh, ở phần đánh giá các môn học và hoạt động giáo dục, giáo viên phải tự lấy bút kẻ thêm cột “Mức đạt được” bên trái cột “Điểm kiểm tra định kỳ”. Tương tự, ở phần các năng lực và phẩm chất, giáo viên phải dùng thước kẻ gạch bỏ hai ô “Đạt” và “Chưa đạt”, thay vào đó kẻ thêm cột “Mức đạt được” để lựa chọn giữa ba mức đánh giá là tốt, đạt và cần cố gắng. Ngoài ra, ở cột nhận xét chỉ cần ghi một nhận xét chung cho năng lực hoặc phẩm chất, không cần nhận xét riêng từng tiêu chí như quy định trước đây. Ngoài ra, giáo viên cũng phải gạch bỏ dòng chữ “Yêu gia đình, bạn bè và những người khác”, sau đó ghi vào dòng chữ “Đoàn kết, yêu thương” ở cột “Phẩm chất” theo quy định của Thông tư 22. Tuy chỉ khác nhau về mặt câu chữ nhưng chính sự rối rắm trong tên gọi các mức đánh giá đã tạo thêm khối lượng công việc không hề nhỏ cho giáo viên. Có người đã nói đùa, học bạ trước đây các thầy, cô phải nắn nót ghi từng câu nhận xét, hạn chế tẩy xóa nhưng giờ đây yêu cầu gạch xóa được thực hiện công khai, nhìn chắp vá đến thê thảm. Học bạ trong cùng năm học nhưng cách ghi nhận xét giữa hai tháng đầu và các tháng còn lại không giống nhau, do đó sự liên tục và thẩm mỹ đều không có.  

Ở đây, không bàn đến tính hiệu quả của việc thay đổi, bổ sung một số quy định so với cách đánh giá cũ. Song chính cách ban hành thông tư sửa đổi có phần vội vàng, không tính đến sự ảnh hưởng tâm lý giáo viên (ban hành giữa năm học khiến các địa phương phải gấp rút lên kế hoạch tập huấn, giáo viên mới quen với cách làm cũ đã phải “tiêu hóa” thêm nhiều bổ sung, sửa đổi) khiến việc nhận xét, đánh giá học sinh tiểu học cứ thay đổi xoành xoạch, phụ huynh và học sinh đều cảm thấy rối rắm. Do đó, thay đổi mặc dù theo hướng tích cực nhưng chưa thể khiến người trong cuộc an lòng…

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục