Thực hiện thí điểm tự chủ đại học - Còn nhiều rào cản

Sau một năm được Chính phủ cho thí điểm tự chủ, đến nay 12 trường đại học (ĐH) được “chọn mặt gửi vàng’’ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản mà trong quá trình thực hiện các trường đã bị vướng rất nhiều và cần phải nhanh chóng tháo gỡ.
Thực hiện thí điểm tự chủ đại học - Còn nhiều rào cản

Sau một năm được Chính phủ cho thí điểm tự chủ, đến nay 12 trường đại học (ĐH) được “chọn mặt gửi vàng’’ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản mà trong quá trình thực hiện các trường đã bị vướng rất nhiều và cần phải nhanh chóng tháo gỡ.

Chủ trương đột phá

Theo GS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Nghị quyết 77 của Chính phủ là bước đột phá để cải cách hệ thống giáo dục ĐH công lập Việt Nam. Sau khi trường được cho thí điểm tự chủ, những thuận lợi mà trường có được đó là: Tự chủ điều chỉnh chương trình đào tạo theo chương trình các trường ĐH tiên tiến nhất trên thế giới; tự chủ trong lựa chọn, triển khai ký kết, liên kết đào tạo (có cấp bằng) với các cơ sở giáo dục ĐH nằm trong tốp 1.000 của thế giới; được tăng học phí một cách hợp pháp, tiến tới có toàn quyền quyết định mức học phí tương xứng với chất lượng đào tạo mà trường cung cấp cho người học; tự chủ trong nghiên cứu khoa học...

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM từ khi thực hiện thí điểm tự chủ so với trước đây có sự khác biệt rõ rệt. Ví dụ, tỷ lệ chi cho nghiên cứu khoa học học năm 2014 là 2% thì năm 2015 là 5,1%; hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nghiên cứu khoa học năm 2014 là 2%, năm 2015 là 11%. Sau khi thực hiện tự chủ, kinh phí chi học bổng năm 2015 là 1,62 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần số tiền học bổng theo quy định cũ. Trong năm 2015, trường đã đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập với kinh phí 30,475 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2014...

Sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) trong giờ thực hành tại phòng thí nghiệm

Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) là một trường ĐH non trẻ so với 12 trường được tự chủ của cả nước, nhưng trường là lá cờ tiên phong về đột phá trong cơ chế quản lý tự chủ. Điểm khác biệt của trường so với cả nước là trường công lập sử dụng hoàn toàn tiếng Anh trong đào tạo bậc ĐH và sau ĐH ở tất cả các chuyên ngành cũng như trong công tác nghiên cứu khoa học.

Với những thuận lợi về cơ chế trả lương, trường đã thu hút được nhân lực chất lượng cao từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có số lượng tiến sĩ tốt nghiệp ở những trường danh tiếng của Hoa Kỳ, Anh, Australia, Hà Lan, Thụy Sĩ… Thu nhập bình quân của giảng viên (từ thạc sĩ đến giáo sư) trong trường từ 20 - 64,4 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, số lượng bài báo đăng trên những tạp chí uy tín thuộc hệ thống ISI (Institute for Scientific Information) đạt gần 1 bài báo/giảng viên tiến sĩ/năm. Số lượng bài báo, tạp chí quốc tế đạt tỷ lệ 1,24 bài báo/giảng viên tiến sĩ/năm. Tỷ lệ trung bình công bố khoa học của giảng viên trường đạt 1,73/bài/giảng viên/năm.

Những rào cản phải tháo gỡ

Nhìn từ thực tế khi thực hiện tự chủ, GS Lê Vinh Danh cho rằng vấn đề tồn tại rất lớn là tinh thần của Nghị quyết 77 đã chưa được triển khai đến các bộ, ngành liên quan một cách đồng bộ. Hệ quả là nội dung của nghị quyết chưa được triển khai thành hành động điều chỉnh thông tư, nghị định, văn bản pháp qui ở các bộ, ngành liên quan cho tương thích. Các bộ, ngành liên quan khi đụng việc phải giải quyết với các trường được thí điểm tự chủ vẫn tiếp tục viện dẫn những qui định hiện hành. Trong khi đó, Nghị quyết 77 và các quyết định cho thí điểm là muốn cởi trói, muốn các trường tự chủ, tự quyết và tự chịu trách nhiệm nhằm thúc đẩy sự năng động, bám sát với nhu cầu thực tế thúc đẩy trường phát triển.

Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM cho rằng những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm tự chủ là do hiện chưa có nghị định riêng về cơ chế tự chủ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (mới có dự thảo nghị định). Cho nên, trường cũng gặp lúng túng trong thực hiện các nhiệm vụ như mở ngành đào tạo, phê duyệt đề án liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài, vấn đề tự chủ trong in ấn, cấp phát văn bằng, chứng chỉ…, mỗi lần thực hiện phải hỏi ý kiến Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Trường đề nghị bổ sung quy định về việc quản lý tài chính của các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện giống như một doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp được quản lý như nguồn vốn nhà nước ngoài ngân sách. Ngoài ra, Chính phủ có chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn hoặc ưu tiên cho nhà trường sử dụng vốn vay ODA để nhà trường đầu tư cơ sở vật chất.

Theo TS Nguyễn Thiên Tuế, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, nhà trường đề nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời gian thí điểm tự chủ đến năm 2020 (5 năm) để có đủ thời gian đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện về hiệu quả của việc đổi mới cơ chế hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH công lập.

Từ những vướng mắc trên, GS Lê Vinh Danh đề xuất 2 kiến nghị.

Thứ nhất, Chính phủ kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo các đoàn thể, hệ thống chính trị, các bộ, ngành ngay lập tức điều chỉnh các văn bản dưới luật theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 của Đảng và Nghị quyết 77 của Chính phủ, để không còn cảnh triển khai nghị quyết mới, nhưng vẫn theo cách làm cũ.

Thứ hai, cho phép các trường đã thí điểm và sắp đăng ký thí điểm đề xuất mục tiêu phát triển nhà trường đi kèm với những cơ chế đặc thù, mới, có tính đột phá để thực hiện, rồi duyệt đề án để trường tự làm, tự chịu trách nhiệm, không bị chi phối bởi bất kỳ quy định nào ngoài đề án. Cơ quan chủ quản chỉ quản trị tài sản nhà nước, không quản trị trường ĐH kiểu đơn vị trực thuộc. Hàng năm có tổng kết việc thực hiện đề án và đánh giá hiệu trưởng để quyết định cho tiếp tục đề án hay không, nhằm bảo đảm không chệch hướng.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục