Đào tạo giáo viên vẫn lỗi nhịp

Do đào tạo theo phương pháp cũ, xa rời thực tế, thiếu trải nghiệm cuộc sống, ít thời gian thực tập… nên sinh viên sư phạm ra trường bị hổng và yếu nhiều mặt. Chính vì thế, họ không theo kịp yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng mô hình dạy học tích cực, lấy học sinh làm trung tâm…
Đào tạo giáo viên vẫn lỗi nhịp

Do đào tạo theo phương pháp cũ, xa rời thực tế, thiếu trải nghiệm cuộc sống, ít thời gian thực tập… nên sinh viên sư phạm ra trường bị hổng và yếu nhiều mặt. Chính vì thế, họ không theo kịp yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng mô hình dạy học tích cực, lấy học sinh làm trung tâm…

Đào tạo giáo viên vẫn lỗi nhịp ảnh 1

Không ít cử nhân sư phạm thất nghiệp đến tìm kiếm việc làm tại buổi tuyển dụng của các công ty

Đó là ý kiến của các chuyên gia giáo dục tại hội thảo quốc gia “Đổi mới phương pháp giảng dạy trong các trường sư phạm theo hướng phát triển năng lực người học” do Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức ngày 24-6.

Phân tích thực trạng chậm đổi mới trong các “lò” đào tạo sư phạm, nhiều ý kiến cho rằng cách đào tạo hiện nay vẫn nghiêng về lý thuyết nhiều hơn thực hành. Phần nhiều sinh viên ít được tiếp cận mô hình giáo dục mới, tiên tiến đang triển khai ở các trường phổ thông. Quy định về thời gian thực hành của sinh viên sư phạm quá ít, trong đó đến năm thứ ba mới được thực tập được 4 tuần, năm tư được 6 - 8 tuần. Theo PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TPHCM), suốt 4 năm đại học mà đi thực tế có từng đó thời gian thì làm sao sinh viên sư phạm có thể giỏi, có kỹ năng thực hành, hiểu rõ trường phổ thông. Đào tạo như thế làm sao có được một đội ngũ giáo viên phổ thông năng động, sáng tạo có thể tổ chức lớp học theo mô hình dạy học tích cực, phát triển năng lực học sinh như đặt ra?

Sau khi rời trường sư phạm, nhiều giáo viên chỉ biết dạy, thậm chí còn rất bỡ ngỡ với thực tế và rất yếu về kỹ năng, nhất là kỹ năng giao tiếp với học trò, phụ huynh. Họ cũng thiếu khả năng tổ chức các hoạt động ngoại khóa, xã hội… để phát triển kỹ năng, tư duy sáng tạo cho học sinh. Hạn chế của một số sinh viên là vẫn sử dụng những phương pháp học tập cũ, chăm chỉ lắng nghe và ghi chép bài giảng của giáo viên đầy đủ. Sự thụ động này là rào cản và rất khó phát triển tư duy phản biện của người học cũng như ứng dụng những mô hình dạy học mới. Từ thực tế nghiên cứu, Th.S Trịnh Chí Thâm, Trường ĐH Cần Thơ, nhấn mạnh việc phát triển tư duy phản biện và coi đây là năng lực quan trọng trong hầu hết các cấp học, đặc biệt ở trường ĐH.

TS Phan Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Giáo dục mầm non (Trường ĐH Sư phạm TPHCM), cho biết: “Khi tham gia đánh giá hiệu quả chương trình giáo dục mầm non mới, tôi nhận ra rằng cốt lõi trong đổi mới giáo dục không phải là chương trình mới mà là giáo viên. Nếu giáo viên không đủ năng lực dạy học thì mọi chương trình dù có tốt đẹp đến đâu cũng không đem lại hiệu quả như mong muốn”. Do thiếu năng lực dạy học, không biết cách làm mới bài giảng theo mô hình dạy học tích cực, dạy học theo dự án, lấy người học làm trung tâm, nhiều giáo viên lên lớp như “thợ dạy”, không tạo hứng thú cho học trò. Bao giờ giáo viên thay đổi nhận thức và hành động, lấy học trò làm trung tâm, khơi gợi sự sáng tạo, phát triển tư duy, năng lực của người học?

Chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong đào tạo sinh viên sư phạm, Th.S Nguyễn Thị Hồng Mai, giảng viên Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM, cho rằng phải rà soát lại các chuẩn đầu ra, đánh giá đúng chất lượng đào tạo. Đề xuất giải pháp khắc phục những hạn chế nêu trên, nhiều ý kiến nhấn mạnh sự chủ động, tiên phong của các trường sư phạm trong đổi mới toàn diện từ nội dung, hình thức đến chương trình đào tạo theo hướng phát triển năng lực thực tế của người thầy. Tuy nhiên, dù đổi mới kiểu gì thì yếu tố quyết định họ có thể trở thành người thầy giỏi ở thế kỷ 21 hay không vẫn là ý thức tự học, tự nghiên cứu, hoàn thiện bản thân của sinh viên sư phạm.

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục