Dạy nghề, cần chính sách đồng bộ

Doanh nhiệp (DN) cần lao động có đào tạo nhưng thực tế người lao động thất nghiệp còn nhiều, cơ sở đào tạo nghề không có người học, giáo viên dạy nghề ít kiến thức thực tế, DN không tham gia đào tạo nghề…
Dạy nghề, cần chính sách đồng bộ

Doanh nhiệp (DN) cần lao động có đào tạo nhưng thực tế người lao động thất nghiệp còn nhiều, cơ sở đào tạo nghề không có người học, giáo viên dạy nghề ít kiến thức thực tế, DN không tham gia đào tạo nghề…

Đó là hàng loạt vấn đề trong giáo dục dạy nghề được các chuyên gia đưa ra phân tích tại hội thảo “Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp và khu chế xuất Việt Nam”, do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tại TPHCM ngày 26-5. 

Học viên thực tập trên máy tại Trường Cao đẳng nghề TPHCM Ảnh: HIẾU NGHĨA

 Nghịch lý thừa - thiếu

Theo Tiến sĩ Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, sau 30 năm đổi mới, cả nước hiện nay có khoảng 300 khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) với hơn 2 triệu người đang làm việc. Các KCX-KCN đóng góp 80 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng năm, chiếm 35% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ công nhân có tay nghề cao hiện nay còn yếu kém, bất cập… Thực trạng này dẫn đến nhiều chỉ tiêu trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đạt, tình trạng lao động qua đào tạo ở trình độ cao thất nghiệp nhiều (tính đến tháng 3 -2016, cả nước có 225.000 người có trình độ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp). Trong khi đó, sau 5 năm thực hiện chiến lược đào tạo nghề, tỷ lệ tuyển sinh vào trung cấp nghề, cao đẳng nghề chỉ đạt 53,4% kế hoạch. Nhưng thực tế, nhu cầu tuyển dụng công nhân có tay nghề cao ở các KCX-KCN là rất lớn. Nghịch lý này dẫn đến sản xuất công nghiệp và giá trị sản phẩm công nghiệp ở nước ta còn rất thấp so với các nước trong khu vực, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong môi trường toàn cầu hóa của ta còn nhiều điểm yếu.

Trong khi đó, khảo sát cơ cấu trình độ lao động tại nhiều KCX-KCN, tình hình cũng đáng báo động. Theo Ban Quản lý KCX-KCN TPHCM, hiện có khoảng 280.000 lao động làm việc, nhưng trong đó, số lao động qua đào tạo trình độ đại học, cao đẳng chỉ chiếm 7% - 8%, lao động có tay nghề chuyên môn từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên 18%. Khoảng 75% lao động còn lại là học THCS hoặc THPT chưa qua đào tạo. Các KCN tại Đồng Nai, Quảng Nam, Đà Nẵng… cũng không khác gì so với tình trạng của TPHCM.

Phải có giải pháp đồng bộ

Thực tế cho thấy, cả nước hiện có 1.467 cơ sở đào tạo nghề phủ kín toàn quốc với đội ngũ giáo viên hơn 4.000 người, cơ sở vật chất đã được đầu tư nhiều. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh vào các cơ sở đào tạo nghề hiện gặp nhiều khó khăn, nhiều cơ sở không có người học. Đáng báo động hơn là chất lượng đào tạo nghề vẫn yếu kém, không đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Bàn về giải pháp, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phân tích: Chính sách tiền lương hiện nay không khuyến khích đối với người lao động có tay nghề. Khoảng cách chênh lệch tiền lương giữa lao động phổ thông và lao động có tay nghề qua đào tạo rất nhỏ, chỉ 100.000 - 200.000 đồng. Hơn nữa, DN sử dụng lao động tự xây dựng thang bảng lương lên đến vài chục bậc, mỗi bậc hơn nhau chỉ 20.000 - 25.000 đồng thì chả ai dại gì phải đi học. Chưa hết, DN ký hợp đồng lao động khoảng 5 - 5,6 triệu đồng nhưng thực tế chỉ trả 3,5 - 3,6 triệu đồng, còn lại 2 triệu đồng thì lách đủ kiểu để trốn thuế. Do đó, phải có chính sách tiền lương để ràng buộc DN sử dụng lao động đảm bảo nguyên tắc thị trường, phải buộc DN tham gia vào quá trình đào tạo nghề, chi trả bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo nghề cho người lao động, tránh tình trạng người lao động thất nghiệp rồi khi quay lại lao động lại tiếp tục không qua đào tạo. 

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung học chuyên nghiệp, chúng ta đang lãng phí nguồn lực con người, mỗi năm có khoảng 300.000 học sinh tốt nghiệp THCS không vào THPT, hàng chục ngàn em học lực yếu không qua nổi kỳ thi tốt nghiệp THPT… tham gia vào thị trường lao động nhưng không đi học nghề. Từ thực tế này, TS Hoàng Ngọc Vinh đề xuất Bộ GD-ĐT phải nghiên cứu quy hoạch lại mạng lưới giáo dục và đào tạo, ban hành khung trình độ quốc gia. Đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chương trình học, tăng cường tiếng Anh, phân luồng học sinh THCS và phải tạo cơ chế tự chủ, xóa tư duy cầm tay chỉ việc và xin - cho. Đặc biệt, ông Vinh cũng yêu cầu phải tập trung dạy nghề cho lao động là học sinh THPT vì đây là độ tuổi dễ đào tạo, nhanh nắm bắt thay đổi công nghệ…

TS Lê Hồng Huyên, Vụ trưởng Vụ Xã hội (Ban Kinh tế Trung ương), cho rằng: “Tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế có chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm 20% là rất thấp. Nguyên nhân chính là tình trạng bao cấp trong dạy nghề quá nặng và chưa theo nguyên tắc thị trường”. TS Lê Hồng Huyên kiến nghị phải nhanh chóng đưa Luật Giáo dục nghề nghiệp vào áp dụng, đồng thời giao cho các KCN nhiệm vụ đào tạo chính lao động mình sẽ sử dụng, thay vì thực tế gần như 100% DN sau khi tuyển dụng phải đào tạo lại ở mức trung bình 3 tháng như hiện nay.

GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: Bộ GD-ĐT đang xây dựng và hoàn thiện đề án khung trình độ quốc gia, dựa trên khung tham chiếu các trình độ của các nước trong khu vực và tham khảo các chuẩn chất lượng của quốc tế. Khi thực hiện theo khung trình độ quốc gia sẽ đảm bảo sự minh bạch về chất lượng đào tạo, sự liên thông giữa các bậc đào tạo dễ dàng, thúc đẩy việc trao đổi sinh viên và lao động. Trong đó, điểm nổi bật là hệ thống văn bằng, chứng chỉ nghề nghiệp được các quốc gia trong khu vực và quốc tế công nhận.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục