Phù phép cấp phép đào tạo

Chuyện thật như đùa, hai cơ sở đào tạo tại TPHCM tuyển sinh đào tạo nhiều năm liền nhưng đến năm 2015, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mới ký quyết định thành lập trường.
Phù phép cấp phép đào tạo

Chuyện thật như đùa, hai cơ sở đào tạo tại TPHCM tuyển sinh đào tạo nhiều năm liền nhưng đến năm 2015, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mới ký quyết định thành lập trường. Trong khi đó, Luật Giáo dục đại học (ĐH) lại quy định cơ sở giáo dục ĐH (gồm các học viện, ĐH, trường ĐH, trường cao đẳng - CĐ) được cho phép đào tạo khi có đủ các điều kiện như có quyết định thành lập, có đất đai, cơ sở vật chất…

Công ty hóa thành trường

Năm 2010, Bộ GD-ĐT cấp phép đào tạo cho Trường CĐ Quốc tế Cetana PSB Intellis đào tạo chương trình Diploma (bao gồm các ngành: Quản trị kinh doanh, Quản trị kinh doanh và marketing, Quản trị nguồn nhân lực, Quản trị kế toán) và Advanced Diploma (các ngành Nghiên cứu kinh doanh, Quản trị nguồn nhân lực) bằng tiếng Anh, do Học viện PSB Singapore và Hội đồng thi quốc tế Đại học Cambridge cấp bằng. Chương trình Diploma ngành Quản trị khách sạn bằng tiếng Anh do Học viện PSB Singapore cấp bằng. Sang năm 2012, Bộ GD-ĐT có quyết định đồng ý cho cơ sở đào tạo này thay đổi chương trình Diploma Quản trị du lịch khách sạn, Quản trị tài chính ngân hàng. Đến năm 2014, Bộ GD-ĐT lại ra quyết định cho đơn vị này tiếp tục đào tạo chương trình nói trên.  Trong các quyết định, Bộ GD-ĐT đều kính gửi “Trường CĐ Quốc tế Cetana PSB Intellis” nhưng thực tế đơn vị này là Công ty TNHH Cetana Việt Nam (theo giấy phép của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 18-9-2003). Trước đó, nhiều năm liền công ty này cũng thực hiện quảng bá và xưng danh Trường CĐ Quốc tế Cetana PSB Intellis để tuyển sinh đào tạo trình độ CĐ. Tuy nhiên, đến ngày 30-6-2015, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mới ký quyết định cho thành lập Trường CĐ Quốc tế Cetana PSB Intellis, thời gian hoạt động là 20 năm nhưng… tính từ năm 2003?

Trường CĐ Quốc tế Kent hoạt động từ năm 2003 đến nay nhưng chưa có xây trường mà toàn đi thuê cơ sở vật chất.

Trong khi đó, Trường CĐ Quốc tế Kent cũng được Bộ GD-ĐT ký quyết định cùng ngày 30-6-2015 và cho thời gian hoạt động là 25 năm tính từ năm 2003. Trước đó, trường này chỉ là Công ty TNHH Quốc tế Kent nhưng vẫn được Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) cho phép đào tạo trình độ CĐ từ năm 2008 và cũng đề kính gửi “Trường CĐ Quốc tế Kent”. Được biết, Trường CĐ Quốc tế Kent đang thực hiện chương trình Quản lý nhà hàng khách sạn liên kết đào tạo với một đối tác bên Úc nhưng không báo cáo Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, hiện nay đối tác bên Úc đã ngưng hợp tác và 7 sinh viên này lại được tính chuyển sang một đối tác bên Hoa Kỳ. 

Phớt lờ luật?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cả hai cơ sở đào tạo nói trên cùng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép đầu tư vào Việt Nam từ năm 2003. Từ đó cho tới trước ngày 30-6-2015, chưa có bất cứ quyết định thành lập trường nào của Bộ GD-ĐT cấp.

Ngày 23-11-2006, UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận điều chỉnh giấy phép đầu tư cho Công ty TNHH Quốc tế Kent và năm 2010, UBND TP cấp giấy chứng nhận lần đầu. Tiếp đó, năm 2011, UBND TP cấp giấy chứng nhận thay đổi lần thứ 1 và đến năm 2014 cấp giấy chứng nhận thay đổi lần thứ 2. 

Tương tự, năm 2003, Công ty TNHH Cetana Việt Nam được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép đầu tư. Đến năm 2007, UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận đầu tư và chứng nhận thay đổi lần 1 vào năm 2013. Đến tháng 12-2015, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký thay đổi lần 2.

Bộ GD-ĐT cho phép hai công ty TNHH đào tạo trình độ CĐ liên kết quốc tế

Theo Điều 27 của Luật Giáo dục đại học, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT được quyết định cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo đối với trường CĐ, trường ĐH, học viện, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ và cơ sở giáo dục ĐH có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tại Điều 23 của Luật Giáo dục đại học quy định rất rõ để được cho phép hoạt động đào tạo là cơ sở giáo dục ĐH có đủ các điều kiện như: có quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục ĐH; có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, ký túc xá sinh viên, cơ sở phục vụ giáo dục thể chất đáp ứng yêu cầu hoạt động đào tạo; địa điểm xây dựng bảo đảm môi trường sư phạm, an toàn cho người học, người dạy và người lao động theo nội dung dự án đã cam kết…

Mặt khác, theo Nghị định 73 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục quy định rất rõ: “Thời hạn hoạt động của chương trình liên kết đào tạo không quá 5 năm, kể từ ngày được phê duyệt và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 5 năm”. Tuy nhiên, tính từ năm 2008 đến nay (đã 8 năm) nhưng Trường CĐ Quốc tế Kent chưa hề đăng ký gia hạn chương trình đào tạo với Bộ GD-ĐT.

Giải thích về việc 7 sinh viên đăng ký theo học ngành Quản lý nhà hàng khách sạn theo chương trình liên kết với Trường Evolution (Úc) thì bị đối tác ngưng hợp đồng, bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế Kent, cho biết: “Đúng là có 7 sinh viên đăng ký theo học và chúng tôi đã ký hợp đồng với phía Evolution. Tuy nhiên, sau đó họ đòi phí bản quyền giáo trình từ 200USD/sinh viên lên thành 5.000USD/sinh viên nên chúng tôi không thể đáp ứng nổi và ngưng hợp đồng liên kết. Chúng tôi đã liên hệ và chuyển sinh viên qua một đối tác khác có đại diện tại TPHCM”. Nhưng khi chúng tôi hỏi chương trình liên kết đã được Bộ GD-ĐT cấp phép chưa thì bà Loan cho biết đang xin phép.

Việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào giáo dục là chủ trương đúng. Song dường như việc Bộ GD-ĐT cấp phép cho 2 đơn vị mà suốt từ năm 2003 đến nay chỉ toàn đi thuê mướn cơ sở vật chất và liên tục thay đổi trụ sở để đào tạo trình độ CĐ là quá dễ dãi. Trong khi đó, việc quy định thành lập trường CĐ hay nâng cấp từ trường trung cấp lên CĐ trong nước lại có những quy định rất chặt chẽ. Hai cơ sở mang tên trường CĐ quốc tế từ 2003 đến nay không có nổi một khu đất để xây trường thì quả thật không thể gọi là trường được

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục