Người học, người dạy phải đạt chuẩn để học chương trình tiên tiến

Ngày 30-12, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức tổng kết chương đào tạo theo chương trình tiên tiến (CTTT) giai đoạn 2006 - 2016. Sau 10 năm thực hiện, đề án CTTT đã có những đóng góp tích cực trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, tuy nhiên thành công mới chỉ là bước đầu.
Người học, người dạy phải đạt chuẩn để học chương trình tiên tiến

Ngày 30-12, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức tổng kết chương đào tạo theo chương trình tiên tiến (CTTT) giai đoạn 2006 - 2016. Sau 10 năm thực hiện, đề án CTTT đã có những đóng góp tích cực trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, tuy nhiên thành công mới chỉ là bước đầu.

Tác động lan tỏa

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), đến năm 2012, có 23 trường ĐH triển khai thực hiện đào tạo 35 CTTT của 22 trường ĐH trên thế giới. Đề án đã tuyển được 13.270 sinh viên, mời tổng cộng 1.833 lượt giảng viên nước ngoài đến giảng dạy; bố trí tổng cộng 880 lượt trợ giảng và 275 lượt cố vấn học tập. Đã có 1.903 sinh viên quốc tế đến học tập, thực tập và trao đổi học thuật tại các CTTT. Các CTTT đã có 3.601 sinh viên tốt nghiệp, trong đó 255 sinh viên xuất sắc, 1.307 sinh viên giỏi và 1.707 sinh viên khá. Hầu hết sinh viên tìm được việc làm đúng nghề hoặc học tiếp lên trình độ cao hơn sau 6 tháng tốt nghiệp…

Bộ GD-ĐT cho rằng, sau 10 năm thực hiện, tuy còn một số hạn chế, song đề án đào tạo theo CTTT tại một số trường ĐH Việt Nam đã thành công, hoàn thành hầu hết các mục tiêu đề ra. CTTT đã tác động khá toàn diện đến các hoạt động của trường triển khai theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; mang lại nhiều lợi ích cho giảng viên, cán bộ quản lý và sinh viên của chương trình. Ngoài ra, CTTT cũng đã đào tạo được đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và sinh viên đủ trình độ chuyên môn, tiếng Anh và các kỹ năng cần thiết để tham gia đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế. Đáng chú ý, việc kiểm định CTTT bởi các tổ chức quốc tế, thu hút được giảng viên, nhà khoa học quốc tế đến giảng dạy, làm việc tại Việt Nam và thực hiện trao đổi sinh viên quốc tế đã góp phần đưa giáo dục Việt Nam tiếp cận với chuẩn khu vực và tạo dựng thương hiệu trên trường quốc tế.

Về phía các trường ĐH tham gia đề án, hầu hết đều cho rằng, chương trình hiệu quả và có tác động lan tỏa, mặc dù thời gian đầu triển khai có khó khăn. Đặc biệt, đại diện các doanh nghiệp cũng đánh giá cao chất lượng sinh viên tốt nghiệp CTTT khi làm việc tại doanh nghiệp. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM Vũ Thế Dũng cho rằng, sau thời gian triển khai CTTT, chất lượng chương trình ngày càng được chứng minh, số sinh viên đăng ký học chương trình này tại trường cũng như điểm đầu vào ngày càng tăng. Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải Lương Công Nhớ cũng đánh giá: CTTT đã tạo ra một môi trường học tập mang tính quốc tế, làm động lực đổi mới tư duy cho giảng viên. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú cho biết, một số sinh viên của trường tốt nghiệp CTTT đang làm việc với mức lương cao tại Đức, các em đạt được chứng chỉ làm việc trong môi trường quốc tế. “Nhiều em đăng ký làm giảng viên của trường và cam kết trở về. Khi quay về Việt Nam, các em sẽ là nguồn lực vô vùng quan trọng với nhà trường” - ông Nguyễn Hữu Tú cho hay.

Người dạy phải làm chủ được chương trình đào tạo

Dù kết quả của CTTT được đánh giá cao nhưng tổng kết của Bộ GD-ĐT và các trường ĐH đều cho rằng, thành công của CTTT mới chỉ là bước đầu, rất cần được nuôi dưỡng và tạo điều kiện tiếp theo. Cũng cần xây dựng những đề án tiếp nối để hỗ trợ phát triển bền vững và nhân rộng mô hình trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam. Đặc biệt, việc phát triển đào tạo theo CTTT ở những ngành nhà nước cần nhưng không hấp dẫn người học cần được tính toán. “Cần phải đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; trang bị phòng thí nghiệm chuẩn quốc tế; hỗ trợ kinh phí cho người học… cũng như truyền thông tốt hơn để xã hội hiểu hơn về CTTT”, ông Lương Công Nhớ đề xuất. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú thì cho rằng, muốn CTTT thành công cần khắc phục 3 khó khăn lớn nhất hiện nay là năng lực người thầy, khả năng tổ chức và năng lực tiếng Anh của sinh viên.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để CTTT lan tỏa và bền vững, vấn đề lớn nhất là phát triển được đội ngũ, làm sao làm chủ được chương trình, nội dung đào tạo, muốn thế phải có sự đầu tư lâu dài, bài bản. Ngay bản thân Trường ĐH Ngoại thương, nơi được đánh giá cao về chất lượng đào tạo đại học thì Hiệu trưởng Bùi Anh Tuấn vẫn thừa nhận, đến giờ nhà trường chưa thể làm chủ hoàn toàn CTTT mà phải cần đến sự giúp đỡ của các giảng viên quốc tế. Muốn tự chủ được đào tạo theo CTTT, chắc chắn giảng viên phải đạt chuẩn quốc tế, được đào tạo ở nước ngoài để làm chủ được chương trình. Đội ngũ này sẽ dần thay thế giảng viên nước ngoài.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, tới đây Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát nhu cầu của nền kinh tế, chọn ngành theo hướng tăng cường các ngành công nghệ mũi nhọn, bám sát cuộc cách mạng khoa học công nghệ, ưu tiên 8 lĩnh vực ngành nghề theo thỏa thuận trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN… Đối tượng tham gia là cả trường ĐH công lập và ngoài công lập theo phương thức hợp đồng giao nhiệm vụ, làm sao nhà nước bỏ ra lượng tiền nhỏ nhất nhưng kết quả tốt nhất. Việc chọn ngành, chuyên ngành đào tạo theo CTTT ngoài xuất phát từ năng lực hiện có của nhà trường, đối tác cần quan tâm đến thị trường, dự báo nghề nghiệp. Tránh tình trạng chọn chưa chuẩn, lãnh đạo đơn vị chưa thực sự sẵn sàng triển khai...

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sau khi quy hoạch các ngành, chuyên ngành, sẽ có dự án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho tái cơ cấu nền kinh tế. Bộ GD-ĐT cũng sẽ đẩy mạnh kiểm định, kết hợp với các tiêu chí khác để trong năm 2017 cố gắng ban hành được danh mục những trường có thể trọng điểm đầu tư theo tinh thần đẩy mạnh về tự chủ.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục