Nên xem lại tiêu chí chuẩn hóa chức danh nghề nghiệp

Là giáo viên, chúng tôi đang gồng mình chịu áp lực học, ôn luyện và đi thi để lấy chứng chỉ ngoại ngữ, theo yêu cầu của cơ quan quản lý giáo dục, ban giám hiệu. Vì thế, cảm ơn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã nhìn thấy nỗi khổ của chúng tôi và “thổi còi” chấn chỉnh việc tổ chức học, thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên kịp thời.
Nên xem lại tiêu chí chuẩn hóa chức danh nghề nghiệp

Là giáo viên, chúng tôi đang gồng mình chịu áp lực học, ôn luyện và đi thi để lấy chứng chỉ ngoại ngữ, theo yêu cầu của cơ quan quản lý giáo dục, ban giám hiệu. Vì thế, cảm ơn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã nhìn thấy nỗi khổ của chúng tôi và “thổi còi” chấn chỉnh việc tổ chức học, thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên kịp thời.

Chúng tôi như được tháo bỏ tâm trạng nặng nề khi phải căng mình hoàn thiện đầy đủ các văn bằng, chứng chỉ - nhất là chứng chỉ về ngoại ngữ và tin học để chuẩn hóa trình độ theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Vì chạy theo thành tích tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn hóa cao nên nhiều hiệu trưởng ép giáo viên của mình phải đi học. Thậm chí có lãnh đạo còn nhiệt tình “trải thảm đỏ” mời trung tâm dạy ngoại ngữ, tin học đến tận trường dạy và giáo viên phải bỏ tiền túi ra học với giá hàng triệu đồng/khóa. Thế nhưng, thực chất học thì ít, kiến thức vào chẳng bao nhiêu mà động thái này chỉ là núp bóng, hợp thức hóa bằng cấp là chính.

Việc chạy chứng chỉ  chỉ có lợi cho trung tâm
dịch vụ ngoại ngữ, tin hoc

Việc phù phép chứng chỉ như thế thì chỉ có lợi cho trung tâm dịch vụ dạy, cấp chứng chỉ chứ giáo viên đâu có thực học, thực hành để cải thiện năng lực, trình độ. Thực tế cho thấy, ngay cả những giáo viên có nhu cầu thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì cũng khó lấy được chứng chỉ theo quy định vì yêu cầu đặt ra quá cao. Thậm chí, là bất khả thi với giáo viên lớn tuổi hoặc ở bộ môn khác ngoại ngữ. Vì thế, dù giỏi chuyên môn nhưng để có chứng chỉ, họ sẵn sàng thỏa hiệp với tiêu cực, nhắm mắt để có cái bằng giả. Thông tư liên tịch số 22 và số 23/2015 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ quy định, để được bổ nhiệm giáo viên hạng 1, giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ bậc 3 (chứng chỉ B1 theo khung tham chiếu châu Âu - khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam). Theo than thở của nhiều người, trình độ chuyên môn không khó khăn gì, nhưng để có được chứng chỉ B1 thì vô cùng nan giải. Vì trình độ B1 ở bậc cao, phải thi nghe, nói, đọc, viết tốt mới đậu và may ra thì chỉ có giáo viên trẻ có năng lực mới đáp ứng.

Điều đáng nói là trình độ B1 đang là chuẩn đầu ra của các trường đại học và đầu vào của thạc sĩ. Vậy mà quy định chuẩn hóa chức danh nghề nghiệp lại áp cho tất cả giáo viên hạng 1 thì quá vô lý. Tương tự các quy định đòi hỏi về chứng chỉ tin học áp với giáo viên để chuẩn hóa trình độ, chức danh nghề nghiệp cũng bất hợp lý và rất khó thực hiện. Nếu cần ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới dạy và học thì giáo viên chỉ cần học một số kiến thức, nội dung chương trình phù hợp chứ không cần quy định về số tiết phải học để lấy chứng chỉ. Vì thế, Bộ Nội vụ nên xem xét và điều chỉnh lại các quy định về mã số, chức danh nghề nghiệp cho phù hợp. Tránh tình trạng giáo viên phải chạy đua để hợp thức hóa bằng cấp, chứng chỉ nhưng kiến thức thì bằng không vì chất lượng bồi dưỡng, học không đảm bảo và người học thì đối phó là chính

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục