Hết lòng vì sự nghiệp giáo dục

Ai về quận 12 ngang qua đường Tô Ngọc Vân sẽ nhìn thấy ngôi trường Tiểu học Quới Xuân bề thế, đẹp đẽ, rợp bóng cây xanh, được xây trên một khuôn viên rộng mát. Ngôi trường luôn rộn rã tiếng cười vui của các cháu học sinh khi tiếng trống tan trường. Chắc không ai ngờ rằng, ngôi trường ấy được xây trên mảnh đất vàng giữa đô thị có diện tích 2.800m². Mà chủ nhân của miếng đất đã sẵn lòng hiến trọn để xây trường mà không hề tiếc nuối. Đó là ông Nguyễn Kim Long.

Ông Nguyễn Kim Long, 86 tuổi, cư ngụ tại phường Thạnh Lộc, quận 12, TPHCM. Có thể nói gia đình của ông Nguyễn Kim Long là một gia đình văn hóa mẫu mực, một gia đình nhà giáo nề nếp; là tấm gương về một gia đình lễ giáo, thuận hòa, hiếu thảo, thành đạt. Ông Nguyễn Kim Long có 11 người con thì đã có 9 người theo nghiệp của cha mẹ làm nghề giáo, hầu hết đều làm công tác quản lý giáo dục, còn lại một người nội trợ và người con trai út làm bác sĩ. Hai vợ chồng ông Long nuôi dạy con cái bằng chính sức lao động cần cù của mình, cày sâu cuốc bẫm trên miếng đất ruộng của ông bà để lại, và đồng lương giáo viên của hai vợ chồng.

Năm 1945, hai vợ chồng ông Nguyễn Kim Long tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại quận Gò Vấp, ông Long nhận trách nhiệm là Trưởng ban diệt giặc dốt, còn vợ ông làm giáo viên. Ban ngày, hai vợ chồng lo làm ruộng nuôi con, ban đêm dò dẫm trong đêm tối đi dạy học, không dám đốt đèn đốt đuốc, giặc nó thấy là bắn chết. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng không đêm nào vợ chồng ông Long vắng mặt ở lớp, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng giao. Những người theo học đều là thành phần lao động nghèo, ai cũng phải bươn chải trong cuộc sống. Bởi vậy kêu gọi họ đến lớp là cả một vấn đề không phải dễ. Nhằm tạo cho mọi người thích thú trong học tập, ông Long đã nghĩ ra những phương pháp giảng dạy vừa dễ hiểu, dễ tiếp thu, thoải mái và vui vẻ trong giờ học. Nhờ vậy tạo được sự hưng phấn cho mọi người ham học Nhiều người lớn tuổi sống cố cựu nơi đây, vẫn nhắc nhở đến vợ chồng ông Long, người có công lớn trong công tác xóa nạn mù chữ cho bà con xứ này.

Vào những năm 1959-1960 địch ra sức càn quét dữ dội, truy lùng, bắt bớ cán bộ cách mạng khắp nơi. Để bảo toàn lực lượng, tổ chức yêu cầu ông Long di tản về vùng Bà Chiểu hoạt động. Tại đây, ông ở sát nhà với một cán bộ cách mạng lãnh đạo cấp quận, tuy hai người không trao đổi qua lại, nhưng ngầm biết nhau. Khi địch hạch sách ông về tung tích người cán bộ này, ông Long vẫn một lòng bảo vệ đồng chí mình, không hé lộ một lời, bất chấp hậu quả nghiệt ngã như thế nào. Ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, ông trở về đời thường của người nông dân, nắng mưa cày cấy trên cánh đồng của ông bà để lại. Tổ chức yêu cầu ông tiếp tục tham gia công tác tại địa phương. Xét mình sức khỏe đã yếu, ông chỉ nhận làm tổ trưởng tổ dân phố. Công việc này cũng giống như trước kia ông đi kêu gọi mọi ngươi tham gia học tập diệt giặc dốt.

Một hôm, ông Nguyễn Kim Long gọi đầy đủ các con về để nghe ông quyết định một việc quan trọng. Ông nói là từ lâu do tuổi cao sức yếu, ông không còn làm ruộng nổi nữa, cho người ta thuê lấy lúa ruộng, nhưng có đáng vào đâu. Trong khi tại địa phương mình không có đất để xây trường học, các cháu phải lội bộ đi học thật xa. Do vậy, ông quyết định hiến trọn miếng đất ruộng 2.800m2 cho nhà nước xây trường học. Ông biết các con đều là giáo viên, là những đảng viên gương mẫu sẽ không phản đối việc làm của ông. Quả đúng vậy, các con của ông chẳng những không phản đối mà còn ủng hộ việc hiến đất xây trường học và rất tự hào về việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của cha mình.

NGUYỄN TƯỜNG LỘC

Tin cùng chuyên mục