Giảm chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm ngay từ năm 2017

Giảm chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm ngay từ năm 2017

Vừa qua tại Hà Nội, Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Bộ GD-ĐT và Trường Đại học sư phạm Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “70 năm sư phạm Việt Nam đổi mới và phát triển”. Nhiều vấn đề trong đào tạo giáo viên đã được đặt ra, coi đó là điều kiện tiên quyết để đổi mới giáo dục thành công.

Mỗi giáo viên đều phải tham gia đổi mới giáo dục

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho biết, 70 năm qua, ngành sư phạm đã không ngừng lớn mạnh và phát triển. Từ một vài cơ sở đào tạo giáo viên đầu tiên, đến nay, cả nước đã có 118 cơ sở đào tạo giáo viên, là các trường sư phạm, cơ sở đào tạo đa ngành có khoa, ngành đào tạo sư phạm. Hiện cả nước có hơn 1,2 triệu nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Giảm chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm ngay từ năm 2017

Các ý kiến tại hội thảo đều khẳng định, trong thời đại mới, ngành sư phạm cần có những đổi mới mạnh mẽ. Kinh tế thị trường phát triển mạnh, tuyển sinh vào các trường sư phạm gặp khó khăn, lương nhà giáo thấp. Ngoài ra, chất lượng của đội ngũ giáo viên cũng có vấn đề như chưa đạt chuẩn, có vấn đề về đạo đức... Những vấn đề này nếu không được giải quyết sẽ khó thực hiện thành công Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Nhiều ý kiến cho rằng, cần đổi mới căn bản công tác đào tạo giáo viên ở các khoa, trường sư phạm theo tinh thần nghị quyết Đại học XII của Đảng. Như vậy, vấn đề đặt ra là làm cách nào để cho mỗi trường phổ thông, mỗi giáo viên đứng lớp đều có thể tham gia vào quá trình đổi mới.

Tại hội thảo, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã có bài tham luận đáng chú ý. Theo bà, giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu, tuy nhiên trên thực tế dường như “nói vậy không phải vậy”, thể hiện chi ngân sách cũng như đất đai dành cho giáo dục chưa nhiều. Cùng với đó, dường như giáo dục vẫn lúng túng vì chưa có triết lý giáo dục rõ ràng. Đặc  biệt, bà Nguyễn Thị Bình cho rằng, đã đến lúc phải rung lên hồi chuông báo động về vấn đề giáo dục nhân cách. Trên thế giới, triết lý giáo dục phổ biến là dạy và học để làm người. Chỉ khi biết “làm người”, nghĩa là có nhân tính, thì mới có thể có cái khác, còn nếu không gây tai họa cho xã hội hoặc chẳng làm được gì cả. Không thể để nhà trường tiếp tục giáo dục học sinh, sinh viên chạy theo mục tiêu thi cử mà quên lãng vấn đề cốt lõi: giáo dục nhân cách. Bởi vậy về mục tiêu giáo dục, cần khẳng định, đối với tất cả các cấp học, dạy làm người theo những giá trị nhân bản của dân tộc và nhân loại để mỗi thanh niên đều nên người (với tư cách là người học, người lao động, người công dân), phải là mục tiêu ưu tiên số một của mọi nhà trường, mọi cấp học.

Không cấp phép đào tạo giáo viên cho trường không đủ điều kiện

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của các trường sư phạm đang là vấn đề mà ngành giáo dục tập trung thực hiện. Bộ GD-ĐT cũng đã quyết định nhiều giải pháp quan trọng cho đào tạo giáo viên trong thời gian tới, trong đó có giảm lượng nâng chất. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm nhằm tạo ra một hệ thống trường sư phạm có chất lượng với vai trò đầu tầu của một số trường có tính chất trọng điểm quốc gia, các trường còn lại sẽ đóng vai trò như là vệ tinh hoặc phân hiệu của các trường trọng điểm. Không cấp phép đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho các trường không đủ điều kiện. Đề án quy hoạch mạng lưới trường sư phạm sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-4-2017.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TPHCM điều tra dự báo nhu cầu người học từ cấp học mầm non đến trung học phổ thông trong 10 năm tới, từ đó có kế hoạch điều tiết quy mô tuyển sinh cho phù hợp. Cùng với đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đại học sư phạm và Học viện Quản lý giáo dục tự rà soát chỉ tiêu tuyển sinh, số sinh viên tốt nghiệp, số sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm, số giáo viên dư dôi trong 5 năm gần đây; nghiên cứu đề xuất phương án giảm chỉ tiêu tuyển sinh ngay từ năm 2017. Đồng thời đề xuất phương án nâng cao chất lượng đầu vào tuyển sinh theo phương thức ưu tiên tuyển thẳng các học sinh phổ thông giỏi, học sinh các trường chuyên. Bộ GD-ĐT sẽ có phương án tuyển sinh năm 2017 cho các trường sư phạm.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục