Quy chế thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH-CĐ năm 2015: Hướng tới tạo thuận lợi cho thí sinh

Liên quan đến quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 và quy chế thi ĐH-CĐ hệ chính quy, ngày 27-2, thông tin thêm về vấn đề này, PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ sớm công bố các cụm thi do trường đại học chủ trì để tổ chức thi cho thí sinh có nguyện vọng lấy kết quả xét tuyển ĐH-CĐ.

Liên quan đến quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 và quy chế thi ĐH-CĐ hệ chính quy, ngày 27-2, thông tin thêm về vấn đề này, PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ sớm công bố các cụm thi do trường đại học chủ trì để tổ chức thi cho thí sinh có nguyện vọng lấy kết quả xét tuyển ĐH-CĐ.

Không làm tròn điểm thi

Liên quan đến quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia, về vấn đề cụm thi, sẽ có cụm thi liên tỉnh do trường ĐH chủ trì cho các thí sinh vừa thi tốt nghiệp vừa xét tuyển vào ĐH-CĐ. Đối với thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT sẽ thi tại trường hoặc liên trường THPT của tỉnh do sở GD-ĐT chủ trì, có sự phối hợp của các trường ĐH. “Các em sẽ được cung cấp thông tin đầy đủ, đồng thời được hướng dẫn chi tiết để làm thủ tục đăng ký dự thi. Việc tổ chức cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ tạo thuận lợi hơn cho các em dự thi so với những năm trước đây, nhất là với các thí sinh dự thi để xét tuyển ĐH-CĐ”, ông Mai Văn Trinh cam kết.

Cũng theo quy chế này, nếu được miễn thi môn ngoại ngữ thì thí sinh sẽ được lấy điểm 10 để xét tốt nghiệp THPT, còn để xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ có môn ngoại ngữ thì thí sinh phải thi môn ngoại ngữ và sử dụng kết quả thi môn ngoại ngữ để xét tuyển theo quy định của trường. Với việc giữ nguyên thang điểm 10, trước đây điểm từng bài thi không làm tròn, nhưng sau khi cộng tổng điểm ba môn sẽ được làm tròn đến điểm lẻ là 0,5 điểm. Nhưng theo quy định của kỳ thi THPT quốc gia, để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường xét tuyển thì điểm thi của từng môn không làm tròn và tổng điểm thi của các tổ hợp môn thi cũng không làm tròn.

Cân nhắc kỹ thì khả năng trúng tuyển nguyện vọng 1 rất lớn

Theo quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2015, để tạo thuận lợi cho thí sinh, khác với những năm trước đây, năm nay, mỗi thí sinh sẽ nhận được 4 giấy chứng nhận kết quả thi. Với mỗi giấy chứng nhận kết quả, các em được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 4 ngành/nhóm ngành khác nhau của một trường. Nói thêm về điều này, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT cho rằng, sau khi có kết quả thi, trước hết thí sinh phải cân nhắc chọn một trường mà thí sinh mong muốn được vào học nhất, nhưng lại phải phù hợp với kết quả thi của thí sinh. Tiếp theo, phải cân nhắc lựa chọn tối đa 4 ngành của trường đó để đăng ký theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Ông Nghĩa lưu ý thí sinh không nên chọn ngành mà mình không muốn học, vì nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1 thì sẽ không được quyền đăng ký nguyện vọng bổ sung.

Về cơ bản, nếu có sự cân nhắc kỹ càng thì khả năng trúng tuyển nguyện vọng 1 rất lớn. Trường hợp không trúng tuyển thì mới dùng đến các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Việc đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung giống hoàn toàn với các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung của năm 2014, nhưng sẽ có nhiều cơ hội hơn, vì tối đa các em có 12 nguyện vọng (3 giấy xác nhận kết quả thi, mỗi giấy có thể đăng ký tối đa 4 nguyện vọng).

Ông Mai Văn Trinh cho rằng, so với những năm trước đây, năm nay, các thí sinh dự thi để tuyển sinh ĐH-CĐ có nhiều thuận lợi hơn. đơn cử thí sinh chỉ dự thi một lần, nhưng kết quả được sử dụng tổ hợp thành các tổ hợp môn thi khác nhau để xét tuyển sinh ĐH-CĐ và chỉ phải di chuyển khoảng cách ngắn hơn so với những năm trước đây; sau khi có kết quả thi, các em mới đăng ký xét tuyển, nên có cơ sở để lựa chọn ngành/trường phù hợp. Đặc biệt, ở đợt xét tuyển đầu tiên (đợt 1), trong thời gian 20 ngày, thí sinh được phép thay đổi nguyện vọng xét tuyển (các năm trước, thí sinh không được quyền thay đổi). “Thay đổi này sẽ khó khăn hơn cho các trường, nhưng thuận lợi hơn cho thí sinh. Điều chỉnh này là sự cố gắng lớn của Bộ GD-ĐT và các cơ sở giáo dục ĐH, hướng tới tạo thuận lợi cho thí sinh”, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh. Nói thêm về điều này, ông Trần Văn Nghĩa cho biết, khác với việc đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1, khi đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh có thể đồng thời sử dụng cả 3 giấy xác nhận kết quả thi để đăng ký vào 3 trường khác nhau. Mỗi trường có thể đăng ký tối đa 4 nguyện vọng.

Liên quan đến vấn đề ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH-CĐ (điểm sàn), ông Mai Văn Trinh cho biết, sau khi có kết quả Kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ căn cứ vào kết quả thi, chỉ tiêu tuyển sinh, các đối tượng ưu tiên... để xây dựng và công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH-CĐ. Trên cơ sở đó, các trường ĐH-CĐ xây dựng phương án xét tuyển sao cho điểm trúng tuyển không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng nói trên.

LÂM NGUYÊN

>> Quy chế thi năm 2015: Giữ thang điểm 10

Tin cùng chuyên mục