Nên điều chỉnh thời gian thi THPT quốc gia vào đầu tháng 6

Sáng 25-11, tại TPHCM diễn ra Hội nghị giao ban giáo dục - đào tạo của 5 thành phố trực thuộc Trung ương (vùng 7) gồm TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận. Hội nghị đã đánh giá về việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành như nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xã hội hóa giáo dục…

(SGGP).- Sáng 25-11, tại TPHCM diễn ra Hội nghị giao ban giáo dục - đào tạo của 5 thành phố trực thuộc Trung ương (vùng 7) gồm TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận. Hội nghị đã đánh giá về việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành như nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xã hội hóa giáo dục…

Riêng TPHCM và Hà Nội đã chú trọng đầu tư phát triển mạng lưới trường học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại trường lớp, tạo môi trường học đường khang trang. Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các địa phương cũng đẩy mạnh, tăng nhanh về số lượng trường đạt chuẩn và đăng ký công nhận. Hội nghị cũng bàn thảo nhiều vấn đề nóng như đổi mới công tác quản lý, tuyển dụng giáo viên, hướng đến bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, góp phần kéo giảm tình trạng dạy thêm, học thêm; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách cho giáo dục…

Chiều cùng ngày, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo góp ý về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 với sự tham gia của đại diện của 5 Sở GD-ĐT (TP Hà Nội, TPHCM, TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ). Bên cạnh việc đánh giá ưu điểm, thành công cơ bản của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 (đạt mục tiêu đề ra, đảm bảo sự nghiêm túc, công bằng, giảm áp lực, giảm chi phí cho xã hội), nhiều ý kiến cũng nêu những mặt tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong khâu tổ chức, nhân sự, kỹ thuật,… Về cách thức xét tuyển, một số ý kiến đề nghị các nguyện vọng (NV) đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ nên điều chỉnh thời gian ngắn hơn. NV1 chỉ nên cho thí sinh điều chỉnh 1 lần, vào một thời điểm nhất định. Cần rút ngắn thời gian xét tuyển của các NV để tránh tình trạng lộn xộn, bát nháo thay đổi NV nhiều lần như kỳ thi vừa qua. Bên cạnh đó, cần cải thiện, nâng cấp phần mềm quản lý dữ liệu thi; bố cục đề thi cần phân hóa mạnh hơn để phân loại rõ trình độ khá - giỏi. Để tránh tình trạng bị động, cập rập như năm trước, quy chế kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 cần được ban hành sớm hơn và điều chỉnh thời gian thi vào đầu tháng 6…

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT cho biết Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp trên đây và sẽ xem xét điều chỉnh phù hợp với mục tiêu đổi mới kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.

Khánh Bình

Tin cùng chuyên mục