Vì sao Bộ GD - ĐT cho trường ngoài công lập đào tạo y, dược?

Dư luận đang xôn xao về quyết định của Bộ GD - ĐT cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo ngành y đa khoa và ngành dược học trình độ đại học hệ chính quy. Đáng chú ý, đây là trường đại học ngoài công lập, đào tạo đa ngành, lại được cấp phép đào tạo ngành y dược -vốn là ngành đang bị hạn chế cấp phép.
Vì sao Bộ GD - ĐT cho trường ngoài công lập đào tạo y, dược?

Dư luận đang xôn xao về quyết định của Bộ GD - ĐT cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo ngành y đa khoa và ngành dược học trình độ đại học hệ chính quy. Đáng chú ý, đây là trường đại học ngoài công lập, đào tạo đa ngành, lại được cấp phép đào tạo ngành y dược -vốn là ngành đang bị hạn chế cấp phép.

Quyết định do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga ký ghi rõ: cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo trình độ đại học, hệ chính quy ngành y đa khoa, mã số: 52720101; dược học, mã số: 52720401. Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của các ngành trên nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của trường. Việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 19-11-2015.

Điều đáng nói là, trước đó, đầu tháng 12-2014, Bộ GD-ĐT có công văn về việc tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ đại học các ngành  y đa khoa, răng hàm mặt, y học cổ truyền và trình độ cao đẳng, đại học đối với ngành dược học tại các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành y dược. Quyết định này đưa ra có sự thống nhất của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế nhằm thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học lĩnh vực khoa học sức khỏe, nâng cao chất lượng đội ngũ thầy thuốc phục vụ sức khỏe nhân dân. Quyết định này cũng nằm trong bối cảnh Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học y dược Việt Nam đã từng họp và phản ánh việc nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh số lượng khá lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế, dẫn đến điểm tuyển sinh vào các trường ngoài công lập rất thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Vì vậy, quyết định cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo trình độ đại học, hệ chính quy ngành y đa khoa, dược học đã gây xôn xao dư luận, bởi đây là trường đầu tiên được phép đào tạo ngành y dược trở lại sau quyết định tạm dừng hồi đầu tháng 12 -2014 của Bộ GD-ĐT; lại là một trường đại học ngoài công lập, tên gọi dường như không liên quan tới ngành học y dược.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội )

Trao đổi với báo chí ngày 25-11, ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khẳng định, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cho hai ngành đào tạo mới này đã được nhà trường chuẩn bị đầy đủ. Trưởng khoa là các giáo sư đầu ngành. Đội ngũ cán bộ giảng dạy đều có chuyên môn sâu trong lĩnh vực, đã từng giảng dạy tại Trường ĐH Y Hà Nội và làm việc tại các bệnh viện của Hà Nội. Nhà trường đã chuẩn bị hồ sơ, thủ tục xin đào tạo hai ngành này suốt 3 năm nay. Các đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT, Sở Y tế, Sở GD-ĐT đã về trường thẩm tra các điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Trường đảm bảo các yêu cầu theo đúng quy định thì mới có được quyết định đào tạo.

Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, y dược là ngành đặc thù nên Bộ GD-ĐT rất thận trọng. “Trước đây 2 năm, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội làm hồ sơ trình, nhưng tháng 12-2014, Bộ GD-ĐT có chủ trương giảm thiểu đào tạo y dược ở các trường đa ngành nên chưa xem xét” - bà Phụng cho biết. Cũng theo bà Phụng, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã xây dựng cơ ngơi khang trang với gần 80 tỷ đồng và tuyển dụng đội ngũ giảng viên hùng hậu, có chuyên môn nên đề nghị cả hai Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã chỉ định các đơn vị thuộc hai bộ thẩm định trực tiếp. Điều kiện của trường đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế và Bộ Y tế có công văn đồng ý cho mở ngành. Bộ GD-ĐT ra quyết định để thực hiện xã hội hóa, trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng đã được cơ quan quản lý ngành xác nhận.

Trao đổi với phóng viên SGGP, Thứ trưởng Bùi Văn Ga, người ký quyết định cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo trình độ đại học, hệ chính quy ngành y đa khoa, dược học cũng khẳng định, trường đáp ứng đầy đủ các điều kiện của 2 bộ GD-ĐT, Y tế về mở ngành y dược. “Việc thẩm định là do liên bộ Y tế, GD-ĐT thực hiện chứ không giao Sở GD-ĐT Hà Nội làm. Trường đã chuẩn bị kỹ điều kiện trong suốt 3 năm nay, cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giảng viên có chuyên môn lên tới 47 người, lại có cam kết của các bệnh viện cho sinh viên đến thực tập, vì vậy đủ cơ sở để cho mở ngành. Chính Bộ Y tế sau khi thẩm định cũng đã có công văn đề nghị Bộ GD-ĐT cấp phép đào tạo cho trường” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.

Vẫn theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đào tạo ngành y, dược hết sức đặc thù nên Bộ GD-ĐT chỉ cấp phép sau khi có thẩm định của liên bộ cũng như có ý kiến chấp thuận của Bộ Y tế. Đây là trường đầu tiên được cấp phép đào tạo trở lại đào tạo chuyên ngành y dược. Tới đây cũng sẽ hạn chế việc mở ngành đào tạo này, bởi thực tế có rất ít trường đầu tư đủ điều kiện để có được sự chấp thuận của Bộ Y tế. “Chúng tôi không phân biệt trường công lập hay trường ngoài công lập, trường đa ngành hay trường chuyên ngành, miễn là đáp ứng đủ điều kiện thì sẽ được xem xét cho mở ngành đào tạo” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định. Ông Ga cũng cam kết: “Bộ GD-ĐT đã thẩm định rất kỹ khi đưa ra quyết định này, bảo đảm không có gì sơ suất. Trong quá trình đào tạo, Bộ cũng sẽ tăng cường giám sát, nếu  trường không bảo đảm điều kiện đào tạo như cam kết sẽ bị xử lý”.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục