Khi nhà là lớp học

Khi nhà là lớp học

Homeschooling  (học tại nhà) đang là một trong những cụm từ được tìm kiếm nhiều nhất trên diễn dàn của các bậc phụ huynh. Việc một đứa trẻ không đến trường, chỉ học tập ở nhà là điều không mới đối với thế giới nhưng khi đến Việt Nam, mô hình này không khỏi gặp nhiều vướng mắc.

Giá trị riêng

Homeschooling ra đời khoảng cuối thập niên 1960 từ trào lưu đòi cải cách giáo dục ở Mỹ của những người tin rằng trẻ em sẽ học hành tốt nhất khi được giải phóng khỏi sự cứng nhắc của nền giáo dục chính quy và được phép theo đuổi sở thích riêng. Một bộ phận khác là những gia đình truyền thống vì lo ngại rằng hệ thống trường công không còn bảo đảm được sự hình thành nhân cách đúng mức cho con em họ, và trào lưu giành lấy việc dạy con ra khỏi tay nhà trường bắt đầu. Ứớc tính hiện nay ở Mỹ có khoảng 2 triệu trẻ em không đến trường mà được cha mẹ dạy tại nhà, ở Anh có khoảng 100.000 trẻ, ở Australia và New Zealand có tổng cộng chừng 30.000 trẻ. Homeschooling bắt đầu đến với Việt Nam từ những bậc phụ huynh mong muốn có một hình thức giáo dục mà theo họ phù hợp với con cái mình. Mong muốn này có thể xuất phát từ việc sau một thời gian dài du học tiếp xúc với mô hình Homeschooling hoặc có kế hoạch cho con đi du học cùng với các nguyên nhân khác như điều kiện về kinh tế, đặc tính công việc, chỗ ở của gia đình thường xuyên di chuyển hoặc do trẻ có đôi chút đặc biệt và tâm lý.

Ở những năm đầu đời, việc học ở nhà tạo điều kiện cho bé phát huy mọi sở trường

Chị Huỳnh Mai Thủy (quận 12, TPHCM), giáo viên dạy tiếng Anh tại một trung tâm có nhiều đồng nghiệp là người nước ngoài từng học tại nhà thành công, chia sẻ: “Lúc đầu, do công việc của cả tôi và chồng đều có giờ giấc tự do nên tôi muốn dành thời gian giáo dục và gắn bó với con trong những năm tháng đầu đời. Sau này tìm hiểu kỹ hơn về homeschooling và được sự hỗ trợ những người bạn nước ngoài từng tự học ở nhà nên gia đình tôi quyết định giáo dục con tại nhà”. Chị Thủy cho biết, quan trọng nhất là thời gian dành cho con, còn lại thì có rất nhiều tài liệu, sách vở trên mạng hỗ trợ việc học của trẻ ở nhà. Đối với những cha mẹ còn bỡ ngỡ với homeschooling, trên mạng cũng có những khóa học hướng dẫn từng bước về cách thiết kế bài giảng phù hợp cho con, tùy theo từng lứa tuổi.

Ngoài việc giảm áp lực học tập thi cử, nhiều phụ huynh cho rằng homeschooling đã đáp ứng được hai yếu tố quan trọng là tác động sâu xa đến việc học tập cũng như thúc đẩy tối đa năng lực riêng biệt của mỗi cá nhân. Chị Nguyễn Thị Hương (quận 5) từng du học tại Mỹ, có hai con gái 4 và 6 tuổi đều đang học ở nhà với mẹ. Chị Hương chia sẻ: “Trước hết, tôi phải tìm hiểu thật kỹ về homeschooling, sau đó dành nhiều thời gian bên con để quan sát, lắng nghe và thấu hiểu những sở trường, sở đoản của con. Do cộng đồng homeschooling chưa nhiều nên việc khó nhất là tạo một sân chơi lớn để trẻ dễ dàng hòa nhập với cộng đồng. Tôi khắc phục vấn đề này bằng việc cho cháu học các khóa theo năng khiếu và sở trường của cháu, kết hợp với các chuyến du lịch để cháu có thêm nhiều trải nghiệm thực tế, đó cũng là một cách học tập hữu hiệu”. Vì thế, dù sống ở thành phố, nhưng các con của chị Hương lại khá am hiểu về động vật, cây cỏ vì hay theo chân mẹ trong các chuyến du lịch khám phá thiên nhiên. Ngoài giờ học ở nhà, con lớn nhà chị đang học múa ở Nhà văn hóa Thiếu nhi thành phố, còn bé nhỏ đang theo học lớp kỹ năng âm nhạc .

Những điều kiện cần

Ở Mỹ, với lịch sử phát triển lâu đời, homeschooling đã được pháp luật công nhận. Mỗi tiểu bang có quy định riêng về số ngày học và các nội dung tổng quát mà gia đình tự dạy con phải đảm bảo. Các quy định pháp lý kêu gọi những phụ huynh tự dạy con nên có sổ theo dõi sự tiến bộ của con em mình giống như học bạ ở trường. Thị trường sách giáo khoa được thiết kế riêng cho phương pháp này đang ngày càng phát triển mạnh ở Mỹ và vì học sinh ở Mỹ không phải thi lên lớp nên việc giáo dục tại nhà được công nhận như giáo dục ở các trường phổ thông. Vì thế ngày càng có nhiều phụ huynh lựa chọn phương pháp này và nhiều hội nhóm, tổ chức homeschooling được thành lập, các gia đình thường xuyên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoặc cùng tổ chức các chuyến dã ngoại, thăm bảo tàng, thư viện hay mở chung một lớp cho các em lớn hoặc các môn khó. Một điều thú vị nữa là những gia đình lựa chọn phương pháp này thường sinh 3-4 con nên việc dạy con tại nhà lại càng tiện lợi vì các con cũng có “bạn học”, mà bố mẹ thì không phải đưa đón con đi học mỗi ngày. Tất cả những điều kiện trên đã giải quyết được tính pháp lý và nhu cầu giao tiếp của việc học ở nhà.

Còn ở Việt Nam thì sao? Theo Ths. Kim Thị Dung, nguyên Phó khoa Giáo dục Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM: “ Môi trường xã hội ở Việt Nam thực chất vẫn chưa đủ điều kiện cần để homeschooling phát triển. Khi những quy định chung nhất về việc học ở nhà chưa ra đời và việc không hiểu thấu đáo về phương pháp này có thể dẫn đến những thiếu hụt về tâm lý cũng như sai lệch về kiến thức. Tài liệu về homeschooling chủ yếu được các phụ huynh lấy từ những trang web hướng dẫn của nước ngoài, do đó phần kiến thức về văn hóa, lịch sử ở Việt Nam hoàn toàn vắng bóng. Do đó,  việc cho các con học ở nhà sẽ không có cơ sở để xác nhận. Ngay cả với lộ trình của các gia đình chuẩn bị cho con du học thì trẻ cũng cần được giao tiếp xã hội, có bạn bè, được tham gia các hoạt động ngoại khóa. Trong những năm tháng đầu đời, việc cho con tham quan sở thú hay công viên để thực hành những bài học về thiên nhiên tương đối đơn giản, nhưng đến những cấp học cao hơn thì bài tập về vật lý, hóa, sinh sẽ khó tổ chức thực hành vì điều kiện đơn lẻ trong việc dạy con tại nhà ở Việt Nam do các gia đình homeschooling ở Việt Nam vẫn chưa trở thành một cộng đồng có thể liên kết để hỗ trợ nhau được”.

NHƯ Ý

Tin cùng chuyên mục