Cần những công trình giải quyết vấn đề lớn của đất nước

(SGGP).- Ngày 27-1, Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG) tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và phát triển. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Võ Văn Thưởng cùng đại diện các bộ, ngành đã đến tham dự.
Cần những công trình giải quyết vấn đề lớn của đất nước

Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập ĐHQG TPHCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:

(SGGP).- Ngày 27-1, Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG) tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và phát triển. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Võ Văn Thưởng cùng đại diện các bộ, ngành đã đến tham dự.

Theo PGS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG, sau 20 năm thành lập và phát triển, cùng với sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi của Đảng và Chính phủ, ĐHQG đã trở thành hệ thống giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực và trung tâm khoa học công nghệ lớn nhất của cả nước. Hiện ĐHQG có 6 trường ĐH thành viên, các khoa, trung tâm, viện trực thuộc với 5.600 cán bộ, giảng viên, trong đó hơn 3.400 giảng viên, cán bộ nghiên cứu có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Quy mô đào tạo hiện nay của ĐHQG có hơn 60.000 sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và mỗi năm cung ứng cho xã hội hơn 15.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ…

Song song với đào tạo, ĐHQG đã hình thành hơn 20 nhóm nghiên cứu khoa học với nhiều giáo sư đầu ngành có thể tiếp cận trình độ khu vực và thế giới trong các lĩnh vực thiết kế vi mạch, robot công nghiệp, vật liệu polymer-composite, tế bào gốc. Nhiều chương trình đào tạo đã được thế giới công nhận đạt chuẩn quốc tế.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng Đại học Quốc gia TPHCM chữ “Trí” tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập. Ảnh: Mai Hải

Biểu dương những thành quả của ĐHQG, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Là một ĐH trọng điểm của quốc gia, ĐHQG TPHCM phải đi đầu thực hiện sáng tạo, có hiệu quả cao các mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Trung ương đã đặt ra”. Theo hướng đó, Chủ tịch nước yêu cầu trong những năm tới ĐHQG cần thực hiện một số vấn đề như quyết tâm phấn đấu 10, 15 năm tới không chỉ khẳng định được vai trò hàng đầu trong hệ thống giáo dục ĐH mà phải ngang tầm với các ĐH trong khu vực, có những ngành học ngang tầm quốc tế; cùng với việc đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, tiếp cận trình độ khoa học thế giới, ĐHQG phải chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức lối sống, bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc cũng như phát triển hài hòa cả đức - trí - thể - mỹ cho người học; tập trung đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để có nhiều đề tài, công trình nghiên cứu giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, đồng thời sẽ có nhiều cán bộ nghiên cứu đoạt những giải thưởng khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực khoa học. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn: “ĐHQG TPHCM với uy tín và lợi thế của mình phải đi đầu trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, mở rộng quyền tự chủ cho các trường ĐH mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra. Do đó, trong đại hội Đảng các cấp thuộc Đảng bộ ĐHQG TPHCM tới đây, ĐHQG cần thảo luận, trao đổi và có những giải pháp để đưa vào nghị quyết”.

Dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tặng ĐHQG TPHCM bức tranh chữ “Trí” do chính Chủ tịch nước viết tặng, lấy theo ý của 4 nguyên lý trị nước của nhà bác học Lê Quý Đôn: “Phi nông bất ổn, Phi công bất phú, Phi thương bất hoạt, Phi trí bất hưng”. Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng dành thời gian tham quan triển lãm thành tựu khoa học công nghệ và khánh thành Phòng truyền thống của ĐHQG TPHCM.

Thanh Hùng

Tin cùng chuyên mục