Không sai nhưng chưa thuyết phục!

Ý kiến

Năm nào cũng vậy, cứ đến buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm, giây phút khiến nhiều người chờ đợi xen lẫn lo lắng là khi nghe giáo viên chủ nhiệm thông báo các khoản thu đầu năm. Ngoài học phí, tiền ăn, một số khoản thu cố định nhiều năm qua không có gì thay đổi như tiền in ấn, photo tài liệu, mua học cụ, làm sổ báo bài, tiền nước uống, vệ sinh, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, năm nay một số trường còn “đẻ” thêm nhiều khoản phí có tên gọi rất “trời ơi”.

Tôi là phụ huynh có con đang học một trường THCS ở quận 3. Bảng liệt kê các khoản phí đầu năm của lớp con tôi bao gồm ba phần. Phần thứ nhất là các khoản đóng theo quy định chung của Sở GD-ĐT, phần thứ hai gồm 15 khoản thu có chung tên gọi “thu hộ, chi hộ” và phần thứ ba gồm 4 khoản đóng “nhà trường đề nghị phụ huynh cho thêm ý kiến”.

Ngay tên gọi và cách chia ba phần của các khoản đóng góp, phụ huynh chúng tôi có thể ngầm hiểu hai phần đầu là miễn ý kiến đóng góp, chỉ phần thứ ba còn có thể thương lượng. Song điều khiến tôi lo lắng là những ý kiến đóng góp của chúng tôi liệu có được nhà trường suy xét vì sau mỗi khoản thu được đề nghị, phụ huynh đã ngay lập tức được giáo viên chủ nhiệm thuyết phục về tính cần thiết của khoản đóng.

Ví dụ như đối với khoản “vệ sinh, bảo trì máy lạnh”, nếu không vệ sinh tốt sẽ làm giảm hiệu suất của máy, đồng thời còn là nơi trú ngụ của vi trùng gây ảnh hưởng sức khỏe học sinh. Điều đó không ai bàn cãi nhưng với mức đóng 25.000 đồng/tháng/học sinh, nếu nhẩm tính lớp học có 50 em, một tháng sẽ có 1.250.000 đồng tiền vệ sinh máy lạnh. Những gia đình nào từng sử dụng máy lạnh ở nhà sẽ biết theo khuyến cáo của nhà sản xuất, máy lạnh nên được vệ sinh định kỳ 3 tháng/lần.

Như vậy, tổng tiền bảo trì trong 3 tháng sẽ lên đến 3.750.000 đồng, trong khi mỗi lớp học chỉ có từ 2 - 4 máy, trung bình mỗi máy có đến hơn 900.000 đồng tiền bảo dưỡng. Chi phí này theo tôi là quá đắt so với giá thị trường và mặt bằng thu nhập chung của nhiều gia đình.

Ngoài ra, theo nhiều người có con đang học mầm non tại quận Bình Thạnh, năm học này một số trường còn gợi ý phụ huynh góp tiền mua hồ cá, thay gạch lót sàn và trả lương cho nhân viên vệ sinh. Theo lý giải của một vị trong ban đại diện cha mẹ học sinh, do định biên nhân viên vệ sinh của trường hiện nay không đủ, trong khi sĩ số học sinh lại cao nên muốn đảm bảo sức khỏe cho học sinh, nhà trường phải hợp đồng thêm lao động thời vụ bên ngoài nhưng không có nguồn chi trả lương.

Ngoài ra, nhiều trường khác còn có khoản thu truy bài đầu giờ, tiền mua ghế nhựa phục vụ chào cờ, tiền mua trống cho đội nghi thức, tiền trả lương nhân viên chăm sóc cây… Mặc dù tất cả những khoản đóng góp trên đều đứng dưới tên gọi “gợi ý”, kêu gọi thêm ý kiến đóng góp của phụ huynh nhưng nếu như có đa số ý kiến đồng tình, những người còn lại cũng phải nhắm mắt chạy theo để con mình không bị phân biệt đối xử.
 
Công bằng mà nói, nhu cầu tạo ra môi trường lớp học tiện nghi, an toàn và thân thiện cho học sinh không có gì sai. Nhưng quan trọng là mức đóng đề ra như thế nào cho hợp lý, tránh tạo ra tâm lý nặng nề và áp lực đối với phụ huynh. Hơn nữa, trong thực tế thu nhập giữa các gia đình hiện nay còn khá chênh lệch, không nên cào bằng mức đóng góp mà nên thực hiện trên tinh thần kêu gọi, khuyến khích để ai có ít đóng ít, có nhiều đóng nhiều, ai không có tiền có thể góp công như phụ huynh làm nghề điện lạnh như tôi có thể nhận luôn việc bảo trì máy lạnh cho nhà trường. Chỉ khi làm được như thế các khoản đóng góp đầu năm mới không trở thành ám ảnh đối với phụ huynh. 

(Anh Hồ Minh Nhật, phụ huynh một học sinh THCS ở quận 3)

Tin cùng chuyên mục