Bữa ăn bán trú ở trường tiểu học: Chưa thể yên tâm

Không đợi đến khi năm học 2014 - 2015 bắt đầu, ngay từ trong hè, Sở GD-ĐT TPHCM đã có văn bản đề nghị lãnh đạo các phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường học khẩn trương thực hiện các biện pháp tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại khu vực bếp ăn và căn tin trong trường. Tuy nhiên, năm học mới đã qua hơn nửa tháng nhưng nhiều phụ huynh vẫn lo lắng về chất lượng bữa ăn bán trú của con tại trường. Vì sao?
Bữa ăn bán trú ở trường tiểu học: Chưa thể yên tâm

Không đợi đến khi năm học 2014 - 2015 bắt đầu, ngay từ trong hè, Sở GD-ĐT TPHCM đã có văn bản đề nghị lãnh đạo các phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường học khẩn trương thực hiện các biện pháp tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại khu vực bếp ăn và căn tin trong trường. Tuy nhiên, năm học mới đã qua hơn nửa tháng nhưng nhiều phụ huynh vẫn lo lắng về chất lượng bữa ăn bán trú của con tại trường. Vì sao?

Bữa ăn trưa đạt chuẩn với thực đơn đa dạng, phong phú vẫn là mơ ước của nhiều học sinh.

Tín hiệu vui

Ngay trong tuần lễ đầu tiên của năm học mới, Sở GD-ĐT TPHCM đã cắt băng khánh thành “Mô hình mẫu bếp ăn bán trú” tại Trường Tiểu học Trưng Trắc (quận 11). Đây được xem là mô hình bếp ăn đạt chuẩn chất lượng đầu tiên của TPHCM, được xây dựng với nhiều trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn bếp ăn một chiều từ khâu tiếp nhận nguyên liệu đến các khâu chế biến thành phẩm và vệ sinh sau bữa ăn. Tất cả các khu vực đều được thiết kế riêng biệt nhằm đảm bảo quy trình chế biến, đáp ứng các yêu cầu về VSATTP. Theo bà Trần Thị Kim Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, tổng vốn đầu tư xây dựng công trình lên đến 1,3 tỷ đồng. Ban tổ chức hy vọng đây sẽ là mô hình mẫu cho các đơn vị trường học trên địa bàn TP đến tham quan, học hỏi và áp dụng theo tình hình thực tế của trường mình. Tuy nhiên, ngay trong buổi tham quan mô hình bếp ăn đạt chuẩn, nhiều đại biểu tham dự đã thốt lên: “Nếu không có đơn vị tài trợ, các trường khác dù muốn học hỏi cũng khó. Không phải hiệu trưởng chúng tôi thiếu quan tâm mà là không có kinh phí đầu tư, đòi hỏi về yêu cầu diện tích cũng không có”.

Bằng chứng là hiện nay trong tổng số 498 trường tiểu học trên địa bàn TP chỉ có 251 trường có tổ chức bếp ăn, 247 đơn vị còn lại hoặc không tổ chức ăn bán trú hoặc phải chọn giải pháp hợp đồng với các công ty cung cấp suất ăn sẵn bên ngoài. Trong thực tế đã từng xảy ra nhiều vụ học sinh bị ngộ độc thực phẩm sau khi dùng bữa ăn trưa tại trường. Mới đây nhất là vụ gần 100 em trong tổng số 545 học sinh bán trú của Trường Tiểu học Long Bình (quận 9) bị ngộ độc thực phẩm. Tuy mức độ nhiễm độc không cao và nhà trường đã chọn một đơn vị cung cấp thức ăn khá uy tín nhưng vẫn tạo tâm lý hoang mang cho tất cả phụ huynh có con đang học bán trú tại trường.

Phát biểu tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện bộ thực đơn chuẩn do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, bác sĩ Nguyễn Tài Dũng, Phó Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên, Sở GD-ĐT TP, cho biết: “Sau gần 2 năm triển khai bộ thực đơn chuẩn, đến nay không phải nơi nào cũng áp dụng 100% bộ thực đơn. Có trường chỉ áp dụng một phần, có trường làm cho có, khi đoàn xuống kiểm tra, phát hiện bữa ăn của học sinh còn hết sức đơn điệu”. Nguyên nhân được cán bộ phụ trách bán trú một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh cho biết, do hầu hết các dự án xây dựng trường học trước đây không thiết kế khu vực dành riêng cho việc ăn, ngủ của học sinh. Do đó để tổ chức ăn bán trú cho học sinh, nhiều trường phải cải tạo lại cơ sở vật chất cho phù hợp nhưng diện tích chật hẹp, muốn xây dựng bếp ăn đạt chuẩn cũng rất khó.

Khó nhân rộng

Theo kiến nghị của Sở GD-ĐT TPHCM, các trường phải bảo đảm thời gian từ khi chế biến đến khi cho học sinh ăn không quá 2 giờ. Ngoài ra, thực đơn bán trú cần tránh những món dễ gây ngộ độc vì phải chế biến qua nhiều công đoạn như cơm chiên Dương Châu. Tuy nhiên, khảo sát thực đơn bán trú ở nhiều trường tiểu học hiện nay, ghi nhận cho thấy cơm chiên dương Châu vẫn là món phổ biến dành cho học sinh. Hơn nữa, tuy thời gian các trường tiếp nhận suất ăn sẵn cách bữa ăn không quá 2 giờ nhưng thời điểm chế biến thức ăn khi nào còn phụ thuộc vào điều kiện vận chuyển và cái “tâm” của nhà cung cấp. Anh Lê Hồng Khương, phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Gò Vấp), đặt câu hỏi: “Vì sao ở bậc mầm non, tất cả các trường đều niêm yết thực đơn bán trú gồm một bữa ăn trưa và một bữa ăn xế, thành phần nguyên liệu và giá cả từng món ăn rất rõ ràng cho phụ huynh theo dõi nhưng lên đến bậc tiểu học, chúng tôi hầu như mù tịt về chất lượng bữa ăn ở trường của con?”.

Về việc thực hiện bộ thực đơn chuẩn, bà Nguyễn Lê Thu, Phó phòng GD-ĐT quận 11, cho biết, đối với các trường có tổ chức bếp ăn bán trú còn dễ thực hiện, nhưng đối với các đơn vị hợp đồng với công ty cung cấp suất ăn sẵn bên ngoài, địa phương phải làm công tác tư tưởng, vận động nhiều lắm họ mới thay đổi cách chế biến. Riêng đối với các trường tư thục có yếu tố nước ngoài, việc kêu gọi mới dừng ở mức độ khuyến khích và tự nguyện. Điều này cũng lý giải vì sao bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cảnh báo bữa ăn bán trú của học sinh tiểu học hiện nay đang thiếu hụt vi chất trầm trọng do mất cân đối trong chế độ ăn uống, lượng rau xanh và trái cây chưa đạt đến 50% nhu cầu. Thêm vào đó, thực đơn một bữa ăn xế đạt chuẩn, cung cấp đầy đủ năng lượng theo khuyến nghị nên gồm các món ăn nhẹ như phở, bánh canh, hủ tiếu… Nhưng trên thực tế các trường thường tổ chức cho học sinh ăn bánh flan, rau câu, yaourt - những món ăn công nghiệp dễ mua và có thể bảo quản qua ngày nếu học sinh không sử dụng hết. Chính vì những lý do đó nên mặc dù năm nào TPHCM cũng quan tâm đặc biệt đến vấn đề VSATTP nhưng vẫn không tránh được những vụ học sinh bị ngộ độc thực phẩm. Trong đó, lỗi nhiều khi không phải của đơn vị trường học mà phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm của nhiều lực lượng khác trong xã hội.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục