Khoản chênh!

Cách đây hơn 2 tháng, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã thông qua Đề án “Hỗ trợ giáo dục mầm non trên địa bàn TPHCM”, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2020, tăng tỷ lệ trẻ học tại các trường mầm non công lập (MNCL) lên 40% đối với hệ nhà trẻ và 60% đối với hệ mẫu giáo, duy trì tỷ lệ 50% trẻ học nhà trẻ và 35% trẻ học mẫu giáo tại các trường tư thục, giảm tỷ lệ nhóm lớp mẫu giáo độc lập xuống còn 10% đối với hệ nhà trẻ và 5% đối với hệ mẫu giáo. Tuy nhiên mới đây, báo cáo tại hội nghị tổng kết năm học 2013 - 2014 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2014 - 2015 của các quận, huyện cho thấy tốc độ gia tăng chóng mặt của các nhóm lớp độc lập, tư thục, trong khi tỷ lệ trường công lại tăng rất khiêm tốn.

Tại Gò Vấp, năm học 2013 - 2014, toàn quận chỉ có thêm 1 trường MNCL, trong khi khối tư thục tăng thêm 5 trường và 15 nhóm lớp. Bà Đỗ Thị Hoa, Phó phòng GD-ĐT quận cho biết, tổng số học sinh ở khu vực công lập hiện nay là 9.683 em, giảm 54 em so với năm học trước. Trong khi đó ở khu vực ngoài công lập, có 8.290 em đang theo học tại các trường tư thục (tăng 205 em so với năm học 2012-2013) và 2.915 em ở các nhóm lớp độc lập (tăng 185 em). Tuy nhiên, không nói ra ai cũng hiểu đó chỉ là những con số thống kê “có thể nhìn thấy được” từ các nhóm lớp được cấp phép hoạt động, đạt các yêu cầu về kiểm tra chất lượng. Bên cạnh đó vẫn còn một số lượng lớn trẻ đang học tại các nhóm trẻ gia đình, hoạt động “sớm nở tối tàn”, chất lượng không đảm bảo. Ngay ở khối các trường tư thục, lãnh đạo quận cũng thừa nhận do hiện nay đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tuyển từ nhiều nguồn khác nhau nên chất lượng không đồng đều, công tác chăm sóc giáo dục ở một số nơi chưa đạt như mong muốn.

Cùng cảnh ngộ, quận Tân Phú hiện có 11 trường MNCL nhưng số lượng trường tư thục lên đến 33 trường (gấp 3 lần số trường công lập) và 122 nhóm lớp. Tổng số học sinh đang theo học ở khu vực công lập chỉ chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn là 6.287 em (chiếm tỷ lệ 35%), trong khi khu vực ngoài công lập có đến 11.664 học sinh đang theo học (chiếm tỷ lệ 64,95%). Lý giải thực trạng này, một cán bộ Phòng GD-ĐT quận Tân Phú cho biết, quận đang trong quá trình đô thị hóa, năm nào cũng có tỷ lệ dân nhập cư cao nên cơ sở vật chất trường, lớp mặc dù đã được quan tâm xây dựng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chỗ học của người dân, sĩ số học sinh ở các cấp học hiện nay đều vượt quy định cho phép của Bộ GD-ĐT. Nếu tính chung tất cả bậc học, tổng số trường ngoài công lập hiện nay chiếm tỷ lệ hơn 51,2%, trong đó bậc mầm non có tỷ lệ trường ngoài công lập cao nhất với 33/44 trường mầm non trên địa bàn quận.         

Qua đó cho thấy, trước tình hình trường, lớp công lập xây dựng không theo kịp tốc độ gia tăng dân số, sự vào cuộc của các cá nhân, tổ chức trong việc chung tay chăm lo giáo dục là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, nói như chia sẻ của một lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, dù hoạt động ở hình thức công lập hay ngoài công lập, các trường nếu không quan tâm đúng mức đến vấn đề đảm bảo chất lượng thì lợi bất cập hại, thiệt thòi lớn nhất vẫn thuộc về học sinh. Quản được các trường công lập đã khó, giám sát hoạt động của các trường tư thục với tốc độ “nở nồi” hàng năm khá lớn đã và đang tạo ra rất nhiều áp lực đối với đội ngũ những người làm công tác quản lý. Bên cạnh đó, do hiện nay cơ chế hoạt động của các trường tư thục chưa rõ ràng nên vài nơi vẫn còn xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, đội ngũ giáo viên thường xuyên biến động gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Do đó, song song với việc đề ra mục tiêu tỷ lệ các trường công lập và ngoài công lập, UBND TPHCM cần quan tâm hơn việc ban hành cơ chế giám sát hoạt động của các trường tư thục, bổ sung thêm nhiều quy định về miễn, giảm thuế, hỗ trợ đầu tư sao cho học sinh ở trường công lập và tư thục đều được hưởng những quyền lợi ngang bằng, kéo gần khoảng cách giữa hai hình thức đào tạo.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục