ĐHQG Hà Nội đề xuất phương án kỳ thi hợp nhất

(SGGP).- Liên quan đến vấn đề tổ chức 1 kỳ thi quốc gia, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) khẳng định, thời cơ tổ chức kỳ thi chung quốc gia đã chín muồi, trên cả cơ sở lý luận và thực tiễn. Sứ mệnh của kỳ thi này là vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ để các trường ĐH-CĐ tuyển sinh, vì vậy điều quan trọng nhất là tính toán việc ra đề thi như thế nào, ai là chủ trì tổ chức.

Về điều này, ông Mai Văn Trinh cho biết, sẽ đem những gì đã làm tốt ở kỳ thi ĐH-CĐ 3 chung và tốt nghiệp vào kỳ thi này, bằng cách tổ chức các cụm thi mà ở đó các trường ĐH-CĐ sẽ đóng vai trò chủ trì cùng với các sở GD-ĐT. Tham gia vào đó là giảng viên các trường đại học và giáo viên các trường phổ thông. Việc chấm thi cũng tương tự như vậy. Đề thi được thiết kế để đảm bảo có vùng kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp và phần nâng cao để đảm bảo phân hóa trình độ học sinh…

Ngày 24-8, GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội cho biết, ĐHQG Hà Nội đề xuất triển khai một kỳ thi chung, kỳ thi hợp nhất với cách thức mà nhiều quốc gia đang làm. Cụ thể, ĐHQG đề xuất kỳ thi hợp nhất này theo bài thi. Bài thi tổng hợp này được thiết kế bao quát chương trình phổ thông hiện nay, chủ yếu lớp 12. Bài thi tổng hợp được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm, gồm 4 hợp phần: toán, ngữ văn, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Các hợp phần toán và ngữ văn mỗi hợp phần có 50 câu trắc nghiệm khách quan. Hai hợp phần tổng hợp khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) mỗi hợp phần gồm 40 câu trắc nghiệm. Tổng số toàn đề thi có 180 câu. Tổng số thời gian làm bài là 215 phút, làm gọn trong một buổi thi.

Về cơ cấu câu hỏi theo nội dung, ĐHQG Hà Nội cho rằng các môn toán, ngữ văn và hai hợp phần khoa học tự nhiên, khoa học xã hội sẽ bao phủ chương trình cơ bản của bậc THPT. Bài thi có 20% câu hỏi dễ (mức năng lực thấp), 60% câu hỏi trung bình (mức năng lực trung bình) và 20% câu hỏi khó (mức năng lực cao). Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm, sai hoặc bỏ qua không bị trừ điểm. Tổng số điểm tối thiểu là 0, tối đa là 180. Việc chấm thi được thực hiện trên máy tính trong các phòng thi chuyên dụng. Đề thi cho từng cá nhân sẽ được xáo trộn ngẫu nhiên về câu hỏi, phương án để các thí sinh không thể “nhìn bài nhau” và cũng không thể sử dụng sự hỗ trợ từ bên ngoài. Việc thi và chấm thi trực tiếp trên máy tính sẽ hạn chế tiêu cực so với việc giám khảo trực tiếp chấm bài thi, đảm bảo nhanh chóng, chính xác. Việc coi thi được thực hiện bởi các cán bộ được tập huấn về nghiệp vụ có liên quan tới kỳ thi. 

Về sử dụng kết quả, ĐHQG đề xuất phiếu điểm được thiết kế và sử dụng cho các mục đích làm căn cứ xác nhận trình độ tốt nghiệp THPT (cùng với điểm học tập các môn trong 3 năm) và cung cấp kết quả cho xét tuyển ĐH-CĐ. Phiếu điểm của bài thi sẽ cung cấp kết quả riêng rẽ của 4 hợp phần thi. Điểm sẽ quy đổi về điểm trên thang 0-10, với 2 số thập phân. Kết quả thi sẽ dùng lại nhiều lần trong khoảng thời gian 2 năm tính từ ngày thi. Căn cứ vào điểm bài thi tổng hợp và điểm các môn học, thí sinh được chọn xét tốt nghiệp theo các yêu cầu được quy định trước. Các trường đại học khi sử dụng kết quả các hợp phần điểm của bài thi quốc gia, có thể lấy điểm của một hoặc nhiều hợp phần để đặt điểm sàn sàng lọc; có thể nhân hệ số cho điểm các hợp phần tùy theo ngành tuyển chọn. Các trường cũng có thể tổ chức thêm 1 bài thi đơn môn để có thêm thông tin đánh giá về thí sinh tuyển chọn vào các chương trình có những đòi hỏi đặc thù.

Về thời gian và địa điểm thi, theo phương án của ĐHQG Hà Nội, kỳ thi có thể tổ chức nhiều lần trong năm. Riêng năm 2015 tổ chức trước kỳ thi tốt nghiệp, thí sinh nào có kết quả bài thi tổng hợp đạt yêu cầu sẽ không phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp như thông lệ, từ năm 2016 chỉ còn tồn tại một kỳ thi hợp nhất. Kỳ thi có thể tổ chức nhiều đợt trong tháng 5 để thí sinh không đạt yêu cầu hoặc mong muốn có kết quả cao hơn có thể thi lại. Thí sinh có thể thi tại các điểm thi/phòng thi đủ điều kiện tại các tỉnh thành. Vì vậy, sẽ không gây áp lực với các đô thị lớn, tạo tính an sinh xã hội cao. Việc đăng ký thi sẽ thực hiện qua mạng internet.

Theo GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐHQG Hà Nội có đủ nguồn cán bộ giảng viên thuộc tất cả các chuyên môn theo yêu cầu ra đề theo cấu trúc và dạng thức của bài thi tổng hợp. Hiện nay ĐHQG Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn câu hỏi đánh giá năng lực với gần 4.000 mục hỏi thuộc các hợp phần khác nhau. Trong số này một bộ phận đã được thử nghiệm. Trong các năm tiếp theo sẽ đảm bảo thường trực khoảng 10.000 câu hỏi trong ngân hàng. Tuy nhiên, trước mắt cho năm 2015 cần có 4.500 câu hỏi đã chuẩn hóa.

Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tối 24-8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT GS-TS Phạm Vũ Luận cho biết: Phương án Đổi mới thi cử đã được báo cáo ở Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Bộ đã tiếp thu ý kiến góp ý của hội đồng và sắp tới Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục sẽ họp. Thủ tướng Chính phủ sẽ nghe báo cáo trực tiếp. Đây là vấn đề liên quan đến đông đảo học sinh, phụ huynh, đến tương lai dân tộc, đến đông đảo các tầng lớp xã hội nên sau khi được xem xét nghiên cứu kỹ mới, Bộ GD-ĐT sẽ công bố chính thức và sẽ công bố sớm vào đầu năm học.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục