Ngậm ngùi…

Vừa qua, nhân kỷ niệm 32 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân (NGND), Nhà giáo ưu tú (NGƯT) cho 719 cán bộ, giáo viên đang công tác trong lĩnh vực giáo dục. Hòa lẫn trong niềm vui, giọt nước mắt tự hào, sung sướng của những thầy, cô được vinh dự đứng lên bục nhận danh hiệu là không ít nỗi niềm trăn trở của những người đã hoặc đang công tác trong ngành giáo dục nhưng nhiều năm qua chỉ dám dõi theo lễ trao tặng danh hiệu từ xa.

Một giáo viên mầm non đã nghỉ hưu cho biết, hơn 30 năm theo nghề giáo, cô chưa bao giờ dám mơ đến việc mình sẽ vinh dự đứng lên bục nhận danh hiệu. “Trừ phi là giáo viên ở các bậc học khác, chứ một khi đã chọn công tác ở trường mầm non thì nếu không phấn đấu lên được chức danh hiệu trưởng, mọi nẻo đường dẫn đến các danh hiệu đều rất xa”, cô ngậm ngùi bày tỏ. Bằng chứng là trong 39 nhà giáo được phong tặng danh hiệu NGND năm nay, chỉ có 2 người là nữ nhưng một là hiệu trưởng trường phổ thông, một là giảng viên đại học. Đối với 680 danh hiệu NGƯT chỉ có 288 nhà giáo là nữ, song toàn bộ đều đang công tác tại các sở GD-ĐT ở các tỉnh, thành phố, nhà giáo là cán bộ quản lý hoặc giáo viên của các trường phổ thông hoặc đại học. Kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy, hiếm có giáo viên mầm non nào vinh dự được trao tặng các danh hiệu NGND, NGƯT.

Theo chia sẻ của cán bộ quản lý một trường mầm non trên địa bàn TPHCM, giáo viên ở bậc học nào cũng có những vất vả, khó khăn riêng. Tuy nhiên, đối với bậc mầm non, ngoài việc đầu tư chất xám cho các việc soạn giáo án, sáng tạo đồ chơi, học cụ cho học sinh, giáo viên còn kiêm nhiệm thêm nhiều công việc tay chân khác như tắm rửa, đút ăn, dỗ ngủ, thậm chí giặt đồ, rửa bô cho học sinh. Nếu không có cái tâm và ý thức trách nhiệm, các cô sẽ không thể làm tốt. Nhưng cũng do đặc thù công việc liên quan đến những việc làm cụ thể, lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác nên đối với yêu cầu “có nhiều đóng góp nghiên cứu khoa học”, các giáo viên rất khó đạt được. Do đó, nếu không phải là hiệu trưởng hoặc giáo viên đang công tác trong những hoàn cảnh đặc biệt như dạy trường dân tộc nội trú, trường chuyên biệt, giáo viên mầm non rất khó làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu.

Đành rằng các danh hiệu NGND, NGƯT phải được trao tặng cho những cá nhân có thành tích xuất sắc, nổi trội, có nhiều sáng kiến đóng góp vào sự đổi mới, cải tiến giáo dục. Đó là yêu cầu hợp lý, giúp việc trao tặng danh hiệu không rơi vào tình trạng tràn lan, mất đi ý nghĩa cao quý của nó. Tuy nhiên việc danh hiệu nhiều năm qua chỉ tập trung ở một vài lĩnh vực và người có cấp bậc quản lý khiến không ít giáo viên ở các bậc học khác cảm thấy chạnh lòng. Thực tế cho thấy đã có nhiều thầy, cô dù được đề bạt lên các chức hiệu phó, hiệu trưởng hoặc giới thiệu đưa về các phòng GD-ĐT nhưng đều khéo léo từ chối. Nguyện vọng của họ là được mỗi ngày đứng trên bục giảng trực tiếp truyền đạt kiến thức cho học sinh. Dù thành tích đóng góp nhiều nhưng nếu làm hồ sơ xét tặng danh hiệu lại “mỏng” hơn người khác. Vì vậy nên chăng có sự xem xét lại một số yêu cầu của các danh hiệu, để làm sao có thể tôn vinh các thầy, cô giáo ở tất cả bậc học, không phân biệt người có đảm đương chức vụ quản lý hay không. Chỉ khi làm được điều đó, ngày nhà giáo mới trở nên đầy đủ ý nghĩa cho tất cả giáo viên.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục