Giáo viên giỏi và những bài học gắn với thực tiễn

Giảm hàn lâm, tăng thực hành
Giáo viên giỏi và những bài học gắn với thực tiễn

Nhờ đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, những bài giảng gắn với thực tiễn đời sống, tăng thời gian thực hành đã giúp học sinh động não, trải nghiệm và giải quyết những vấn đề của cuộc sống linh hoạt, hiệu quả hơn.

Giáo viên giỏi và những bài học gắn với thực tiễn ảnh 1

Một trong những chủ đề của dự án “Học văn để sống” của học sinh Trường THPT Đinh Thiện Lý, quận 7, TPHCM.

Giảm hàn lâm, tăng thực hành

Theo giáo viên môn Vật lý Nguyễn Thị Kim Chi, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi quận 2 TPHCM, khi dạy đề tài về đo đạc, điện năng, cô đã yêu cầu học trò làm các bài tập đo đạc chiều dài từ nhà đến trường, tính toán công suất tiêu hao điện năng khi sử dụng đồ điện trong nhà như tủ lạnh, máy giặt… Mỗi học sinh có một kết quả khác nhau và những bài tập thực hành, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn này luôn khiến học sinh thích thú, nhớ lâu. Hơn nữa, những bài tập thực hành còn trang bị kỹ năng, giúp học sinh giải quyết các vấn đề mà cuộc sống đặt ra. Ông Phạm Ngọc Tiến, Phó Trưởng phòng Trung học Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: “Cuộc thi giáo viên xây dựng bài tập Vật lý cấp THCS gắn với thực tiễn giúp học sinh hứng thú học tập, trải nghiệm, khám phá thế giới xung quanh và từ đó nhớ lâu những kiến thức đã học”. Trong 120 sản phẩm tham dự cuộc thi này, có 38 đề tài đoạt giải cấp TP. Mỗi sản phẩm dự thi của giáo viên đều thể hiện sự tâm huyết, lòng yêu nghề và khát khao đổi mới cách truyền thụ kiến thức cho học sinh một cách hiệu quả. Để giúp học sinh biết vận dụng những gì đã học vào thực tiễn, những bài tập Vật lý được xây dựng luôn gắn với thế giới xung quanh, gợi mở những vấn đề mới, giúp học sinh nâng cao tri thức.

Tương tự, cô Nguyễn Tú Oanh, giáo viên giỏi cấp TP vừa giành giải nhất môn Toán cũng chia sẻ: “Môn Toán không khô khan nếu biết thổi hồn vào từng bài giảng. Và để khắc phục sự khô khan này tôi thường sử dụng trò chơi, tổ chức học nhóm để học sinh cùng tham gia tranh luận, đặt câu hỏi và tìm cách giải quyết bài tập. Nhờ sự hướng dẫn của giáo viên và sự năng động, tích cực của từng nhóm học sinh đã giúp giờ học sinh động, hiệu quả, học sinh khắc sâu kiến thức. Hơn nữa, từ sự tranh luận đầy tính thuyết phục này, nhiều học sinh đã bộc lộ tài năng, năng lực của mình…”.

Có thể nói, việc đẩy mạnh các cuộc thi về chuyên môn, trong đó tập trung đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực ở TPHCM đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Và những bài học giảm lý thuyết khô khan, tăng tính thực tiễn, thực hành ở các môn học đang trở thành yêu cầu cấp thiết nhằm đổi mới cách dạy từ thụ động sang trực quan, động não. “Không nên đổ thừa kiến thức bài giảng khô khan, khó hiểu, quan trọng là mỗi giáo viên phải linh động, biết cách hóa giải, làm mới nó, giảm tính hàn lâm, tăng tính thực hành. Từ đó dẫn dắt học sinh khám phá thế giới xung quanh, trải nghiệm thực tế để các em tự tin giải quyết những vấn đề phát sinh tốt hơn” - đó là chia sẻ của nhiều giáo viên đoạt giải giáo viên giỏi cấp TP mới được tuyên dương.

Dạy học theo chủ đề tích hợp

Đây là phương pháp mới và đang được ngành GD-ĐT khuyến khích giáo viên thực hiện nhằm đổi mới cách dạy và học, thúc đẩy tư duy học để biết, để hiểu, để làm và chung sống. Chia sẻ kinh nghiệm về dạy và học theo chủ đề tích hợp “Học Văn để sống”, cô Nguyễn Minh Ngọc (Trường THPT Đinh Thiện Lý) nói: “Thay vì dạy thể loại văn tự sự chỉ cần nắm vững lý thuyết, chúng tôi yêu cầu học sinh đi thực tế, trải nghiệm cuộc sống. Khi tiếp xúc với nhân vật, con người thật ở viện dưỡng lão, xóm nghèo, bãi rác…, học sinh sẽ biết “rung cảm”, cảm nhận sinh động về cuộc sống bên ngoài trang sách”. Cũng theo cô Ngọc, lắng nghe những câu chuyện thực, học sinh sẽ hiểu vấn đề và vận dụng kiến thức đã học để hoàn thành dự án. Hơn nữa “Học văn để sống” không chỉ học môn Văn mà còn buộc học sinh phải tư duy, sáng tạo, có kỹ năng kết hợp kiến thức liên môn học như Giáo dục công dân, Toán, Công nghệ thông tin... để xử lý vấn đề, làm clip, poster…

Tham gia dự án “Học văn để sống” là trải nghiệm thú vị và dù mất nhiều thời gian, công sức, đòi hỏi phải động não, xử lý thông tin, hình ảnh, rồi khái quát, tổng hợp, phân tích, đưa ra nhận định nhưng học sinh đều thích thú, say mê. Học theo dự án còn giúp học sinh phát huy năng lực cá thể, tư duy độc lập và thỏa sức thể hiện đam mê khám phá thế giới xung quanh. Cái được lớn nhất mà các em cảm nhận, lưu giữ trong hành trang, làm giàu nhân cách sống chính là nét đẹp nhân văn, thiện nguyện và tình yêu thương giữa con người với con người. Không ít bậc phụ huynh đã cảm nhận con mình lớn hơn, trưởng thành hơn nhờ tham gia dự án “Học văn để sống”. Còn về phía giáo viên, dạy chủ đề tích hợp cũng giúp thầy cô gắn kết với đồng nghiệp, trau dồi về chuyên môn và liên hệ rộng rãi với các tổ chức xã hội khi đưa học trò đi thực tế, lấy tư liệu làm dự án.

Tất nhiên, dạy học theo chủ đề tích hợp không dễ và đây là thử thách không nhỏ đối với giáo viên ở các trường công lập vì sĩ số lớp học quá đông, điều kiện thực hành, thí nghiệm còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những kinh nghiệm từ cuộc thi giáo viên giỏi cấp TPHCM (năm học 2013 - 2014) cũng giúp các đồng nghiệp khác thai nghén, thúc đẩy các dự án dạy học tích hợp hoặc lồng ghép kiến thức liên môn để học sinh hiểu vấn đề sâu hơn, rộng hơn. Đổi mới giáo dục bắt đầu từ những đốm lửa nhỏ - kiến tạo tri thức cho học trò và những bài giảng có hồn, thoát khỏi kiến thức nặng nề của sách giáo khoa, gắn lý thuyết với thực tiễn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực. Đó là học để hiểu biết và ứng dụng vào cuộc sống, chứ không phải học để ứng thí, rồi quên hết.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục