Khoản chênh

Mới đây, tại hội nghị sơ kết học kỳ 1 năm học 2013 - 2014 ở cấp tiểu học, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, số học sinh đang học ngoại ngữ trong các trường tiểu học hiện nay là 367.085 em, so với tổng số 544.965 học sinh tiểu học trên toàn thành phố vẫn còn đến 177.880 em chưa được học ngoại ngữ. Số lượng trường triển khai dạy ngoại ngữ tính đến thời điểm hiện tại có 426 trường, so với tổng số 497 trường tiểu học của TP, tỷ lệ này chưa đến 86%. Như vậy, mặc dù TP đang ra sức triển khai Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng ngay từ bậc tiểu học - bậc học được xem là nền tảng cho những phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ về sau - việc dạy và học ngoại ngữ vẫn chưa được chú trọng.

Theo kết quả thống kê của những người làm công tác quản lý giáo dục, tỷ lệ học sinh học ngoại ngữ của năm học này đã tăng 0,35% so với năm học trước, số trường có triển khai dạy ngoại ngữ cũng tăng 0,8%. Nhưng nhìn vào bức tranh phát triển chung của ngành giáo dục, rõ ràng tốc độ tăng trên còn hết sức khiêm tốn.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Hoài Chương khẳng định, theo lộ trình từ đây đến hết năm 2020, TP phải hoàn thành phổ cập tiếng Anh cho bậc tiểu học. Từ đây đến đó thời gian còn lại không nhiều, nếu toàn ngành không gấp rút triển khai, e rằng những mục tiêu của đề án sẽ khó thành hiện thực.

Ông Chương cũng đặt câu hỏi vì sao lại có khoảng cách chênh lệch quá lớn về trình độ ngoại ngữ giữa học sinh thành thị và học sinh các trường ở vùng sâu, vùng xa. Vị phó giám đốc bày tỏ: “Kết quả thống kê cho thấy có đến gần 15% trường tiểu học chưa đưa ngoại ngữ vào chương trình giảng dạy. Con số tuy không nhiều nhưng là một băn khoăn lớn đối với toàn xã hội”. Phương châm chỉ đạo của Sở GD-ĐT là không để một trường nào yếu kém. “Nhưng vì sao trên cùng địa bàn quận 1, có trường mọi người phải chầu chực, chen chúc nhau vào, dù đôi khi suất học đó phải đánh đổi bằng cả một gia tài. Song, cũng có trường dù ban giám hiệu nhiệt tình tư vấn, xuống tận tổ, khu phố vận động học sinh đến trường nhưng vẫn không ai thèm vào?”, ông Chương lo lắng.

Đưa ra hai ví dụ trên để thấy nền giáo dục của chúng ta vẫn còn rất nhiều lỗ hổng. Trong đó, quyền lợi và nghĩa vụ không phải lúc nào cũng đi song hành. Chúng ta đã và đang đặt ra rất nhiều mục tiêu lớn, nhưng cả con tàu sẽ không thể nào phát triển bền vững nếu vẫn còn một, hai toa tàu chịu sức ì, kéo tuột lại phía sau. Chính vì lý do đó, bên cạnh mục tiêu phát triển các đơn vị mũi nhọn, TP cần dành nhiều chính sách chăm lo hơn cho các trường ở vùng sâu, vùng xa. Nói như hiệu trưởng một trường tiểu học ở huyện Bình Chánh: “Tổ chức cho chúng tôi đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm của các trường ở quận trung tâm là việc làm rất đáng quý. Song, biết là một chuyện, làm được như thế hay không lại là bài toán nan giải đối với các trường ở vùng khó, nơi mà ngay cả không có tiền trợ giá xe buýt đến trường, các em sẽ nghỉ học ngay”.

Qua đó cho thấy, để đáp ứng mục tiêu phát triển căn bản, toàn diện giáo dục, bên cạnh việc đề ra kế hoạch phát triển tiếp những thành tựu đã đạt được, cần nhìn thẳng, nhìn sâu vào những hạn chế, bất cập, những tồn tại nhiều năm qua của ngành giáo dục. Chỉ khi làm được như thế, mục tiêu phát triển mới không còn những khoản chênh.

THANH THU

Tin cùng chuyên mục