Nên xem ngoại ngữ là môn thi chính thức

Học sinh lớp 12 cả nước đang chờ đợi sự đổi thay lớn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp diễn ra trong năm 2014, trong đó phương án thi 4 môn (hai môn bắt buộc là Toán, Văn và 2 môn tự chọn) được dư luận xã hội đồng tình.

Học sinh lớp 12 cả nước đang chờ đợi sự đổi thay lớn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp diễn ra trong năm 2014, trong đó phương án thi 4 môn (hai môn bắt buộc là Toán, Văn và 2 môn tự chọn) được dư luận xã hội đồng tình.

Động thái giảm áp lực thi cử cho học sinh cuối cấp đã đáp ứng mong mỏi, khát khao của toàn xã hội. Tuy nhiên, việc tạm bỏ môn ngoại ngữ khỏi danh sách môn thi chính thức (bắt buộc lẫn tự chọn) đang gây nhiều băn khoăn, thậm chí tranh cãi trái chiều.

Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, việc dạy và học ngoại ngữ hiện nay còn nhiều bất cập, chất lượng thấp và trình độ, năng lực của học sinh ở các vùng sâu, vùng xa chênh lệch so với các thành phố. Hơn nữa, cách thức thi cử môn ngoại ngữ lạc hậu, bằng trắc nghiệm cũng chỉ đánh giá học sinh về từ vựng, ngữ pháp. Vì thế, Bộ GD-ĐT giải thích rằng “không bỏ môn thi ngoại ngữ và khuyến khích học sinh thi môn này để cộng điểm tốt nghiệp”. Phương án này cũng không được nhiều chuyên gia giáo dục tán thành bởi lẽ, việc chỉ khuyến khích sẽ khiến một bộ phận học sinh lơ là, không còn động lực học ngoại ngữ. Một số ý kiến lập luận rằng, chúng ta đang hướng tới việc đào tạo công dân có khả năng hội nhập toàn cầu, trang bị hành trang cho giới trẻ bằng ngoại ngữ nhưng loại môn học này khỏi danh sách môn thi chính thức là đi ngược lại tinh thần của đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Vì thế, nếu chưa thể xem môn thi ngoại ngữ là bắt buộc thì Bộ GD-ĐT nên đưa môn này vào danh sách môn thi tự chọn, chứ không nên đưa ra phương án khuyến khích thi để cộng điểm. Bởi lẽ, ngay bộ cũng khẳng định rằng cách thi cử môn ngoại ngữ (tiếng Anh) là lạc hậu, chủ yếu đánh giá hai kỹ năng đọc, viết, trong khi đó theo khung tham chiếu châu Âu - chuẩn quốc tế thì phải đạt 4 kỹ năng: nghe - nói - viết - đọc. Như thế, thay vì bỏ môn thi ngoại ngữ, bộ nên chủ động thay đổi - áp dụng cách kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế. Nếu cứ tiếp tục duy trì kiểu dạy và học ngoại ngữ theo chuẩn Việt Nam và đánh giá trình độ ngoại ngữ theo chuẩn của ta thì mãi mãi chúng ta vẫn tụt hậu, không thể mong có lớp trẻ năng động, tự tin, có đủ khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh tự nhiên như mong muốn.

Một vấn đề khác cần đặt ra là việc khuyến khích cộng thêm điểm môn ngoại ngữ cho học sinh khi thi tốt nghiệp phổ thông có thể làm được ngay đối với những trường hợp học sinh cuối cấp đã đạt được các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL, SAT… Trên thực tế, nhiều học sinh khối lớp 11, 12 ở các trường THPT thuộc TPHCM, Hà Nội đã lấy được chứng chỉ IELTS: 6.0-6.5 tương đương trình độ C1 theo khung tham chiếu châu Âu của đề án 2020 mà bộ đang triển khai. Thực tế cho thấy việc phụ huynh có điều kiện kinh tế đầu tư chi phí rất lớn để con em họ theo học ở những trung tâm có yếu tố nước ngoài và bản thân học sinh cũng cố gắng học để đạt được trình độ chuẩn quốc tế về ngoại ngữ cũng cần được khuyến khích. Khi Bộ GD-ĐT có chính sách khuyến khích đúng, đánh giá năng lực ngoại ngữ theo chuẩn thì môn ngoại ngữ sẽ trở thành động lực và học sinh sẽ phấn đấu học và thi hiệu quả.

Trong 3 năm trở lại đây, năng lực sử dụng ngoại ngữ của giới trẻ Việt Nam đã tăng thêm 13 bậc. Điều này đáng ghi nhận nhưng nhìn xa hơn, chúng ta vẫn tụt hậu xa và nếu không xem ngoại ngữ là chìa khóa của thời hội nhập thì sẽ khó với tới cơ hội tìm việc làm, hòa nhập với môi trường lao động đa văn hóa sắp mở rộng trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

HÀ NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục