Kỳ thi đại học vẫn gây áp lực lớn cho xã hội

333 thí sinh bị kỷ luật
Kỳ thi đại học vẫn gây áp lực lớn cho xã hội

333 thí sinh bị kỷ luật

Chiều 10-7, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo kết thúc kỳ tuyển sinh vào ĐH năm 2013. Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi ĐH năm 2013 có tổng cộng 133 trường ĐH tổ chức thi đợt 1 và 125 trường thi đợt 2. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi cả 2 đợt là 1.673.628, số thí sinh đến dự thi là 1.298.522, đạt 77,6% (giảm 0,7% so với năm 2012).

Trong cả 2 đợt thi, cả nước đã huy động gần 142.000 lượt cán bộ tham gia làm công tác tuyển sinh. Trong 2 đợt thi, cả nước có 333 thí sinh bị xử lý kỷ luật (khiển trách 62, cảnh cáo 17, đình chỉ 254), đến muộn không được dự thi 6. Đáng chú ý, hầu hết thí sinh bị đình chỉ thi đều do mang điện thoại di động và tài liệu vào phòng thi, dù đã được nhắc nhở rất nhiều lần. Tổng số cán bộ tuyển sinh bị kỷ luật là 10 người. Trên 35.000 lượt thanh niên, sinh viên tình nguyện đã tham gia tiếp sức mùa thi.

Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Sài Gòn trao đổi bài làm sau giờ thi môn Văn. Ảnh: MAI HẢI

Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Sài Gòn trao đổi bài làm sau giờ thi môn Văn. Ảnh: MAI HẢI

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, một số nét mới của kỳ thi năm nay như đường dây nóng của bộ trưởng, qua đó có nhiều thông tin do nhân dân cung cấp đã được xử lý kịp thời; đề thi phù hợp hơn do thành phần ban ra đề thi đa dạng hơn. “Đề thi của các môn thi có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, không có sai sót cả về nội dung và hình thức, có khả năng phân loại thí sinh và được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu. Công tác coi thi được triển khai nghiêm túc, những điều chỉnh hợp lý trong chỉ đạo tổ chức thi đã có hiệu quả rõ rệt. Hiện nay các cơ quan công an đang điều tra 2 trường hợp thi hộ ở Học viện An ninh nhân dân và ĐH Phòng cháy chữa cháy. Bộ GD-ĐT cho rằng, kỳ thi đã thành công ở khâu tổ chức, còn lại là chờ kết quả thi của thí sinh.

Chậm nhất 31-7, các trường ĐH hoàn tất chấm thi. Trên cơ sở kết quả của các trường, Hội đồng điểm sàn sẽ họp bàn tính toán điểm sàn, nguyên tắc là bảo đảm chất lượng đầu vào, bảo đảm cơ cấu vùng miền, dựa trên kết quả thi của thí sinh. Theo ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), năm nay tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ là 605.000 chỉ tiêu, về cơ bản không thay đổi so với năm trước nên dù thí sinh dự thi thấp hơn năm 2012 thì cũng không có tác động gì.

Thí sinh dự thi vào ĐH Sài Gòn sau khi hoàn thành chương trình thi đại học. Ảnh: MAI HẢI

Thí sinh dự thi vào ĐH Sài Gòn sau khi hoàn thành chương trình thi đại học. Ảnh: MAI HẢI

Chưa thể hạn chế thí sinh ảo

Liên quan đến đề thi năm nay, nhiều ý kiến cho rằng đề dễ, thí sinh có cơ hội đạt điểm cao hơn, và phải chăng đó là cách để Bộ GD-ĐT “cứu” các trường tốp dưới, ngoài công lập tuyển sinh dễ dàng hơn? Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, đề thi có tính phân loại câu, có câu dễ, khó, rất khó nhằm phù hợp với trình độ của thí sinh. Không thể nói là đề dễ, vì phụ thuộc vào lực học của thí sinh. Phải chờ kết quả thi của thí sinh, trên cơ sở đó bộ sẽ xác định mức điểm sàn phù hợp. Hiện chưa thể nói chính xác về điểm sàn năm nay.

Một “thất bại” của kỳ thi năm nay, theo ông Bùi Văn Ga, là tỷ lệ thí sinh ảo vẫn cao (thí sinh dự thi chỉ đạt 77,6% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi). Bộ GD-ĐT hy vọng tỷ lệ thí sinh ảo năm nay thấp hơn, nhưng thực tế vẫn cao hơn năm ngoái. Kỳ thi “3 chung” dù phát huy hiệu quả nhưng vẫn gây nên căng thẳng, áp lực rất lớn cho xã hội. Vì thế, Bộ GD-ĐT vẫn đang từng bước nghiên cứu để có hình thức thi phù hợp hơn.

Trả lời câu hỏi năm 2013 có phải là năm cuối cùng thực hiện phương thức thi ĐH “3 chung”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, từ nay đến năm 2015, vẫn giữ “3 chung”, sau đó mới tính toán tiếp. Tuy nhiên, theo tinh thần của Luật Giáo dục đại học, nếu các trường có phương án tuyển sinh phù hợp thì bộ sẽ đưa ra lấy ý kiến dư luận, nếu được đồng tình thì bộ sẽ cho phép trường tuyển sinh riêng.

Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa ban hành thông tư điều chỉnh các trường hợp được ưu tiên trong tuyển sinh đại học, cao đẳng. Theo đó sẽ cộng điểm thi đại học cho bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Quy định này khiến dư luận xã hội cho rằng, Bộ Giáo dục - Đào tạo làm chính sách một cách máy móc, buồn cười, vì khó có Bà mẹ Việt Nam anh hùng nào có thể là thí sinh dự thi đại học, cao đẳng. Trả lời câu hỏi này, ông Ngô Kim Khôi cho rằng, thông tư  là để cụ thể hóa Pháp lệnh về người có công với cách mạng, Nghị định 31 của Chính phủ về nội dung này.

Theo đó thông tư bổ sung một số đối tượng được ưu tiên trong tuyển sinh, những người có công và con của họ được ưu tiên trong tuyển sinh. Thông tư phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật. Bà mẹ Việt Nam anh hùng không chỉ là quan niệm như trước đây, mà bây giờ người mẹ có con duy nhất đi bộ đội hy sinh thì cũng được phong là bà mẹ Việt Nam anh hùng. Do vậy, quy định này phù hợp với hệ thống văn bản của Nhà nước, chính sách ưu tiên không giới hạn độ tuổi. Các đối tượng được diện ưu tiên này được thụ hưởng ngay trong năm tuyển sinh 2013.

LÂM NGUYÊN


Bên lề

* Theo Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên (TPHCM), tính đến cuối đợt thi thứ 2, Chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2013 đã hỗ trợ 234.850 lượt thí sinh và phụ huynh. Trong đó, hỗ trợ, giới thiệu được 72.508 chỗ ở (10.973 chỗ miễn phí), hàng ngàn suất cơm miễn phí và các vật dụng khác như bút, thướt kẻ, bản đồ, cẩm nang tiếp sức…

TƯỜNG HÂN

  • Thái Nguyên: Xe thiết giáp đưa thí sinh đi thi

Sáng 10-7, mưa lớn hàng giờ khiến hầu hết các tuyến đường thuộc TP Thái Nguyên đều bị ngập úng. Nhiều đoạn đường ngập sâu tới 70cm, nhưng hơn 10.000 thí sinh vẫn đến điểm thi an toàn. Đó là nhờ trên các trục đường chính của Thái Nguyên, các lực lượng chức năng đã tích cực hỗ trợ thí sinh đến điểm thi.

Theo PGS-TS Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013 (ĐH Thái Nguyên), ngay từ 6 giờ sáng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã đưa 4 xe thiết giáp và 1 ô tô 45 chỗ đến các điểm ngập úng như cổng Trường Đại học Sư phạm; khu vực Đại học Thái Nguyên để đưa các thí sinh đến các điểm thi kịp giờ. Lực lượng cảnh sát giao thông đã có mặt kịp thời phân luồng, tránh ùn tắc giao thông cục bộ và hỗ trợ thí sinh đến các điểm thi. Xe cứu hộ, xe Cảnh sát 113... cũng được huy động đưa đón người nhà và thí sinh đi thi. Theo báo cáo của 21 hội đồng coi thi, không có trường hợp thí sinh đến muộn giờ thi.

PHAN THẢO

  • Nghị lực của sĩ tử mồ côi

Là trường hợp của thí sinh Nguyễn Biện Luận (Phú Yên) dự thi vào Trường ĐH Cảnh sát nhân dân. Luận cho biết, cha em, sau những năm tháng chiến đấu tại chiến trường Campuchia trở về với thân hình không lành lặn. Một mảnh đạn đã dính vào trong não, ngày đêm hành hạ sức khỏe người lính già. Bệnh ngày thêm nặng, cha em không qua khỏi. Không lâu sau đó, mẹ em cũng cũng qua đời bởi căn bệnh ung thư máu.

Dù khó khăn, thiếu thốn tình cảm gia đình nhưng Luận luôn đặt quyết tâm học thật giỏi để thay đổi hoàn cảnh bất hạnh của gia đình. 12 năm đèn sách em luôn đạt học lực khá giỏi. Kỳ thi năm nay, em thi vào Trường ĐH Cảnh sát nhân dân đúng với ước nguyện của cha em khi còn sống.

TƯỜNG HÂN


Nhận xét đề

  • Đề Văn: Những tia sáng đột phá

Đề thi môn Văn là sự “đột phá”, bởi đề thi năm nay có nhiều cái mới so với các đề thi môn Ngữ văn từ khi Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi “3 chung” cho đến nay. Là “những tia sáng đột phá” bởi cái mới đó là sự sáng tạo và mở ra một không gian sáng tạo cho người giải đề, phát ra những tia sáng trên con đường dạy và học văn còn không ít những bất cập hiện nay.

Tia sáng đột phá trong cách ra đề năm nay thể hiện rõ nhất ở câu 2 (Nghị luận xã hội). Câu 2 yêu cầu thí sinh phải vận dụng tư duy, kiến thức tổng hợp và sự trải nghiệm của bản thân để bàn luận một ý kiến cụ thể, từ đó bày tỏ quan điểm sống của chính mình.

Câu 3a và 3b cũng thể hiện rõ “tia sáng đột phá” khi mà đề đưa ra hai ý kiến khác nhau hoặc trái ngược nhau, yêu cầu thí sinh bình luận những ý kiến đó. Dạng bình luận văn học không phải là mới nhưng vắng bóng trong vài năm gần đây. Hơn thế, câu 3a và 3b còn yêu cầu thí sinh bình luận 2 ý kiến khác nhau, trái ngược nhau về cùng một hình tượng nghệ thuật.

NGƯT NGUYỄN THẠC SAN (Trường THPT Nhân Việt)

* Các câu nghị luận xã hội của đề văn thi ĐH năm nay có ý nghĩa tích cực với học sinh, hay, lạ và là những câu hỏi khá khó. Đây là câu có tính phân loại, học sinh cần tư duy độc lập mới mong đạt điểm tốt, còn nếu học theo văn mẫu chắc chắn không thể làm bài tốt.

Phạm Gia Mạnh (Trường THPT chuyên ĐHSP Hà Nội)

  • Môn Hóa: Dễ kiếm điểm 6

Đề thi tuyển sinh môn Hóa khối B năm nay khá dễ, kiến thức trọng tâm vừa sức với các em. Đề thi có cấu trúc tương tự đề thi năm 2012, khoảng 55% lý thuyết và 45% bài tập. Học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản có thể làm được 6 điểm. Để đạt được điểm 9, 10, học sinh phải rèn luyện nhiều và phải có kỹ năng giải bài tập vì đề có khoảng 4 câu rất khó. Nhìn chung đề Hóa khối B dễ hơn so với đề khối A.

Thạc sĩ LƯƠNG CÔNG THẮNG (Trường THPT Nhân Việt)

Tin cùng chuyên mục