Nghiêm cấm dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1: Phải từ nhiều phía

Bộ GD-ĐT vừa ra chỉ thị yêu cầu các sở GD-ĐT tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm giúp phụ huynh nhận thức đầy đủ về tác hại của việc học chữ trước khi vào lớp 1, nghiêm cấm các cơ sở giáo dục, giáo viên tổ chức dạy chữ trước chương trình lớp 1. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, xung quanh vấn đề này.
Nghiêm cấm dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1: Phải từ nhiều phía

Bộ GD-ĐT vừa ra chỉ thị yêu cầu các sở GD-ĐT tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm giúp phụ huynh nhận thức đầy đủ về tác hại của việc học chữ trước khi vào lớp 1, nghiêm cấm các cơ sở giáo dục, giáo viên tổ chức dạy chữ trước chương trình lớp 1. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, xung quanh vấn đề này.

* PV: Thưa ông, sau khi Bộ GD-ĐT ra chỉ thị nghiêm cấm dạy chữ cho trẻ trước chương trình lớp 1, Sở GD-ĐT TPHCM đã có những chỉ đạo, kế hoạch cụ thể gì? Trong trường hợp phát hiện giáo viên dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1, cơ quan quản lý sẽ có những biện pháp xử lý nào?

* Ông NGUYỄN HOÀI CHƯƠNG: Không phải chờ đến năm học này Sở GD-ĐT TPHCM mới có những văn bản quy định về việc dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1. Ngay từ đầu các năm học trước, sở đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu các trường nghiêm túc thực hiện việc không dạy chữ, nhắc nhở giáo viên không tham gia các lớp dạy chữ cho trẻ trên địa bàn. Năm nay, sau khi có chỉ thị của Bộ GD-ĐT, các hình thức quản lý và xử phạt sẽ được thực hiện đồng bộ và chặt chẽ hơn. Trong đó, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc quản lý đội ngũ giáo viên. Trường hợp giáo viên bị phát hiện vi phạm sẽ chịu các hình thức xử phạt từ nhắc nhở, làm kiểm điểm đến ra hội đồng kỷ luật nhà trường. Tuy nhiên, tất cả chế tài nói trên chỉ mang tính răn đe là chính. Hoạt động dạy chữ hiện nay xuất phát chủ yếu từ áp lực và nhu cầu của phụ huynh. Mặc dù trong chương trình mẫu giáo đã có phần giúp bé tập làm quen với các chữ cái và con số, nhưng do tâm lý sợ con thua kém bạn bè, nhiều gia đình vẫn cho con đi học trước khiến trình độ các bé chênh lệch, gây khó khăn cho người học lẫn người dạy khi vào năm học mới. Thực tế cho thấy lứa tuổi bắt đầu học chữ ở hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều từ 6, 7 tuổi, dạy chữ sớm quá sẽ khiến các em không tiếp thu tốt kiến thức, khi bước vào năm học phải nhai lại những điều đã được học trước đó, dẫn đến việc thiếu tập trung, ảnh hưởng cả quá trình học tập. Do đó, việc dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 là việc làm không cần thiết, lợi bất cập hại.

Hè là khoảng thời gian học sinh cần được kết hợp các hoạt động học tập và vui chơi, giải trí. Phụ huynh không nên tạo áp lực học chữ cho các em.

Hè là khoảng thời gian học sinh cần được kết hợp các hoạt động học tập và vui chơi, giải trí. Phụ huynh không nên tạo áp lực học chữ cho các em.

* Chỉ thị của Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ yêu cầu khuyến khích các trường tiểu học tăng cường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Song trên thực tế, trước áp lực sĩ số học sinh “heo vàng” năm nay tăng đột biến, Sở GD-ĐT TPHCM đã có những chỉ đạo gì trong việc tổ chức thực hiện cân bằng giữa 2 mục tiêu dạy học 2 buổi/ngày (theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT) và đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả học sinh trên địa bàn?

* TPHCM nhiều năm qua đã có chủ trương tăng số lượng học sinh học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển chung của nhiều nước trên thế giới, tất cả hoạt động học tập, sinh hoạt kỹ năng đều được tổ chức ở trường tiểu học. Tuy nhiên, do những đặc điểm riêng về áp lực dân số, năm học 2013 - 2014, toàn TP tăng gần 10.000 học sinh lớp 1. Riêng các quận ở vị trí cửa ngõ, có nhiều khu công nghiệp như Bình Tân, Gò Vấp chịu áp lực quá tải về hệ thống trường, lớp. Do đó, riêng đối với những khu vực này, Sở GD-ĐT chỉ đạo ưu tiên giải quyết đủ chỗ học cho học sinh trên địa bàn, chấp nhận thu hẹp hệ thống bán trú, lớp học 2 buổi/ngày. Trong điều kiện khó khăn chung về kinh tế, TP vẫn dành nhiều ưu tiên cấp ngân sách xây trường, lớp, quỹ đất trống đầu tư cho giáo dục, song vẫn chưa chạy theo kịp tốc độ gia tăng dân số. Mục tiêu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày hiện nay chỉ áp dụng được ở những khu vực không chịu áp lực cao về dân số.

* Từ đầu năm học 2012 - 2013, TPHCM đã ban hành văn bản số 2089/GDĐT-TH quy định trong 2 đến 4 tuần lễ đầu tiên của năm lớp 1, tất cả giáo viên không được cho điểm học sinh, chỉ ghi nhận xét mang tính động viên, khuyến khích. Đây là một trong những biện pháp nhằm giảm tỷ lệ học sinh học chữ trước khi vào lớp 1. Song trên thực tế, quy định trên vẫn chưa thể khiến phụ huynh an lòng. Năm học 2013 - 2014, Sở GD-ĐT sẽ có thêm những quy định gì nhằm giải tỏa áp lực đó?

* Quy định không cho điểm học sinh trong 2 đến 4 tuần lễ đầu tiên của năm học đã được các trường tiểu học trên địa bàn TPHCM thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Năm nay, nhằm giải tỏa thêm tâm lý lo lắng của phụ huynh và giảm tỷ lệ học sinh học chữ trước khi vào lớp 1, Sở GD-ĐT TPHCM đã có văn bản xin ý kiến Bộ GD-ĐT kéo dài thời gian không cho điểm học sinh lớp 1 lên 1 - 2 tháng. Điều này cũng phù hợp với chủ trương chung của ngành giáo dục là kiểm tra trình độ học sinh lớp 1 dựa trên động viên, đánh giá nhiều hơn cho điểm. Nếu được phê duyệt, quy định sẽ được thực hiện ngay từ năm học 2013 - 2014. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện không thể có ngay trong một sớm một chiều mà cần có thêm thời gian, sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành nhằm tuyên truyền cho xã hội nhận thức đầy đủ hơn về vấn đề này. Khi cầu không còn, cung tự khắc sẽ triệt tiêu.

* Xin cảm ơn ông!

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục