Ngày đầu thi Đại học (đợt 2): Thí sinh bị đình chỉ tăng vọt

Ngày 9-7, thí sinh dự thi ĐH đợt 2 đã hoàn tất môn thi đầu tiên. Thí sinh thi khối B, D hoàn tất thi môn Toán; thí sinh thi khối C hoàn tất thi môn Địa lý.
Ngày đầu thi Đại học (đợt 2): Thí sinh bị đình chỉ tăng vọt

* Đề thi hay, vừa sức, bám sát thời sự

(SGGP).- Ngày 9-7, thí sinh dự thi ĐH đợt 2 đã hoàn tất môn thi đầu tiên. Thí sinh thi khối B, D hoàn tất thi môn Toán; thí sinh thi khối C hoàn tất thi môn Địa lý.

Báo cáo nhanh về ngày thi 9-7 của Bộ GD-ĐT cho thấy, cả nước có 125 trường tổ chức thi với 1.050 điểm thi; 24.407 phòng thi. Ngày hôm qua, cả nước có 648.102 thí sinh dự thi, đạt 78.09% trên tổng số thí sinh đăng ký dự thi.

Bộ GD-ĐT cho hay, đề thi đại học đợt 2 (môn Toán khối B, D và môn Địa lý khối C) được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu; không có sai sót. Theo đánh giá chung ban đầu, đề thi môn Toán khối B và D bám sát kiến thức cơ bản, nằm trong chương trình THPT, có tính phân loại cao; đề thi môn Địa lý gắn với thực tiễn và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, đề cập đến vấn đề biển đảo, khái quát về biển Đông, vấn đề an ninh và tài nguyên biển của Việt Nam…

Thí sinh trao đổi bài làm sau giờ thi môn Toán tại Hội đồng thi Trường THPT Lương Thế Vinh quận 1. Ảnh: Mai Hải

Thí sinh trao đổi bài làm sau giờ thi môn Toán tại Hội đồng thi Trường THPT Lương Thế Vinh quận 1. Ảnh: Mai Hải

Về công tác coi thi, các hội đồng tuyển sinh thực hiện nghiêm túc quy định của Quy chế thi tuyển sinh; không khí trường thi trật tự, an toàn. Các vi phạm Quy chế tuyển sinh được phát hiện, xử lý nghiêm túc, kịp thời. Trong ngày thi đầu tiên, cả nước có có 125 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách: 34; cảnh cáo: 10; đình chỉ: 81); có 2 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật khiển trách. Trong đó riêng buổi thi sáng 9-7 cả nước chỉ có 22 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật, nhưng buổi thi buổi chiều (các môn Sinh khối B, Anh khối D, sử khối C) thì số thí sinh vi phạm tăng vọt lên với 103 thí sinh). Điều đáng tiếc là số bị đình chỉ thi chủ yếu mang điện thoại di động và tài liệu trái phép vào phòng thi.

Sau khi hoàn tất môn Địa lý của khối C, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với tâm trạng khá vui vẻ, thậm chí nhiều thí sinh hân hoan vì đã “trúng tủ”. Đề gồm 4 câu, trong đó 3 câu phần chung, 1 câu phần riêng. Đáng chú ý, 2/3 câu ở phần chung đề cập đến vấn đề phát triển kinh tế biển đảo của nước ta. Cụ thể, ý 1 câu 1 yêu cầu thí sinh trình bày khái quát về biển Đông và nêu các thiên tai ở vùng ven biển nước ta. Toàn bộ câu 2 (3 điểm) yêu cầu thí sinh nêu những điều kiện thuận lợi về tự nhiên để phát triển ngành thủy sản nước ta; trình bày việc khai thác tài nguyên khoáng sản ở vùng biển nước ta. Tại sao các đảo và quần đảo có ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh vùng biển?

Đây là kiểu đề không có gì mới lạ ít nhất trong vòng 3 năm trở lại đây vì cả đề địa thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH hàng năm đều đề cập đến vấn đề biển đảo. Bởi thế, hầu như giáo viên và học sinh đều xác định sẵn tâm thế để học tốt nội dung này. Điều đó cũng đồng thời giúp thế hệ học sinh quan tâm hơn đến biển đảo, vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quốc gia.

Nhiều thí sinh được hỏi cũng thể hiện sự hài lòng với đề địa, nhất là khi bám sát thời sự xã hội. Nhiều em cho biết, dù đề thi không có từ nào đề cập đến 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nhưng khi làm bài, đa số các em đều đề cập đến 2 quần đảo này. Câu hỏi cũng đã xác định cho thế hệ trẻ về chủ quyền biển đảo cùng suy nghĩ sẽ phải sử dụng, khai thác tài nguyên đất nước như thế nào cho hiệu quả cũng như giá trị của đảo và biển đảo trong vai trò bảo vệ đất nước.

PHAN THẢO

Phụ huynh chờ đón thí sinh trước hội đồng thi Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1 TPHCM), điểm thi Trường ĐH Y Dược TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Phụ huynh chờ đón thí sinh trước hội đồng thi Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1 TPHCM), điểm thi Trường ĐH Y Dược TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

*****

Môn Địa lý: Bám sát thời sự

Đề thi bao quát toàn bộ chương trình môn Địa lý lớp 12, gồm Phần riêng: Câu 1 có 2 câu (1 câu về tự nhiên, 1 câu về dân cư); Câu 2 có 2 câu (1 câu về ngành kinh tế, 1 câu về vấn đề biển - đảo); Câu 3: Vẽ biểu đồ và nhận xét. Phần riêng: Câu 4.a: Câu hỏi nằm trong chương trình chuẩn; Câu 4.b: Câu hỏi nằm trong chương trình nâng cao.

Đề có những câu hỏi nhằm kiểm tra kiến thức cơ bản của thí sinh (Câu hỏi nằm trong chương trình học nên chỉ cần học kỹ, nắm vững bài thì các em sẽ trả lời được. Việc lồng ghép câu hỏi về biển Đông trong đề thi theo tôi rất là hay: Vừa hỏi trực tiếp vấn đề biển - đảo, vừa hỏi gián tiếp thông qua khai thác tài nguyên (thủy sản, khoáng sản vùng ven biển, thiên tai…).

Vũ Như Thiên Hương
(giáo viên môn Địa Trường THPT Nhân Việt)

Toán khối B: Câu phân loại khó

Nhìn chung đề thi năm nay, học sinh trung bình có thể đạt trên 6 điểm. Đề thi có tính phân loại ở phân khúc học sinh khá giỏi (điểm 8, 9, 10) vì có ba câu khó: câu 7 (cả 7a, 7b), câu 3, câu 6. Nhìn chung các câu 1, 2, 4, 5 là các câu cơ bản học sinh trung bình bình tĩnh có thể dễ dàng làm tốt phần này. Trong phần riêng, câu 8a, 8b khá cơ bản học sinh khá có thể làm được. Câu khó năm nay (theo truyền thống) vẫn rơi vào phần bất đẳng thức và nằm ở câu 6 nhưng bài toán này có thể khó hơn với các em HS so với mọi năm vì không có điều kiện ràng buộc.

Hoàng Trọng Thủy
(Tổ toán Trung tâm LTĐH Thành Đô Q3 TPHCM)

Đề Anh khối D: Quá dễ

Nhìn chung đề thi năm nay dễ hơn so với năm trước, Phần đọc hiểu dễ hơn nhiều. Kiến thức lớp 12 chiếm khoảng 70%. Thí sinh học lực khá có thể dễ dàng đạt trên 6 điểm. Tuy nhiên, đề thi cũng có tính phân loại cao ở mức điểm giỏi vì có nhiều câu hỏi khó dễ nhầm lẫn câu 31, 33, 62, 63 của mã đề 815, thí sinh muốn giải quyết được những câu hỏi khó này đòi hỏi phải chú ý phần ngữ pháp và cụm từ đi chung thì mới giải quyết được.

Th.S Lại Thị Thắm
(Tổ trưởng tổ Anh văn Trung tâm LTĐH Thành Đô)

Môn Lịch sử: Dễ

Đề thi môn Lịch sử năm nay tương đối dễ, kiến thức phần lớn nằm trong lớp 12. Đối với học sinh học chương trình chuẩn, chỉ cần học thuộc bài kỹ đều có thể đạt điểm trên 7. Phần chung khá dễ, thí sinh chỉ cần siêng năng học thuộc và nắm được bài là có thể làm tốt. Tuy nhiên, đề thi năm nay cũng có tính phân hóa tốt ở phân khúc điểm giỏi vì phần lịch sử nước ngoài (câu 4a, 4b) là câu khó đòi hỏi thí sinh phải biết tổng hợp các sự kiện từ sau năm 1945.

Tổ Lịch sử
Trường THPT Nhân Việt

Đề Sinh học: Nhẹ nhàng

Nhìn chung môn Sinh năm nay khá nhẹ nhàng. Học sinh trung bình có thể dễ dàng đạt trên điểm 5. Đề thi chỉ nâng cao hơn một chút so với đề thi tốt nghiệp THPT (bám sát sách giáo khoa). Học sinh hiểu bài và vận dụng tốt hơn nữa các dạng bài tập trong sách giáo khoa có thể đạt trên 7 điểm. Tuy nhiên đề thi có tính phân loại rất tốt ở phân khúc 9 đến 10 điểm vì đòi hỏi thí sinh phải hiểu rất kỹ bài và sáng tạo mới có thể giải được.

Dương Kim Loan
(Tổ trưởng tổ Sinh - Trung tâm LTĐH Thành Đô)
 

Nhà trường “chiều” người nhà và thí sinh

Năm nay, lần đầu tiên tại Hội đồng thi Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, mặc dù có gần 4.000 thí sinh dự thi, nhưng trước cổng trường hầu như không có bóng dáng phụ huynh, người nhà thí sinh vạ vật chờ con em. Đó là do nhà trường đã bố trí phòng họp 700 chỗ của nhà trường để người nhà thí sinh ngồi đợi con em. Trong hội trường có đầy đủ điều hòa, ti vi, nước uống... Theo GS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, đây chính là nét nổi bật trong công tác tổ chức thi ĐH năm nay của trường. Đặc biệt, nhà trường còn chuẩn bị hàng ngàn suất ăn miễn phí (đợt 1 khoảng 6.000 suất ăn, đợt 2 gần 10.000 suất) cho thí sinh và người nhà có nhu cầu.

Tương tự, tại Trường ĐH Hà Nội, cổng trường giờ thi rất vắng vẻ, yên tĩnh, đó cũng là do nhà trường đã cho mở cửa sân vận động cho thí sinh gửi xe miễn phí, sau đó mời phụ huynh vào nghỉ ngơi trong hội trường lớn, có phục vụ nước uống, trình chiếu về hình ảnh hoạt động của trường, giới thiệu về các chương trình đào tạo.... Với cách làm này, một mặt phụ huynh đỡ vất vả, mặt khác cũng là cơ hội để trường quảng bá hình ảnh, đồng thời tránh được sự lộn xộn, tắc nghẽn giao thông trước cổng trường thường thấy trong kỳ tuyển sinh.

Bị đình chỉ thi, “dọa” giám thị

Trong buổi thi sáng 9-7, tại điểm thi Trường THPT Nhân Chính, thuộc Hội đồng thi ĐH KHXH-NV, ĐHQG Hà Nội, khi các giám thị phòng thi số 10 mới phát đề, chưa đến giờ làm bài, thí sinh Hoàng Văn Bộ (quê Cao Bằng, số báo danh QHLC 00326) đã móc tài liệu từ trong người ra xem. Ngay lập tức, giám thị phòng thi đã lập biên bản đình chỉ thi. Hoảng hốt, nam sinh này đã ghi chú ở giấy nháp thi, tuồn cho giám thị xem: “Cháu cô T., Học viện Cảnh sát” nhằm mong giám thị bỏ qua. Được biết, năm 2012, Bộ thi ngành sư phạm nhưng không đậu, năm nay thi lại vào khoa Luật của Đại ĐHQG Hà Nội. Ông Đinh Việt Hải, Phó phòng Đào tạo, Trường ĐH KHXH-NV cho biết, tất cả các thí sinh mang tài liệu vào phòng thi đều bị đình chỉ thi dù đó là ai.

Bị đình chỉ thi vì điện thoại, tài liệu

Tại cụm thi TPHCM, hơn 220.000 thí sinh bước vào đợt thi thứ 2 các môn thi khối B, C, D1 và vác khối thi năng khiếu. Kết thúc ngày thi hôm qua, nhiều hội đồng thi tại TP đình chỉ nhiều thí sinh do lỗi mang ĐTDĐ và tài liệu.

Đoàn thanh tra Bộ GD-ĐT đã thanh tra đột xuất một số điểm thi. Tại điểm thi THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hội đồng thi ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), đoàn thanh tra nhắc nhở điểm trưởng phải bố trí phòng y tế để phục vụ thí sinh. Tại hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm TPHCM, 2 thí sinh đi trễ đã không được vào thi. Cũng tại hội đồng thi này, khá nhiều phòng thi ghép “2 trong 1” nhưng vẫn không bố trí vách ngăn như quy chế quy định.

Tại Hội đồng thi Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, 2 thí sinh bị đình chỉ vì mang ĐTDĐ, một trường hợp thí sinh đang làm bài bị ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu và hai cán bộ coi thi bị khiển trách do báo cáo nhầm số liệu. Tại Hội đồng thi Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, một thí sinh bị đình chỉ do mang tài liệu vào phòng thi. ĐH Văn Hóa, 1 thí sinh bị đình chỉ do sử dụng tài liệu. ĐH Luật TPHCM, ĐH Cảnh sát Nhân dân đình chỉ 2 thí sinh mang ĐTDĐ và máy nghe nhạc…

Tại điểm thi Trường THCS Colette thuộc Hội đồng thi Trường ĐH Mở TPHCM, 4 thí sinh khiếm thị thi vào ngành Công tác xã hội, Xã hội học, Ngôn ngữ Anh được trường bố trí thi riêng tại một phòng thi và có một giám thị ngồi cùng để giúp đỡ thí sinh. Bài thi của thí sinh sẽ được nhờ các chuyên gia ở trường khiếm thị dịch để chấm điểm.

PHAN THẢO - THANH HÙNG

>> Gợi ý bài giải môn Toán khối B

>> Gợi ý bài giải môn Toán khối D

>> Đề thi môn Địa

>> Gợi ý bài giải môn Địa

Tin cùng chuyên mục