Đại học ngoài công lập đóng cửa cũng là chuyện bình thường

Mùa tuyển sinh đại học (ĐH) 2013 sẽ khép lại vào tuần này. Với các trường công lập mùa tuyển sinh tiếp tục sẽ là công tác chấm thi, xác định điểm chuẩn và đón thí sinh nhập học. Còn đối với các trường ngoài công lập, mùa tuyển sinh chỉ thực sự bắt đầu khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn. Theo dự đoán, năm 2013 có thể tiếp tục là một năm tuyển sinh chật vật của nhiều trường ĐH ngoài công lập vì theo quy định hiện nay, trường ĐH ngoài công lập phải tuyển sinh mỗi năm được 200 sinh viên trở lên, ổn định trong 3 năm mới cho phép tiếp tục đào tạo. Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông LÊ VĂN HỌC, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết:
Đại học ngoài công lập đóng cửa cũng là chuyện bình thường

Mùa tuyển sinh đại học (ĐH) 2013 sẽ khép lại vào tuần này. Với các trường công lập mùa tuyển sinh tiếp tục sẽ là công tác chấm thi, xác định điểm chuẩn và đón thí sinh nhập học. Còn đối với các trường ngoài công lập, mùa tuyển sinh chỉ thực sự bắt đầu khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn. Theo dự đoán, năm 2013 có thể tiếp tục là một năm tuyển sinh chật vật của nhiều trường ĐH ngoài công lập vì theo quy định hiện nay, trường ĐH ngoài công lập phải tuyển sinh mỗi năm được 200 sinh viên trở lên, ổn định trong 3 năm mới cho phép tiếp tục đào tạo. Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông LÊ VĂN HỌC, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết:

Ông Lê Văn Học

Ông Lê Văn Học

Quy định là vậy trong khi thực tế trong thời gian qua, có trường cả năm không tuyển được sinh viên nào. Đó là thực tế rất khó khăn. Dĩ nhiên Chính phủ cho phép trường ĐH có thể có thời gian để khắc phục khó khăn, ví dụ như trường có thể kéo dài tình trạng không tuyển sinh được trong 3 năm, nhưng sau đó thì phải tính. Bài toán đặt ra là, 3 năm liên tiếp mà nhà trường không tuyển được 200 sinh viên/năm thì sẽ không có nguồn thu để tồn tại. Như thế khó có khả năng để duy trì sự phát triển hoạt động, kể cả đơn giản nhất là duy trì bộ máy. Vì vậy, các trường phải tìm giải pháp để thu hút người học, dĩ nhiên là người học chỉ vào trường khi cảm thấy yên tâm về môi trường giáo dục, tốt nghiệp ra có việc làm.

* Ông nhận định gì về nhận thức của xã hội đối với giáo dục ĐH ngoài công lập trong thời gian qua?

* Ông LÊ VĂN HỌC: Đến thời điểm này, xã hội đã nhận thức rất rõ là mình không thể trả học phí cao hơn trường công lập rất nhiều để vào một nơi mà không có trường, phải đi thuê; đội ngũ giảng viên cũng gần như đi thuê. Người học không thể chấp nhận tình trạng đó mãi: học phí thì cao, cơ sở vật chất và đội ngũ thì tạm bợ trong khi cũng chưa có gì bảo đảm về việc làm sau khi ra trường. Đó là sự thay đổi về mặt nhận thức rất lớn trong mấy năm qua.

* Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mới đây tiếp tục kiến nghị giảm chỉ tiêu tuyển sinh, đình chỉ mở ngành và đình chỉ hoạt động, sáp nhập, hạ cấp hoặc giải thể những trường ĐH sau nhiều năm hoạt động nhưng vẫn không thực hiện cam kết thành lập trường, không hội tụ đủ năng lực, điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Theo ông, giải thể có phải là giải pháp mạnh tay cần triển khai?

* Giải pháp đóng cửa là cực chẳng đã, khi mà không có giải pháp nào tốt hơn, nhất là khi phải tính tới các yếu tố về kinh tế-xã hội. Cần phải đánh giá khách quan thế này, số trường ĐH ngoài công lập hiện chưa phải là quá nhiều, nhưng số trường có chất lượng thì không nhiều. Nhưng nếu các trường ngoài công lập có uy tín thì họ vẫn phát triển tốt như ĐH Thăng Long, Hoa Sen, FPT, Dân lập Hải Phòng, Công nghệ và kinh doanh Hà Nội… Đó là những trường có ý thức về đầu tư cơ sở vật chất, làm ăn bài bản, đầu tư cho đội ngũ, quan tâm đến sinh viên, cùng với đó gắn với các hoạt động xã hội để củng cố uy tín của mình. Vì thế trong những năm qua họ vẫn tuyển sinh đạt chỉ tiêu và sinh viên ra trường vẫn tìm được việc làm. Còn những trường không phát triển được thì thể hiện rất rõ: không có trường (địa điểm phải đi thuê), tuyển sinh không được, vì thế chất lượng nhà trường không có gì bảo đảm cả.

Cần thấy rõ là Nhà nước chưa đóng cửa trường nào cả. Đây mới chỉ là đưa ra điều kiện nếu trong 3 năm tới, mỗi năm trường tuyển không được 200 sinh viên thì phải tính. Nhưng tôi nghĩ, nếu rơi vào tình trạng đó thì Nhà nước không cần ra lệnh trường đóng cửa thì các nhà trường cũng phải tự đóng, vì họ không đủ nguồn lực để phát triển.

* Các trường ngoài công lập đầu tư cơ sở vật chất tốt (ví dụ ĐH Hà Hoa Tiên - Hà Nam) nhưng không tuyển sinh được sau vài ba năm, nếu phải đóng cửa thì rất lãng phí. Theo ông có giải pháp nào tích cực hơn không?

* Nhiều trường được coi là có điều kiện cơ sở vật chất tốt, theo tôi cũng chỉ là có được những phòng học tốt thôi. Chứ cơ sở vật chất của họ cũng không có gì đáng kể. Nói thật, ngoài bàn ghế, máy tính ra thì có gì đâu, vì họ toàn đào tạo những ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, khoa học xã hội nhân văn... tức là thiên về đào tạo lý thuyết. Mà đã đào tạo lý thuyết thì các trường ĐH ngoài công lập không bao giờ có thể sánh về chất lượng với các trường công lập có uy tín cả, ví dụ như ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện ngân hàng, ĐH ngoại ngữ... Nếu trường đã không thể “đua” được với các trường hàng đầu đó thì phải chấp nhận rủi ro. Cũng có thể nói là trường đã quyết định đầu tư sai hướng.

Tôi lấy ví dụ như ĐH Hà Hoa Tiên chẳng hạn, chủ đầu tư đang sản xuất sắt thép, xi măng, nếu anh muốn có một trường ĐH, nhưng cách đầu tư thế nào để phát triển được một trường ĐH thì cần phải xem xét thận trọng. Không nên đầu tư thành lập trường ĐH theo “mốt”, có trường ĐH để nổi tiếng thêm. Nếu đầu tư thực sự như ĐH FPT chẳng hạn, họ mở trường ĐH đào tạo nhân lực để phục vụ cho chính doanh nghiệp, gắn liền với ngành nghề sản xuất của họ và không tiếc tiền đầu tư để bảo đảm chất lượng đào tạo. ĐH Hà Hoa Tiên đâu có đào tạo kỹ sư đúc - luyện kim; vật liệu xây dựng; trái lại họ đào tạo những ngành nghề không phục vụ cho mục đích sản xuất của mình. Đó là bài học mà các doanh nghiệp, các chủ đầu tư cần phải thuộc lòng nếu muốn đầu tư mở trường đại học. Nếu trường không phát triển được thì họ có thể đóng cửa trường thì theo tôi, đó cũng là điều bình thường, không có gì nặng nề cả.

* Theo quy định của Nghị quyết 50/2010/QH12, sau 3 năm kể từ năm 2010, các cơ sở GDĐH vẫn chưa có cơ sở riêng thì phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh, đình chỉ hoặc giải thể, nhưng sau nhiều đợt thanh tra, Bộ GD-ĐT vẫn chưa đưa ra danh sách các trường dự kiến phải giải thể. Thay vào đó, Bộ từng có chủ trương sẽ sáp nhập một số trường ĐH yếu kém. Ông có tán thành giải pháp này không?

* Sáp nhập cũng không đơn giản. Đó là quyền của các nhà đầu tư. Họ đầu tư nhà trường là đã có phương hướng phát triển rồi. Theo tôi, Nhà nước không nên dùng biện pháp là quyết định sáp nhập trường này trường kia. Nên để các nhà đầu tư hoàn toàn tự nhiên. Họ có thể xin phép Nhà nước sáp nhập 2-3 trường thành 1 trường, đó là việc của họ. Ví dụ ĐH Hà Hoa Tiên chẳng hạn, họ có thể xin sáp nhập với ĐH công nghệ và kinh doanh Hà Nội, biến ĐH Hà Hoa Tiên thành 1 địa điểm đào tạo của trường này; hoặc là xin làm một chi nhánh của một trường nào đó.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục