Đổi mới chương trình, SGK phổ thông - Đội ngũ giáo viên đóng vai trò quan trọng

Sáng 10-4, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật nhằm đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông tiếp tục có buổi làm việc với Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

(SGGP).- Sáng 10-4, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật nhằm đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông tiếp tục có buổi làm việc với Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Tại đây, đoàn đã lắng nghe báo cáo của đơn vị về tình hình đào tạo, trang thiết bị, cơ sở vật chất, trình độ giảng viên cũng như kiến nghị về các chính sách đầu tư cho ngành sư phạm. PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, khó khăn lớn nhất của trường hiện nay là trình độ đội ngũ giảng viên. Trong tổng số 609 giảng viên chỉ 20 người có học hàm PGS-TS, 113 TS, chiếm tỷ lệ 21,8%, thiếu hụt trầm trọng đội ngũ kế thừa. Ngoài ra, với tổng diện tích cơ sở là 3,7ha với hơn 100 phòng học, đơn vị chưa đủ điều kiện trang bị hệ thống phòng chức năng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu người học. Bên cạnh đó, quy định tổng thời gian đào tạo hiện nay là 4 năm, quá ngắn so với nhu cầu thực tập của sinh viên sư phạm. Chính sách nhà ở công vụ cho cán bộ, giảng viên chưa có cũng là một trong những điểm yếu khiến người giỏi không thích vào ngành sư phạm.

Tại buổi làm việc, đoàn cũng đã lắng nghe, trao đổi về một số bất cập chính xoay quanh nội dung chương trình và SGK phổ thông hiện nay như nặng về trang bị kiến thức hàn lâm, nhiều nội dung chưa gắn với nhu cầu thực tế, có sự trùng lắp giữa các cấp học, chưa thể hiện được sự phân hóa, định hướng phát triển năng lực, nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp, chú trọng nhiều đến nội dung mà bỏ qua hướng dẫn phương pháp, thiếu khuyến khích tinh thần tự học của học sinh. Từ đó, lãnh đạo nhà trường kiến nghị cần xây dựng chương trình theo hướng tích hợp, bổ sung vào đội ngũ biên soạn SGK những người đang trực tiếp giảng dạy để nội dung chương trình bám sát thực tế, hình thức in ấn, thiết kế cần chuyên nghiệp, các hình ảnh, bảng biểu phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý học sinh. Đồng thời nhấn mạnh tính cần thiết của việc ban hành quy chế bồi dưỡng giáo viên, sau 3-5 năm cần được bồi dưỡng, đào tạo lại về phương pháp giảng dạy, tránh tình trạng chạy đua máy móc theo thành tích hiện nay.

“Đội ngũ thầy cô giáo chính là bộ lọc quan trọng, giúp tinh giản những nội dung cồng kềnh hoặc bổ sung những thiếu sót mà bất kỳ bộ SGK nào cũng mắc phải” - PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, ĐH Sư phạm TPHCM, nhấn mạnh.  

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục