Giáo dục âm nhạc học đường

Nghệ thuật dân tộc cuốn hút trẻ thơ

Vào những ngày đầu năm mới, các nghệ sĩ của CLB Tiếng hát Quê hương (trực thuộc Cung văn hóa Lao động TPHCM) đã có buổi giao lưu, biểu diễn, giới thiệu với các em học sinh Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5) về các nhạc cụ âm nhạc dân tộc truyền thống Việt Nam. Đây là một trong những tiết học ngoại khóa đặc biệt, thu hút các em chú tâm theo dõi.
Nghệ thuật dân tộc cuốn hút trẻ thơ

Vào những ngày đầu năm mới, các nghệ sĩ của CLB Tiếng hát Quê hương (trực thuộc Cung văn hóa Lao động TPHCM) đã có buổi giao lưu, biểu diễn, giới thiệu với các em học sinh Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5) về các nhạc cụ âm nhạc dân tộc truyền thống Việt Nam. Đây là một trong những tiết học ngoại khóa đặc biệt, thu hút các em chú tâm theo dõi.

Đây cũng là lần đầu tiên 800 em học sinh của Trường Tiểu học Minh Đạo được học giờ ngoại khóa đặc biệt đầu năm 2013. Các em được nghe và xem các nghệ sĩ biểu diễn, mở rộng sự hiểu biết về các loại nhạc cụ dân tộc như: đàn nhị, đàn K’ní, đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tranh, đàn tì bà, đàn T’rưng, sáo trúc, trống cơm, bộ gõ, lục lạc, mõ; lắng nghe và phân định sự khác biệt độc đáo giữa các điệu ru con miền Bắc, miền Trung, miền Nam. NGƯT Phạm Thúy Hoan - người dẫn chương trình, giới thiệu các loại nhạc cụ dân tộc, đã tạo nên không khí sôi nổi cho buổi giao lưu bằng hàng loạt tiết mục: Cả nhà thương nhau, Đi học, Cô và Mẹ, Trống cơm, Lý ngựa ô…

Các em học sinh trong CLB Dân ca Trường Tiểu học Minh Đạo quận 5 biểu diễn liên khúc dân ca ba miền.

Các em học sinh trong CLB Dân ca Trường Tiểu học Minh Đạo quận 5 biểu diễn liên khúc dân ca ba miền.

Thầy Lê Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Đạo cho biết: “Đây là một chuyên đề - chương trình giao lưu, biểu diễn, giới thiệu nhạc cụ dân tộc rất có ý nghĩa và bổ ích cho học sinh. Sau khi chương trình kết thúc, học sinh khối lớp 4 và khối lớp 5 sẽ làm bài thu hoạch, viết cảm nhận về buổi học ngoại khóa đặc biệt này”.

Từ 3 năm qua, Trường Tiểu học Minh Đạo đã xây dựng và đưa vào hoạt động CLB Dân ca với 50 em tham gia sinh hoạt thường xuyên. Sân chơi này đã tạo điều kiện để các em học sinh được tìm hiểu, tham gia học múa, hát những bài hát dân ca, hò, vè với nhạc cụ đệm bộ gõ (song loan, thanh phách). Từ đây, các tiết mục văn nghệ được dàn dựng thành những chương trình biểu diễn phục vụ cho hoạt động của nhà trường như: Lễ khai giảng, kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tổng kết năm học. Ngay trong lễ chào cờ đầu tuần, các em học sinh toàn trường cũng được học hát dân ca, cùng tập hát những bài hát mang âm hưởng dân ca ca ngợi trường học, tình bạn…

Đưa âm nhạc dân tộc vào giảng dạy ở học đường là mô hình giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cần được nhân rộng. Chính hoạt động ngoại khóa này sẽ giúp âm nhạc dân tộc được tiếp cận và gắn bó với thế giới trẻ thơ, cho các em có những hiểu biết căn bản nhất về âm nhạc truyền thống, nhạc cụ dân tộc. Đó còn là kiến thức nền góp phần nâng cao tính văn hóa, thẩm mỹ âm nhạc, nuôi dưỡng tình cảm, tình yêu quê hương ngay từ nhỏ cho trẻ em Việt Nam. Từ đó, lực lượng công chúng, khán giả trẻ tương lai mới có thể chung tay phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà bằng cách thưởng thức văn hóa nghệ thuật có chọn lọc.

Giáo sư Trần Văn Khê đã từng phát biểu: “Một khi thế hệ trẻ được trang bị đầy đủ kiến thức về văn hóa, âm nhạc dân tộc thì sẽ dễ dàng chống đỡ sự xâm chiếm, bành trướng của văn hóa ngoại lai…”. Nhiều giáo viên dạy văn cũng bày tỏ quan điểm: âm nhạc đã góp phần không nhỏ giúp chắp cánh cho thơ, văn được bay bổng. Vậy thì công tác giáo dục âm nhạc học đường nhất thiết cần được các đơn vị chức năng, cơ quan hữu quan quan tâm và đầu tư phát triển nhiều hơn để có thể góp phần nâng cao chất lượng giáo dục thẩm mỹ văn hóa cho các em học sinh đang theo học ở các trường học, từ mẫu giáo đến cấp 1, cấp 2, cấp 3…

NGƯT Phạm Thúy Hoan - người nghệ sĩ luôn chất đầy tâm huyết với dự án đưa âm nhạc dân tộc vào học đường trăn trở: “Giáo dục âm nhạc dân tộc trong học đường luôn đem lại nhiều lợi ích. Các em được làm quen với các làn điệu dân ca, tiếp nhận những cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân gian, đó cũng là cách học để các em dần tự hoàn thiện nhân cách, nâng cao lòng tự hào về âm nhạc dân tộc mình và định hướng được sự thưởng ngoạn văn hóa nghệ thuật trong cuộc sống. Chỉ tiếc là trong thời gian qua, tại thành phố có nhiều dự án, chương trình thí điểm đưa âm nhạc, nghệ thuật dân tộc vào học đường nhưng lại không được tiếp tục phát triển nhân rộng, chưa quyết tâm làm đến cùng”. Đó cũng là nỗi niềm ưu tư, trăn trở của rất nhiều nghệ sĩ, những người quan tâm đến công tác giáo dục âm nhạc học đường thời gian qua.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục