Pha giọng

Để muốn chứng tỏ con mình có khả năng diễn đạt ngôn ngữ đa dạng mà hiện nay một số cha mẹ cổ vũ, khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho con trẻ tập pha giọng.

Đứa cháu con anh tôi là một ví dụ. Trước đây gia đình còn ở miền Trung, anh công tác ở Hà Nội, 2 tuần về nhà một lần. Nhận thấy việc phát âm chuẩn sẽ giúp con diễn đạt tốt các vấn đề, anh chị tôi nhất định dạy cháu nói được giọng Hà Nội. Nay gia đình chuyển vào Nam, anh chị lại tập cho cháu nói thành thạo giọng miền Nam dù cháu mới 9 tuổi. Giờ đây cháu có thể nói được chất giọng 3 miền, ngoài ra anh chị tôi còn yêu cầu cháu hàng ngày nên sử dụng một số từ bằng tiếng Anh trong giao tiếp để rèn kỹ năng sau này.

Một đứa cháu họ hàng bên ngoại tôi hôm nọ về thăm quê ở miền Trung, trong câu chuyện bữa cơm gia đình mà mới vài câu thôi cháu đã dùng các cụm từ tiếng Anh pha lẫn lộn giọng Nam với giọng Bắc làm cho ông bà cứ lúng túng không hiểu. Nào là “chuyến bay của cháu từ Sài Gòn - Hà Nội phải delay mất 2 tiếng”, nào là “cháu đi đường mà suýt té mấy lần, đường làng dạo này tệ quá”…Vậy mà anh chị tôi không những không nhắc nhở con cách nói năng cho hợp lý mà còn ra vẻ con mình linh hoạt trong cách nói chuyện.

Qua hai câu chuyện này, có lẽ ở câu chuyện thứ nhất nhiều người ủng hộ, còn câu chuyện thứ hai đa số các bậc phụ huynh phản đối. Tuy nhiên thói “pha giọng” khiến người khác khó hiểu cũng có một số phụ huynh bao biện, thậm chí còn cổ xúy, ủng hộ. Chúng ta nên hiểu sao cho đúng? Thực ra mặt tích cực, pha giọng là thay đổi giọng điệu âm thanh khi nói cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thay đổi. Nếu thực hiện tốt khả năng pha giọng sẽ giúp nhanh chóng thích ứng với môi trường mới, hòa nhập với mọi người xung quanh. Về một vùng quê nào nếu mình nói được giọng của địa phương đó sẽ rất thuận lợi cho quá trình mua bán, trao đổi, nhanh chóng tạo thiện cảm với mọi người.

Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng có khả năng pha giọng, dẫn đến một hiện tượng khá lố bịch là đang nói giọng miền Nam sau một hồi say sưa kể chuyện, tán gẫu chuyển về chính hiệu giọng miền Trung, miền Bắc lúc nào không hay. Lại có trường hợp một số trẻ tiếng Anh A-B-C bẻ đôi không biết, nghe người lớn nói thì bắt chước pha giọng tiếng Việt lẫn tiếng Anh lại càng nên lố bịch, kịch cỡm, vậy mà cha mẹ còn cổ vũ, động viên, tự hào.

Th.S Nguyễn Văn Công

Tin cùng chuyên mục