Bài 3: Tạo đột phá: Bao giờ?

Từ cách làm của TPHCM
Bài 3: Tạo đột phá: Bao giờ?

Đề án dạy và học ngoại ngữ

Nhìn sang các nước lân cận như Singapore, Malaysia, Philippines chúng ta sẽ thấy lợi thế nói tiếng Anh lưu loát của người dân chính là chìa khóa của thành công và họ dễ dàng hội nhập nhanh với thế giới, môi trường làm việc đa văn hóa. Vậy đến bao giờ giới trẻ Việt Nam có thể tự tin giao tiếp, sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ?

Cô Phạm Thị Ái Huế, Trường THPT Lương Văn Can, quận 8 trong giờ dạy Anh văn cho học sinh lớp 12. Ảnh: MAI HẢI

Cô Phạm Thị Ái Huế, Trường THPT Lương Văn Can, quận 8 trong giờ dạy Anh văn cho học sinh lớp 12. Ảnh: MAI HẢI

Từ cách làm của TPHCM

Sau 10 năm thực hiện chương trình thí điểm tiếng Anh tăng cường (TATC) và áp dụng chuẩn quốc tế đánh giá trình độ của học sinh ở từng cấp học cách đây 3 năm, TPHCM đã đạt được chỉ số vàng khi tăng tỷ lệ học sinh đi du học gấp 3 lần so với 7 năm về trước. Đó là đánh giá của bà Vũ Thị Tú Anh, Phó Trưởng ban Thường trực Đề án 2020 và Bộ GD-ĐT khuyến khích nhân rộng mô hình này. Ngoài TATC, TPHCM còn triển khai song song 3 hình thức dạy ngoại ngữ nữa là tiếng Anh tự chọn theo đề án “Phổ cập - nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp giai đoạn 2011 - 2020 của UBND TPHCM”, tiếng Anh theo Đề án 2020 của Bộ GD-ĐT và chương trình tiểu học quốc tế Cambridge.

Việc mở ra nhiều hình thức dạy và học tiếng Anh nhằm tạo sự lựa chọn phù hợp với điều kiện và túi tiền của phụ huynh lẫn nhà trường. Trừ tiếng Anh đề án của Bộ GD-ĐT không thu tiền (chỉ đóng thêm tiền khi thuê giáo viên nước ngoài, sử dụng phần mềm hỗ trợ), còn lại đều thu tiền với mức 70.000 - 250.000 đồng/học sinh/tháng đối với TATC; 40.000 - 120.000 đồng/tháng/học sinh đối với tiếng Anh tự chọn và cao nhất là chương trình tiểu họ Cambridge với mức 3 triệu đồng/tháng. Theo đánh giá của các giáo viên dạy tiếng Anh, họ thích dạy TATC hơn các hình thức khác vì có thêm thu nhập và nội dung chương trình, sách tham khảo do nước ngoài biên soạn phù hợp với lứa tuổi học sinh, hình ảnh đẹp, dễ tiếp thu và học sinh cũng hào hứng học tập. Việc đánh giá năng lực, trình độ học sinh theo từng lứa tuổi và theo chuẩn quốc tế cũng khiến học sinh có động lực học tập để đạt được chuẩn cao hơn, tự tin trong giao tiếp, sử dụng tiếng Anh lưu loát hơn. Điều này đã tạo sự tin tưởng trong phụ huynh và họ nghiêng về chọn TATC thay vì cho con học tiếng Anh đề án.

Như thế, trước việc thu hẹp nhu cầu học tiếng Anh theo Đề án 2020, Bộ GD-ĐT có nên bắt buộc TPHCM - nơi có điều kiện chủ động dạy tiếng Anh với chuẩn cao hơn? Một bất cập khác là Bộ GD - ĐT khen ngợi cách làm tiên phong của TPHCM trong việc thí điểm dạy TATC nhưng lại không công nhận kết quả đào tạo theo chuẩn quốc tế của TPHCM. Hàng ngàn học sinh THCS đang học chương trình TATC với trình độ cao, tiếp cận chuẩn quôc tế và 1 tuần được học 8 tiết nhưng vẫn phải quay về học 2 tiết chương trình tiếng Anh phổ thông của Bộ GD-ĐT với trình độ thấp hơn rất nhiều. Điều này đang gây sự nhàm chán đối với học sinh THCS. Trong khi nhiều học sinh học TCTA đạt kết quả cao chỉ để tham khảo thì các em lại phải chịu áp lực thi cử ngoại ngữ theo lối mòn, đánh giá theo chuẩn Việt Nam (!?). Từ thực tế này, Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu và giao quyền tự chủ trong thực hiện Đề án 2020 cho các địa phương, thay vì “ôm” và quản không hết.

Thêm giải pháp khoa học, bài bản

Trước yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ, tạo tín hiệu rõ rệt trong dạy và học tiếng Anh, nhiều đại biểu tham dự hội nghị giao ban về 3 năm triển khai Đề án 2020 cũng đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp căn cơ và khoa học hơn. Cái khó nhất vẫn là thiếu kinh phí để thực hiện các giải pháp nâng cao trình độ giáo viên, đầu tư trang thiết bị và thuê giáo viên nước ngoài đến giảng dạy, tạo môi trường giao tiếp tiếng Anh chuẩn… Nhiều ý kiến cho rằng nên tạo điều kiện, tổ chức cho giáo viên đi bồi dưỡng, giao lưu ở nước ngoài, dù là thời gian ngắn. Bởi lẽ nếu không được tạo điều kiện trau dồi kỹ năng nghe, nói thì dù được bồi dưỡng, lấy bằng cấp chuẩn, giáo viên cũng sẽ bị tụt hậu, khả năng giao tiếp hạn chế. Bên cạnh đó, các trường ĐH, ngành GD-ĐT các địa phương nên phối hợp với các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho giáo viên giao lưu với các tình nguyện viên nước ngoài đến Việt Nam vào các dịp hè. Song song đó, ngành GD-ĐT cũng đẩy mạnh chương trình học tiếng Anh trực tuyến - xu hướng học ngoại ngữ đang phát triển mạnh trên thế giới, vì lý do tiết kiệm chi phí, tiện ích, hiệu quả. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã chỉ đạo cần sớm hoàn thiện xây dựng chương trình đào tạo, sách giáo khoa thống nhất từ trên xuống và mở các trung tâm kiểm định không chạy theo số lượng, đảm bảo chất lượng; tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên, đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ việc dạy và học tiếng Anh hiệu quả…

Kiến nghị về các giải pháp cần hoàn thiện, một số chuyên gia cho rằng, Bộ GD-ĐT cần tổ chức hội thảo khoa học và xác định lại bảng điểm quy đổi trước đã. Cụ thể, là C1, B1, B2… ứng với iBT TOEFL, IELTS bao nhiêu? Chỉ việc này thôi cũng đòi hỏi công trình nghiên cứu nghiêm túc và tốn kém không ít thời gian, tiền bạc. Theo giảng viên Lê Huy Lâm, hiện nay chưa có một bảng quy chuẩn chính thức nào liên quan đến việc này và ông cảnh báo việc vận dụng tùy tiện của một vài địa phương về đánh giá năng lực ngôn ngữ. Cụ thể có nơi sử dụng TOEIC, trong khi nó không phải là bài thi đánh giá năng lực ngôn ngữ tổng quát và không thể có mức điểm tương đương C2 như một số người nhầm nghĩ. Trên cơ sở của bảng quy chuẩn thống nhất, người học sẽ chủ động xây dựng kế hoạch học tập, nâng cao chuẩn theo yêu cầu.

Đối với giáo viên - những người quyết định sự thành công của đề án, nhất thiết phải đạt chứng chỉ quốc tế một cách chính xác. Bởi lẽ, cứ nhùng nhằng với bệnh thành tích, không dám dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật và “tự phong chuẩn” của ta cho ta là không ổn. Như thế ngành GD-ĐT chỉ nên xác định chuẩn và các mức điểm tương đương và yêu cầu giáo viên phải thi Cambridge Main Suite, IELTS, iBT TOEFL… và nộp điểm về cho cơ quan quản lý. Dù tốn kém nhưng kết quả chuẩn xác, giúp sàng lọc giáo viên không đạt chuẩn và học sinh, sinh viên khi cầm chứng chỉ tương tự đi du học cũng được phía nước ngoài chấp nhận, không phải thi lại. Bởi lẽ đích đến của Đề án 2020 là nâng cao trình độ ngoại ngữ của công dân giúp họ tự tin hội nhập, làm việc trong môi trường đa văn hóa nên đã làm phải tuân theo chuẩn quốc tế. Xuất phát điểm của chúng ta yếu, thiếu nền tảng nên cần quyết tâm cao hơn để tạo sự chuyển biến “thần tốc” trong dạy và học tiếng Anh như mong muốn.

KHÁNH BÌNH - THU TÂM

- Bài 2: Không bột khó gột nên hồ

Tin cùng chuyên mục