Lỗ hổng từ chính sách quản lý

Mấy ngày qua, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ bạo hành trẻ mầm non diễn ra ở quận Thủ Đức TPHCM. Thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện còn khoảng 29% nhóm lớp mầm non chưa được cấp phép do không đảm bảo điều kiện. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có hàng ngàn trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo bị đặt vào vòng nguy hiểm. Làm sao khắc phục tình trạng trên vẫn là bài toán khó đặt ra cho các nhà quản lý.

Chỉ thị 1408/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và bảo vệ trẻ em đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2010. Trong đó quy định rõ: “Nếu để xảy ra các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo cao nhất ở địa phương”. Tuy nhiên, sau gần 3 năm đi vào cuộc sống, trên địa bàn cả nước đã có hàng trăm vụ bạo hành bị phanh phui nhưng chưa có lãnh đạo địa phương nào bị truy tố trách nhiệm.

Trước đó ở TPHCM, tháng 3-2008, UBND TPHCM đã ban hành Chỉ thị 03 về chấn chỉnh, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ ở các trường, lớp, cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn TP. Theo đó, kế hoạch nêu rõ đến tháng 4-2008, TP giải quyết dứt điểm những cơ sở không đủ điều kiện triển khai trường, lớp nuôi dạy trẻ. Tháng 8 chấm dứt tình trạng cô nuôi dạy trẻ không đạt nghiệp vụ chuyên môn theo yêu cầu. Tháng 9 bảo đảm 100% cơ sở mầm non đều có phép hoạt động. Nhưng xem ra đến nay, tất cả mục tiêu trên đều trở thành điều không tưởng. Bên cạnh đó, chỉ thị còn nêu rõ khuyến khích các khu công nghiệp, khu chế xuất xây dựng trường mầm non, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người lao động. Song từ đó đến nay, gần 6 năm đã trôi qua nhưng mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ. Bài toán xóa bỏ các điểm trường mầm non, nhà trẻ không phép vẫn tồn tại như một thách thức đối với các nhà quản lý.

Thêm vào đó, khi thông tin về trình độ học vấn và lịch sử công tác của bị can Lê Thị Đông Phương, chủ nhóm trẻ tư thục Phương Anh (quận Thủ Đức), được công khai trên các phương tiện truyền thông, một lần nữa dư luận đặt câu hỏi về tính hiệu quả của quá trình đào tạo ở trường đại học. Không thể tin một cử nhân có bằng tốt nghiệp loại khá chuyên ngành mầm non của một trường đại học có uy tín hàng đầu về đào tạo giáo viên của TP, từng có thời gian dài công tác tại một trường công lập trên địa bàn quận 1, lại có những hành xử man rợ đến như vậy. Một giảng viên (xin được giấu tên) của Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết, do hiện nay phân bổ của chương trình đào tạo mới tập trung nhiều vào việc truyền đạt kiến thức nhưng lại chưa quan tâm đúng mức đến các vấn đề về chăm sóc dinh dưỡng, tâm sinh lý trẻ em. Hậu quả là sau khi ra trường, sinh viên nắm rất vững về kiến thức chuyên môn nhưng lại yếu về kỹ năng chăm sóc.

Hiện nay ở các địa phương, tỷ lệ nhóm trẻ gia đình đang tăng nhanh đến mức chóng mặt. Trưởng một nhóm trẻ gia đình ở quận Gò Vấp cho biết, theo quy định của Bộ GD-ĐT, số trẻ tối đa cho một nhóm trẻ không được quá 60 bé nhưng trên thực tế, do nhu cầu gửi con của người dân hiện nay khá cao nên hầu hết các nhóm đều tăng số lượng trẻ lên đến con số hàng trăm. Đó là chưa kể bên cạnh những nhóm trẻ được cấp phép, địa phương nào cũng tồn tại một số lượng lớn nhóm trẻ không phép đang hoạt động…

Bên cạnh đó, dù Bộ GD-ĐT không thừa nhận nhưng trên thực tế cho thấy, do chạy theo tỷ lệ phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi đã khiến chỗ học cho trẻ lứa tuổi thấp hơn ngày càng teo tóp. Lãnh đạo nhiều trường mầm non thừa nhận phải “làm ngơ” trẻ 2-4 tuổi để dành chỗ cho trẻ 5 tuổi theo yêu cầu của đề án phổ cập. Còn nhớ, tại hội nghị trực tuyến về triển khai năm học 2013 - 2014 của bậc học mầm non, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang thừa nhận tỉnh phải dành gần hết ngân sách giáo dục cho việc thực hiện đề án phổ cập, trong đó giảm quy mô nhóm lớp 3, 4 tuổi, trưng dụng cả phòng của học sinh tiểu học để thực hiện đề án phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Mặc dù theo quy định của điều lệ trường mầm non, các trường có nhiệm vụ phải tiếp nhận, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi. Song trên thực tế, nhóm trẻ từ 3-36 tháng tuổi gần như đã bị dạt ra khỏi hệ thống trường, lớp công lập. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhóm trẻ gia đình ngày càng bùng phát, chất lượng bị bỏ ngỏ trong suốt thời gian dài.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục