Các trường tổ chức tuyển sinh riêng: Kiểm soát chất lượng ra sao?

Một lần nữa Bộ GD-ĐT khẳng định 3 năm tới vẫn thi tuyển sinh đại học “3 chung”. Tuy nhiên, trong năm 2014 có thể một số trường sẽ được Bộ GD-ĐT đồng ý cho tuyển sinh riêng theo đúng quy định của Luật Giáo dục đại học “các trường có thể tuyển sinh bằng 3 hình thức: thi tuyển, xét tuyển và kết hợp vừa thi tuyển vừa xét tuyển”. Có thể nói, dư luận đồng tình việc giao quyền tuyển sinh cho các trường, tuy nhiên bên cạnh đó cũng quan ngại đến vấn đề kiểm soát chất lượng sẽ như thế nào.
Các trường tổ chức tuyển sinh riêng: Kiểm soát chất lượng ra sao?

Một lần nữa Bộ GD-ĐT khẳng định 3 năm tới vẫn thi tuyển sinh đại học “3 chung”. Tuy nhiên, trong năm 2014 có thể một số trường sẽ được Bộ GD-ĐT đồng ý cho tuyển sinh riêng theo đúng quy định của Luật Giáo dục đại học “các trường có thể tuyển sinh bằng 3 hình thức: thi tuyển, xét tuyển và kết hợp vừa thi tuyển vừa xét tuyển”. Có thể nói, dư luận đồng tình việc giao quyền tuyển sinh cho các trường, tuy nhiên bên cạnh đó cũng quan ngại đến vấn đề kiểm soát chất lượng sẽ như thế nào.

Mở cửa hay thả cửa?

Ngay khi Bộ GD-ĐT công bố, Dự thảo Quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đã được xã hội ủng hộ. Song nhìn vào thực tế gần 20 đề án tuyển sinh riêng gửi về Bộ GD-ĐT từ năm 2010 (thời điểm Bộ GD-ĐT ra thông báo cho các trường xây dựng phương án tuyển sinh riêng) đến nay tất cả đều của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Đề án của các trường đều có điểm chung, đó là vừa xét tuyển riêng, vừa xét kết quả của thí sinh thi “3 chung”.

Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu để vừa kiểm soát được chất lượng đào tạo vừa giúp các trường có phương án tuyển sinh khoa học.

Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu để vừa kiểm soát được chất lượng đào tạo vừa giúp các trường có phương án tuyển sinh khoa học.

Bộ GD-ĐT khẳng định, trong 3 năm tới, khi tổ chức thực hiện, mỗi trường quyết định một trong các phương án tuyển sinh: hoặc thực hiện đề án tuyển sinh riêng được Bộ GD-ĐT xác nhận đáp ứng các yêu cầu quy định; hoặc tham gia kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức. Các trường cũng có thể thỏa thuận với trường có đề án tuyển sinh phù hợp đã được Bộ GD-ĐT xác nhận để tổ chức thi tuyển sinh theo đề án của trường đó.

Một điểm mở nữa trong đề án đó là Bộ GD-ĐT cho phép các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành. Tuy nhiên, theo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, việc tổ chức thi tuyển sinh nhiều lần trong một năm sẽ rất phức tạp, nặng nề cho thí sinh. Hiện nay đầu tháng 6 mỗi năm học sinh phải thi tốt nghiệp THPT, sang tháng 7 thi tuyển sinh “3 chung” vào ĐH-CĐ. Vì vậy, Bộ GD-ĐT muốn các trường tuyển sinh tối đa 2 lần trong năm, thống nhất vào các đợt thi trên toàn quốc, chứ không phải mỗi trường tự chọn một thời điểm để tổ chức thi riêng. Do đó, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét để đưa ra thời gian tổ chức các đợt thi cho thích hợp và những trường thi riêng căn cứ vào đó đăng ký đợt thi của trường mình.

Mặc dù Bộ GD-ĐT mở cửa cho các trường tự chủ tuyển sinh, nhưng các trường công lập vẫn còn e ngại. Theo Th.S Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing, lý do các trường công lập chưa vội trình phương án do chưa có hệ tiêu chí đánh giá, bộ đề thi. Hơn nữa, nguồn tuyển của các trường cũng khá ổn định.

Lo ngại về chất lượng

Cùng với việc ủng hộ Bộ GD-ĐT trao quyền tự chủ cho các trường tuyển sinh riêng, nhiều nhà quản lý cũng băn khoăn ở vấn đề làm sao để kiểm soát chất lượng với các trường tuyển sinh riêng?

Theo GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, hiện nay các trường công lập không mặn mà tổ chức thi riêng vì thi “3 chung” các trường không gặp vấn đề gì về nguồn tuyển. Hơn nữa, khâu quan trọng nhất là đề thi cũng do Bộ GD-ĐT ra đề. Tuy nhiên, khi không còn thi “3 chung” thì các trường phải có phương án tuyển sinh phù hợp với mục tiêu và đặc thù của trường mình để tuyển chọn người học có đủ năng lực theo học.

Th.S Hứa Minh Tuấn cho rằng: “Các trường công lập chờ Bộ GD-ĐT đưa ra hệ tiêu chí cụ thể thì các trường mới mạnh dạn trình phương án tuyển sinh cụ thể. Cái khó nhất mà các trường e ngại chính là ở bộ đề thi. Vì vậy, hiện nay một số trường có thế mạnh về đào tạo nhóm ngành kinh tế đang tính đến phương án tuyển sinh chung để thuận lợi cho thí sinh”. Chia sẻ cùng quan điểm trên, GS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM, cho rằng: “Tôi cũng đã trao đổi trực tiếp với Bộ GD-ĐT là dù trường có tổ chức thi riêng thì cũng không thể ra đề thi mà phải lấy đề từ Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục”. 

Như vậy, vấn đề mà các trường công lập kiến nghị ở khâu đề thi là có cơ sở. Nếu để các trường ngoài công lập tổ chức tuyển sinh riêng mà chưa có hệ tiêu chí khoa học để đánh giá năng lực học đại học của thí sinh thì dễ xảy ra tình trạng vượt chỉ tiêu, luyện thi tràn lan, bát nháo và thậm chí không có chất lượng. Điều này sẽ dẫn đến hệ quả tất cả đều vào đại học và chắc chắn các trường trung cấp và trường nghề sẽ giải tán, đồng thời chủ trương phân luồng cũng sẽ phá sản.

Thanh Hùng

Tin cùng chuyên mục