Bài 2: Thiếu quản lý, định hướng

Bắt nhịp thị trường du học tiềm năng và ngày một phát triển, “công nghệ tuyển sinh” du học ở Việt Nam đang nở rộ với mạng lưới công ty dịch vụ tư vấn mọc khắp mọi nơi. Tốn chi phí dịch vụ cao từ 1.000 - 2.000 USD trở lên nhưng không ít du học sinh (DHS) đành chấp nhận thực tế “may nhờ rủi chịu”…
Bài 2: Thiếu quản lý, định hướng

Bùng nổ du học tự túc

Bắt nhịp thị trường du học tiềm năng và ngày một phát triển, “công nghệ tuyển sinh” du học ở Việt Nam đang nở rộ với mạng lưới công ty dịch vụ tư vấn mọc khắp mọi nơi. Tốn chi phí dịch vụ cao từ 1.000 - 2.000 USD trở lên nhưng không ít du học sinh (DHS) đành chấp nhận thực tế “may nhờ rủi chịu”…

Một số du học sinh Việt Nam được các trường đại học ở Anh, Mỹ tuyên dương về thành tích học tập.

Một số du học sinh Việt Nam được các trường đại học ở Anh, Mỹ tuyên dương về thành tích học tập.

“Vàng thau lẫn lộn”...

Có thể nói nhu cầu du học thì nhiều nhưng số học sinh, sinh viên có trình độ, giỏi ngoại ngữ, biết cách chọn ngành học, tìm trường có uy tín và chủ động gởi hồ sơ đăng ký không nhiều. Phần đông ngại đụng những thủ tục phức tạp, nhất là quy trình xin visa, chứng minh tài chính nên chùn bước. Họ chấp nhận tốn chi phí và đặt trọn niềm tin ở các công ty, đơn vị tư vấn, tuyển sinh du học luôn nhiệt tình mời chào. Thế nhưng, trong hàng ngàn công ty, đơn vị cùng quảng bá cung cấp dịch vụ giáo dục quốc tế hàng đầu, đảm bảo được cấp visa… “thượng đế” như lạc vào mê hồn trận, khó thẩm định chất lượng, giá cả phù hợp.

Theo Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và cao đẳng, đại học (Sở GD-ĐT TPHCM), sở đã nhận không ít đơn thư khiếu nại về tư vấn du học “dỏm”, chịu cảnh tiền mất tật mang, nhưng thiếu cơ sở pháp lý nên không thể giải quyết. Cụ thể như Công ty Đông Phương bị tố cáo thu tiền để cung cấp dịch vụ du học tại Mỹ, nhưng cuối cùng thất hứa và không hoàn trả tiền, Công ty Du học Thái (quận 10 TPHCM) thu đủ các loại phí tư vấn, thị thực du học với mức 2.700 - 4.000 USD/người nhưng phủi tay ôm tiền bỏ trốn khiến 20 phụ huynh khốn đốn. Còn Công ty cổ phần Quốc tế Đại Tây Dương (Atlantic) ở Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương thu mức phí khủng 4.000 - 10.000 USD/người để dịch vụ tư vấn, làm thủ tục du học nhưng thực tế chỉ là “bánh vẽ”…

Trong xu thế hội nhập quốc tế, kinh doanh giáo dục đang là miếng bánh ngon mang lại trị giá khổng lồ (hàng chục tỷ USD/năm) nên nhiều nước chú trọng khai thác thị phần này. Thay vì gởi nhân viên đến các nước tuyển sinh tốn kém, nhiều trường CĐ, ĐH ở nước ngoài thuê các công ty dịch vụ tư vấn du học ở Việt Nam quảng bá, tuyển sinh cho đỡ tốn kém.

Cụ thể như một số trường cao đẳng cộng đồng ở Mỹ, chi phí học tập của sinh viên nước ngoài cao gấp 10 lần nên họ sẵn sàng chi khoản hoa hồng cao (10% - 15%) cho việc tuyên truyền, kể cả “chiêu dụ” sinh viên đến học càng nhiều càng tốt. Nhiều sinh viên Việt Nam khi đến Mỹ học tập cũng “ngậm ngùi” nhận ra sự thật họ phải trả học phí quốc tế quá cao nhưng chất lượng đào tạo không đúng như quảng bá, thậm chí phải học ở những trường “vô danh tiểu tốt”, cầm tấm bằng tốt nghiệp nhưng không thể tìm được việc làm.

Cần định hướng

Theo thống kê mới nhất của tổ chức giáo dục IIE, trong năm học 2012 - 2013, gần 40% DHS Việt Nam ở Mỹ học ngành kinh doanh, quản trị và phần nhiều định hướng nghề nghiệp chưa rõ ràng. Điều này cho thấy vai trò cầu nối – tư vấn, định hướng nghề nghiệp tương lai phù hợp cho học sinh, sinh viên trước khi đi du học rất quan trọng. Thế nhưng, hiện có bao nhiêu công ty tư vấn du học chuyên nghiệp có đủ năng lực có thể đảm nhận vai trò này?

Một vấn đề nóng đang được đặt ra là quản lý DHS học tập, nghiên cứu tại nước ngoài như thế nào? Các cơ quan chức năng có nắm chính xác số lượng DHS và ngành nghề, bậc học mà họ đang theo học ở từng nước? Theo nhiều chuyên gia giáo dục, vấn đề này đang bị bỏ ngỏ và chúng ta khó có thể kết nối, tận dụng nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế này.

Trong Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, các bộ ngành liên quan tổ chức, quản lý DHS. Thế nhưng, sau gần 1 năm ban hành, ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo nước ngoài (Bộ GD-ĐT) cho biết, hiện Bộ GD-ĐT chỉ quản lý được số lưu học sinh đi học nước ngoài do bộ cử đi học, còn những đối tượng do các cơ quan khác, nhất là DHS tự túc thì chưa quản lý được.

Là một địa phương có số lượng học sinh, sinh viên đi du học lớn nhất nước nhưng ngành GD-ĐT TPHCM cũng chưa nắm được con số cụ thể cũng như đánh giá về chất lượng hoạt động dịch vụ tư vấn du học trên địa bàn. Nếu theo số lượng giấy phép đăng ký hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn du học được Sở KH-ĐT TPHCM cấp thì toàn TPHCM có khoảng 3.000 công ty, đơn vị được cấp phép. Thế nhưng, thực chất có bao nhiêu công ty hoạt động và hoạt động như thế nào thì Sở GD-ĐT TPHCM không thể nắm được. Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, hiện sở đang rà soát nắm lại danh sách, số lượng hoạt động trong lĩnh vực này và sẽ cấp phép hoạt động chuyên ngành cho những công ty, đơn vị hội đủ điều kiện như quy định tại Quyết định 05. 

Để chấn chỉnh hoạt động này, tạo điều kiện cho người tiếp cận dịch vụ tư vấn du học đạt chất lượng, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ công khai danh sách các công ty, giá cả dịch vụ… Theo các công ty dịch vụ tư vấn du học chuyên nghiệp, làm ăn uy tín, việc hoàn thiện các chính sách quản lý DHS và dịch vụ du học không chỉ bảo vệ lợi ích của người dân mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, chống lại những hiện tượng gian lận, lừa đảo như đã xảy ra.

Chi phí học tập, sinh hoạt ở một số quốc gia như Mỹ, Anh, Australia, Canada… cao ngất ngưởng, tùy theo ngành học (bình quân 25.000 - 40.000 USD/năm), trong đó có nhiều ngành học như y, dược… lên đến 60.000 USD/năm. Theo khảo sát của Ngân hàng Toàn Cầu, Australia xếp hạng đầu với chi phí mà sinh viên châu Á phải trả là 38.000 USD/năm; Mỹ đứng thứ hai là 35.000 USD/năm; Anh đứng thứ ba: 30.000 USD/năm; Hồng Công (Trung Quốc), Singapore: 20.000 USD/năm…

 Khánh Bình

>>Bùng nổ du học tự túc - Thị phần màu mỡ

Tin cùng chuyên mục