Giáo viên phổ thông còn ít “mài” gương

Nhiều áp lực, thiếu thời gian
Giáo viên phổ thông còn ít “mài” gương

Trả lời câu hỏi vì sao nhiều giáo viên phổ thông không có thói quen tự học, tự nghiên cứu, thầy Huỳnh Văn Thế (Trường THPT Mang Thít huyện Mang Thít tỉnh Vĩnh Long) chỉ ra nhiều áp lực lẫn rào cản: “Giáo viên phải làm rất nhiều công việc như viết các loại giáo án, làm sổ sách, họp tổ chuyên môn, hội đồng sư phạm, dự giờ, thao giảng, chấm thi… Như thế lấy thời gian đâu để họ nuôi dưỡng đam mê tự học, tự nghiên cứu?”.

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn quận 3 TPHCM, luôn chịu khó sưu tầm tài liệu lịch sử để làm mới bài giảng.

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn quận 3 TPHCM, luôn chịu khó sưu tầm tài liệu lịch sử để làm mới bài giảng.

Nhiều áp lực, thiếu thời gian

Với khối lượng công việc chuyên môn và ngoài chuyên môn, kèm nhiều công việc sự vụ (không làm bị trừ thi đua), nỗi lo cơm áo gạo tiền phải lao vào dạy thêm… nhiều giáo viên thừa nhận họ không còn thời gian để tự học. Còn việc nghiên cứu, sáng tạo - viết sáng kiến, luôn trở thành “cực hình” và nhiều người tự hỏi viết để làm gì khi có nhiều sáng kiến được tuyên dương, xếp loại A, B nhưng chẳng thấy ứng dụng? Đó là chưa kể, ý thức tự học, tìm tòi tư liệu mới cho bài giảng nếu có cũng “lực bất tòng tâm” vì thư viện của nhiều trường THPT ở vùng sâu, vùng xa nghèo nàn, thiếu thốn đủ thứ. Điều này không chỉ thiệt thòi cho đội ngũ giáo viên mà còn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, hạn chế trong truyền thụ kiến thức cho học sinh ở khu vực này.

Vậy thực tế có bao nhiêu phần trăm giáo viên xem việc tự học, tự nghiên cứu và coi trọng công việc này như “mài” gương mỗi ngày để kiến thức, kỹ năng luôn tỏa sáng? Ngoại trừ số giáo viên giỏi, có năng lực luôn chủ động tự học, tự nghiên cứu, số còn lại thụ động, chờ đợi tập huấn, chỉ đạo từ cấp trên và bám sách giáo khoa để giảng dạy là chính. Nêu thêm hạn chế, thầy Nguyễn Trí Nguyên (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Quảng Trị) cho rằng nguồn tư liệu trên internet cung cấp lượng tri thức nhiều nhưng đa phần giáo viên phổ thông không thể đọc, khai thác vì trình độ thấp, yếu và “mù ngoại ngữ”.

Theo Th.S Phạm Quang Huân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sư phạm (ĐH Sư phạm Hà Nội), nhà trường sư phạm chỉ cung cấp những tri thức khoa học căn bản, kỹ năng sư phạm nền tảng và nếu không tự học để “nâng mình lên” thì người thầy sẽ lạc hậu trước trò. Hơn nữa xu thế đổi mới phương pháp dạy học thời hội nhập nền giáo dục tiên tiến đòi hỏi người thầy phải là tấm gương tự học, tư duy sáng tạo để có thể phát huy tối đa năng lực học sinh, giúp các em tự khám phá, chiếm lĩnh tri thức.

Người thầy tương lai cũng thiếu kỹ năng tự học

Trước xu thế đổi mới nền giáo dục nước nhà theo hướng hội nhập, tiếp cận nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, trong đó yêu cầu dạy học theo năng lực học sinh, lấy người học làm trung tâm, vai trò của người thầy đang thay đổi. Từ nhiệm vụ “độc thoại” truyền đạt kiến thức, người thầy phải chuyển đổi phương pháp mới, giúp người học hình thành các kỹ năng, biết cách tự học, có năng lực giải quyết vấn đề. Như thế, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường sư phạm, ngoài trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm… các giáo sinh cần được hướng dẫn, xây dựng năng lực tự học, tự nghiên cứu, phát triển tư duy độc lập, sáng tạo. Vậy, các “cỗ máy cái” sư phạm đã kích hoạt tiêu chí trụ cột này như thế nào để họ đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản nền giáo dục sau năm 2015?

Theo một số chuyên gia giáo dục, đầu vào của ngành sư phạm không cao, học lực không đồng đều là nguyên nhân dẫn đến thực tế đa phần sinh viên chưa hiểu rõ vai trò của việc tự học, thiếu tự giác lẫn say mê trong tự học, tự nghiên cứu nên kết quả học tập chưa cao. Trên thực tế, nhiều trường ĐH, CĐ cũng chưa có tín chỉ tự học, tự nghiên cứu để ràng buộc sinh viên sư phạm phải rèn luyện kỹ năng này. Từ khảo sát trên 300 sinh viên theo học ngành sư phạm của trường, hai Th.S Hà Thị Lịch và Đỗ Khắc Thanh Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) chỉ ra rằng: “Kỹ năng tổ chức học tập của sinh viên ở mức trung bình, trong đó nhiều kỹ năng còn yếu cho thấy cần phải bồi dưỡng kỹ năng tự học để nâng cao kết quả học tập”.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, PGS-TS Phạm Thị Minh Chí nêu kinh nghiệm tổ chức các buổi thảo luận cho sinh viên và hướng dẫn nguồn tư liệu cần tìm đọc, nghiên cứu theo chủ đề. Việc “ép” sinh viên phải đọc, phải tham gia phát biểu sẽ dần hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu hiệu quả. Tuy nhiên để nuôi dưỡng tinh thần tự học thì thư viện của các trường đại học phải được trang bị, hoàn thiện danh mục sách cho các bộ môn. Kiến nghị những giải pháp phát triển năng lực tự học của sinh viên sư phạm, TS Nguyễn Dương Hoàng, ĐH Đồng Tháp cho rằng cần cải tiến, điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng tăng hoạt động tự học và bồi dưỡng phương pháp tự học cho sinh viên.

  • PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TPHCM)

"Nếu người thầy hiện tại và người thầy tương lai không tự học, tích lũy thêm kiến thức chuyên sâu thì họ không thể đảm nhận vai trò kiến tạo tri thức, phát triển năng lực học sinh theo yêu cầu đổi mới giáo dục sau năm 2015"

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục