Thầy giáo… nghiệp dư

“… Và cổ tích không còn là quá xa/ Là ngày xửa, ngày xưa… là cổ tích/ Chuyện ngày nay đậm tình người mà rất thực/ Chuyện về một người thầy/ Nghe như cổ tích ngày xưa!”. Đó là những câu thơ rất chân phương của em Nguyễn Vũ Anh Khoa viết để tặng thầy giáo… nghiệp dư Nguyễn Hoàng Anh, người đã 18 năm mở lớp dạy vẽ miễn phí để giúp các em học sinh nuôi ước mơ vào giảng đường Đại học Kiến trúc.
Thầy giáo… nghiệp dư

“… Và cổ tích không còn là quá xa/ Là ngày xửa, ngày xưa… là cổ tích/ Chuyện ngày nay đậm tình người mà rất thực/ Chuyện về một người thầy/ Nghe như cổ tích ngày xưa!”. Đó là những câu thơ rất chân phương của em Nguyễn Vũ Anh Khoa viết để tặng thầy giáo… nghiệp dư Nguyễn Hoàng Anh, người đã 18 năm mở lớp dạy vẽ miễn phí để giúp các em học sinh nuôi ước mơ vào giảng đường Đại học Kiến trúc.

Kiến trúc sư Hoàng Anh tận tụy dạy cho từng học trò những kỹ năng vẽ tượng.

Kiến trúc sư Hoàng Anh tận tụy dạy cho từng học trò những kỹ năng vẽ tượng.

Chúng tôi đến lớp luyện thi đại học của kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Anh (đường Nguyễn Trung Trực, phường 3, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) vào một buổi sáng chủ nhật trung tuần tháng 11. Đập vào mắt chúng tôi là hàng chục em học sinh đang ngồi cặm cụi bên các bức tượng thạch cao được đặt làm mẫu để vẽ. Thầy giáo… nghiệp dư Nguyễn Hoàng Anh chăm chút đến bên từng em để hướng dẫn cách sắp xếp bố cục bản vẽ, đánh bóng, dựng hình…, rồi nhẹ nhàng giúp các em sửa lại những nét vẽ cho đúng và đẹp hơn.

Chuyện bắt đầu từ năm 1995, khi đứa em của Nguyễn Hoàng Anh đăng ký thi vào Trường Đại học Kiến trúc TPHCM. Thi vào trường này phải thi môn vẽ nên cần học thêm bên ngoài. Thế là  kiến trúc sư Hoàng Anh dành thời gian kèm cho em trai môn vẽ. Học một mình buồn nên đứa em của anh rủ thêm đứa bạn cùng học. Năm ấy cả 2 em cùng đậu đại học trong niềm vui mừng của gia đình và của thầy giáo… nghiệp dư.

Tiếng lành đồn xa. Nhiều phụ huynh và học sinh đến nhà nhờ Hoàng Anh dạy kèm. Cuộc sống gia đình của Hoàng Anh lúc ấy còn rất khó khăn, vì một mình anh phải lo làm kiếm tiền nuôi 2 con ăn học. Tuy nhiên, anh nghĩ lấy học phí vài chục ngàn đồng cũng không cải thiện được gì, trong khi học sinh theo học môn này đã rất tốn kém. Anh bàn với vợ: Thôi thì cố gắng giúp cho các em học miễn phí. Và ý tưởng ấy của anh đã bắt gặp với trái tim nhân hậu của chị.

Từ đó, lớp luyện thi đại học “tình thương” ra đời. Vậy nhưng có người không tin kiến trúc sư Hoàng Anh dạy không lấy tiền, có người nói anh khùng vì công sức đâu đi dạy công không. Có người bảo khi mỗi em đậu đại học thì phụ huynh tặng anh vàng cây… Lòng tự trọng bị tổn thương, anh giải tán lớp học. Các em sinh viên là học trò của anh đang học tại TPHCM hay tin rủ nhau kéo về năn nỉ thầy dạy lại. Gạt qua những lời dè bỉu của dư luận, anh nghĩ quan trọng nhất là phải giúp các em. “Dạy không vì tiền thì tình cảm thầy trò luôn trọn vẹn”, anh giải thích thêm về việc làm của mình. Năm 1996, lớp học được hình thành trở lại với 10 em, học 3 buổi mỗi tuần. Năm ấy, 9 học sinh đậu vào Đại học Kiến trúc TPHCM, ngoài niềm mong đợi của anh và phụ huynh.

Từ đó, cái tin “học trò nào đến thầy Hoàng Anh luyện thi đều đậu đại học” lan truyền sang các tỉnh Bến Tre và Long An. Một số học sinh ở 2 tỉnh này cũng tìm đến nhà nhờ anh dạy. Có năm lớp luyện thi của anh đông tới gần 40 học sinh, ngồi chen chúc nhau trong căn phòng chật chội. 18 năm qua, từ lò luyện thi đại học “tình thương” của anh, đã có khoảng 100 em tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, đang công tác ở Tiền Giang, Long An, Bến Tre, TPHCM…, trong đó có 10 em thành lập được công ty riêng.

Năm 2011, nhiều phụ huynh yêu cầu anh phải thu học phí, vì hiện nay kinh tế đã đỡ hơn trước rất nhiều. Trước sự tha thiết của phụ huynh, kiến trúc sư Hoàng Anh mời các thế hệ học trò đã ra trường về để bàn. Và cuối cùng, thống nhất nhận học phí tượng trưng 150.000 đồng/em/tháng. Số tiền học phí ấy dùng để thành lập Quỹ học bổng Nguyễn Hoàng Anh. Quỹ học bổng còn có sự đóng góp của các thế hệ học trò của anh đã thành đạt.

Từ năm 2011 đến nay, Quỹ học bổng Nguyễn Hoàng Anh đã trao khoảng 50 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Tiền Giang, mỗi suất từ 200.000 - 5 triệu đồng, tùy vào hoàn cảnh của từng em. Quỹ học bổng Nguyễn Hoàng Anh cũng vừa xây tặng cho gia đình bà Dương Thị Bé ở phường 3, TP Mỹ Tho, Tiền Giang căn nhà tình thương, kinh phí gần 30 triệu đồng.

NGUYÊN CHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục